M. Gorki có lần khuyên một nhà văn trẻ: “ Anh hãy bỏ nghề viết đi. Đấy không phải là việc của anh, có thể thấy rõ như thế. Anh hoàn toàn không có khả năng miêu tả con người cho sinh động, mà đấy lại là công việc chủ yếu” [1. Tr6]. Có thể thấy việc miêu tả con người sao cho thật sinh động là nhiệm vụ cốt tử của nhà văn. Vì thế miêu tả nhân vật thông qua phương diện bên ngoài trở thành một trong những thủ pháp quen thuộc không chỉ ở tiểu thuyết mà còn ở thể loại tự sự nói chung. Dù kỹ thuật viết có hiện đại đến mấy nhưng “việc quay về với một số nét nào đó của cái cũ cũng được coi là mới” [12. Tr.108]. Tức là dù có áp dụng kỹ thuật hiện đại nào đi chăng nữa thì nhân vật cũng không thể thoát khỏi những phác họa ban đầu về ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Đối với hai tiểu thuyết
Thủy hỏa đạo tặc và Đồng sau bão thì kỹ thuật này được sử dụng như là một thủ
pháp chính.
Khi miêu tả Trần Sinh nhà văn tập trung để nhân vật này nói nhiều hơn là hành động. Nhân vật này chỉ xuất hiện ngoài thực tế một đoạn ngắn khi đi kiểm tra công tác cứu lúa ở huyện Giang Thủy. Còn lại Trần Sinh chỉ quanh ở phòng họp, hội trường, phòng làm việc, những bức thư, bức điện chỉ đạo. Là người lãnh đạo một huyện nông nghiệp nhưng Trần Sinh rất ít khi nói tới nông nghiệp mà chỉ nói về đường lối như một cái máy. Hành động quyết liệt, thái độ không khoan nhượng trước những hành động vi phạm đường lối là tính cách điển hình của nhân vật này. Trần Sinh nói: “Phải kết hợp giữa biện pháp thuyết phục, giải thích và biện pháp chính quyền. Phải đưa lão Trạc đi tập trung giáo dục một thời gian” [40. Tr.148].
Điều đặc sắc ở chỗ tác giả đã xây dựng hành động rất đúng với bản tính tương ứng của nhân vật. Chẳng hạn xây dựng nhân vật Biền là một người lọc lõi, khôn ngoan, cơ hội ... nhà văn đã tạo nên một kiểu nhân vật lù đù, người nhỏ thó nhưng lại đặc tả rất kỹ đôi mắt ti hí “lúc nào cũng ánh lên những cái nhìn sắc sảo ẩn dưới cặp kính dầy cộp”. Sự tương phản hoàn toàn giữa ngoại hình và tính cách nhưng chỉ qua đôi mắt ti hí đó đã lột tả được toàn bộ bản chất của nhân vật. Trong khi đó bản tính của nhân vật lão Trạc lại được miêu tả chủ yếu qua hành động và cử chỉ. Với việc miêu tả thân hình đen bóng, rắn rỏi, hàng ngày chỉ “mặc độc một chiếc quần gụ, áo vắt lên vai. Khi có khách lão mới chịu mặc một bộ tươm tất nhưng cũng vội vàng rồi cởi ra ngay”, tác giả đã cho thấy lão Trạc là con người gắn bó máu thịt với đồng ruộng tới mức nào. Không chỉ vậy các nhân vật trong tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc đều từ nông dân đi lên, dù có trong vai người lãnh đạo, trí thức hay bộ đội thì hình dáng, điệu bộ, cho đến cử chỉ, hành động ... của họ vẫn là nông dân 100%.
Không chỉ xây dựng được hình ảnh người nông dân thông qua ngôn ngữ, cử chỉ ... Hoàng Minh Tường còn xây dựng được hình ảnh con người thị dân với tất cả những đặc điểm khu biệt của nó. Có thể coi Nga là một nhân vật thị dân đúng nghĩa. Nga không sống bằng nội tâm, tất cả điều được thể hiện qua hành động. Nhìn vào những việc Nga làm, đối xử với người xung quanh, chúng ta có thể biết được toàn bộ bản chất con người bên trong của nhân vật này. Kiểu người thị dân lưu manh, lọc lõi, chua ngoa được xây dựng với hình dung, hành động rất cụ thể. Đó là việc Nga vác cái bụng chửa đi rêu rao khắp cơ qua để ép Cơ phải lấy mình, thế rồi những ngày tháng Cơ bị “vợ trùm váy lên đầu”, thế rồi Nga tổ chức đánh cắp quyển nhật ký của Trần Sinh từ tay Loan để ẵm trọn căn biệt thự trong Làng du lịch, rồi mưu mô thuê lại trang trại Đầm Sen của gia đình lão Trạc để mở cửa hàng và biến nơi này thành tụ điểm ăn chơi ... tất cả đã phản ánh chân thực bản tính cũng như con người nhân vật Nga.
Từ những điều đã phân tích trên có thể thấy rằng, nhờ vào cách xây dựng nhân vật từ phương diện bên ngoài, nhà văn tuy chưa tạo được những sắc thái riêng nhưng cũng đã khá thành công trong việc xây dựng diện mạo ban đầu của nhân vật. Cách xây dựng đó dù ít dù nhiều đã để lại những ấn tượng nhất định cho người đọc, để họ thấy rằng “là nó nhưng không phải là nó”. Đây có thể coi là tiền đề quan trọng đầu tiên để người đọc khám phá thế giới nhân vật về sau này.