Nếu thời gian hồi tưởng được xem là “bị quy định bởi mốc của điểm nhìn trần thuật và là thời gian được kể lại” [60] thì có thể coi không gian hồi tưởng là không gian được tái hiện lại thông qua điểm nhìn trần thuật. Như đã trình bày ở các phần trên, rất khó để tách được hai khái niệm không gian và thời gian thành hai khái niệm khác biệt. Vì thế sự dịch chuyển không – thời gian thông qua nhiều điểm nhìn trần thuật tạo nên những nét mới mẻ trong cách xây dựng bối cảnh tiểu thuyết. Điều đáng ghi nhận trước nhất là nhà văn Hoàng Minh Tường nỗ lực, cố gắng để thoát khỏi lối trần thuật truyền thống, “biết tuốt”. Việc này thể hiện qua cách xây dựng không gian – thời gian hồi tưởng. Nhà văn thường bắt đầu bằng những cụm từ: “Đêm ấy ….”, “Nghĩ lại …”, “Mới thấm thoắt mà …”, “Cái con người ấy hai mươi năm trước …”, “Chao ôi, hai mươi năm trước …” … Chính nhờ lối dẫn dắt trực diện đó mà người đọc có thể xâm nhập ngay vào bối cảnh khác mà không hề bị hẫng hay cảm thấy bị đứt mạch văn.
Trong tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc và Đồng sau bão nhà văn đã rất dụng công đi xây dựng kiểu không – thời gian này. Theo thống kê của chúng tôi thì tỷ lệ nhân vật hồi tưởng lại, nhớ lại trong hai tiểu thuyết là tương đương nhau. Miêu tả một vùng quê rộng lớn với những bộn bề hiện thực không phải một bài toán dễ với bất cứ nhà văn nào. Tiểu thuyết Hoàng Minh Tường không tập trung đi vào đời sống cá nhân mà hướng tới tính tập thể, cái chung thông qua miêu tả hai giai đoạn quan trọng trong đời sống xã hội là “khoán chui” và cải cách kinh tế. Vì thế dung lượng hiện thực của tác phẩm rất lớn, không thể diễn tiến theo một chu trình thời gian tuần tự được. Xây dựng không gian – thời gian hồi tưởng gần như là phương pháp hữu hiệu nhất để dồn nén hiện thực trong phạm vi dung lượng nhất định.
Chúng ta nhận thấy hai hình thức hồi tưởng thông qua hai điểm nhìn trần thuật chủ yếu. Một là điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ ba, điểm nhìn “biết tuốt” và điểm nhìn của chính nhân vật. Riêng trong tiểu thuyết Thủy hỏa
đạo tặc thì nhân vật chính nào cũng trải qua hồi ức. Có vẻ như không khí của
Thủy hỏa đạo tặc là không khí của hồi ức, của những câu chuyện quá khứ, đan
xen, dồn dập hiện về. Mối liên hệ chặt chẽ giữa không gian và thời gian hồi tưởng như đã phân tích ở trên được thể hiện rất rõ. Đằng sau mỗi một cụm từ chỉ thời gian hồi tưởng là sự xuất hiện liền kề không gian hồi tưởng. Đó có thể tiếp tục là không gian làng quê, đó cũng có thể là không gian chiến trường, đó có thể là không gian đô thị … Tuy không nhiều và không giữ vai trò chủ đạo nhưng sự xuất hiện của không gian đô thị trong tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc như báo trước một dự cảm mà sau này, trong Đồng sau bão phát triển mạnh hơn. Sự đan xen của mô hình không gian – thời gian hồi tưởng không chỉ giúp tái hiện nhân vật mà còn có tính chất dự báo rất rõ ràng.
Việc tạo ra những không gian – thời gian hồi tưởng cho nhân vật bên cạnh nhiệm vụ chuyên chở hiện thực còn có một chức năng nghệ thuật khác rất quan trọng là liên kết các sự kiện. Đành rằng hồi ức nhân vật như một thủ pháp xây
dựng sự kiện mà nhiều nhà văn sử dụng và nhà văn Hoàng Minh Tường cũng rất chú trọng tới nó. Chính bởi thế việc tạo ra rất nhiều những đoạn hồi tưởng, tức là tạo ra nhiều không gian – thời gian hồi tưởng trong tiểu thuyết Hoàng Minh Tường đã là một điểm đáng ghi nhận. Thứ nữa việc tái hiện quá khứ và hiện tại đan xen nhau giống như một hình thức bổ sung nghệ thuật. So với tiểu thuyết
Đồng chiêm, cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về nông thôn của nhà văn này thì việc
nhân vật hồi tưởng lại các sự kiện không nhiều. Theo khảo sát của chúng tôi thì những đoạn hồi tưởng chủ yếu diễn ra ở những nhân vật chính như Đình, Mí… Số nhân vật còn lại chỉ có chức năng hành động.
Một điều rất đáng lưu ý khác trong việc xây dựng không gian – thời gian hồi tưởng là khả năng liên kết nhân vật. Chúng tôi sẽ phân tích bằng một vài điểm sau: Mở đầu tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc là cuộc trưng thu lương thực với nhân vật Cơ xuất hiện. Tiếp đến là ông Điền, sau đó là Vy và cuối cùng là Thanh. Bốn nhân vật trong một tuyến nhân vật. Cũng giống như tuyến nhân vật Trần Sinh – Cơ – Đắc – Thắm – Loan sau này vậy. Mỗi nhân vật hiện lên thông qua hồi tưởng của nhân vật khác (Có thể thời gian – không gian xảy ra ở quá khứ hoặc hiện tại). Ở một không gian – thời gian khác, nhân vật xuất hiện với tư cách, tình cảm và suy nghĩ khác. Vy trong hồi tưởng của ông Điền là sự rung động và yêu Cơ thật lòng. Nhưng ở hiện tại thì Vy cho đó là tội lỗi và điều đáng kinh tởm. Sự liên kết rất chặt chẽ của hệ thống nhân vật thông qua cách xây dựng không gian – thời gian hồi tưởng gần như một cánh cửa thời gian để nhân vật có thể đột ngột thay đổi hành động và người đọc có thể nhận biết rõ hơn bản chất nhân vật đó như thế nào. Càng tạo ra nhiều “cánh cửa thời gian” như vậy, tác phẩm trở nên có chiều sâu hơn và do đó, chất lượng nghệ thuật cũng có bước chuyển rất rõ rệt. Có lẽ đây cũng là một thành công của nhà văn Hoàng Minh Tường trong việc xây dựng tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc.
Đến tiểu thuyết Đồng sau bão thì cách xây dựng không gian – thời gian hồi tưởng của nhà văn đã có những biến chuyển khác. Sự mở rộng biên độ hiện
thực của tác phầm có đóng góp không nhỏ của cách xây dựng những mô hình không gian – thời gian hồi tưởng. Hiện thực trong tiểu thuyết Đồng sau bão
không chỉ giới hạn trong phạm vi làng quê mà mở rộng ra hết biên độ của nó. Những không gian có thể được tác giả trực tiếp miêu tả như không gian phố thị, không gian làng quê thời kì đổi mới ... nhưng không gian hồi tưởng cũng đóng góp một phần rất quan trọng. Đoạn hồi tưởng của nhân vật Loan về những kỉ niệm hạnh phúc và những thời gian thần tiên ở biển Vũng Tàu là một đặc sắc không thể bỏ qua. Việc dịch chuyển không gian và thời gian ngoài việc giúp mở rộng biên độ hiện thực, điều quan trọng hơn nó cho thấy sự thay đổi của con người sống ở đó. Người đọc không thể biết được Trần Sinh là một người ga lăng, một người si tình và là một người đàn ông tuyệt vời trong tình yêu nếu không có không gian đó, thời gian đó. Cũng như người đọc không thể biết được Trần Sinh là một người gian xảo, chiếm đoạt người yêu của cấp dưới nếu không có không gian căn phòng hiện lên trong hồi tưởng của Loan. Nhân vật trong tiểu thuyết
Đồng sau bão cũng thường xuyên hồi tưởng. Cụm từ: “hồi ấy...”, “ngày ấy...”,
“nhớ năm nào...” cũng thường xuyên xuất hiện nhất là đối với nhân vật Cơ. Biến chuyển lớn nhất trong cách xây dựng không gian - thời gian hồi tưởng ở tiểu thuyết Đồng sau bão không nằm ở nghệ thuật mà nằm ở nội dung của nó. Sự thay đổi trong không gian - thời gian bao giờ cũng kéo theo sự thay đổi các sự kiện, nhân vật, bối cảnh ... Cần chú ý là sự lắp ghép rất có chủ ý của nhà văn đối với các đoạn hồi tưởng của nhân vật trong tác phẩm. Nhân vật ở nông thôn hồi tưởng về thành phố và ngược lại. Điều này tạo thành hai bức tranh nông thôn – thành thị vừa đối lập vừa hòa quyện, đối chiếu nhau. Có vẻ như nhà văn không muốn dồn nén hiện thực như ở tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc mà muốn mở rộng hiện thực trên phạm vi địa lý.
Vì vậy xây dựng không gian - thời gian hồi tưởng là một dụng ý nghệ thuật rất rõ ràng và có chủ đích của nhà văn Hoàng Minh Tường. Đây cũng được coi là một phương pháp quan trọng để nhà văn tái hiện hiện thực. Dù rằng chưa
mang tính đột phá trong xây dựng, lắp ghép không – thời gian như nhiều nhà văn hiện đại về sau nhưng có thể coi đây là những cố gắng nghệ thuật hết sức đáng ghi nhận của chính nhà văn