Nếu xem tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc như một cuốn phim sinh động về giai đoạn chuyển mình từ lối làm ăn tập thể sang mô hình kinh tế hộ gia đình thì tiểu thuyết Đồng sau bão lại mô tả về một giai đoạn mới trong tiến trình phát triển của xã hội Việt Nam. Sự kiện xảy ra trong tiểu thuyết được ấn định là 20 năm sau những biến động ở hợp tác xã Thanh Bình, tức là những năm bản lề chuyển giao sang thế kỷ XXI. Ở góc độ lịch sử-xã hội khoán 10 thực sự là một cuộc cách mạng, là sự “cởi trói” cho nông nghiệp, đưa Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Để đạt được bước tiến này, chúng ta đã có hai cuộc cải cách lớn. Tác giả Nguyễn An Nguyên đã viết rằng: “Cải cách to lớn đầu tiên là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, ASEAN và Mỹ. Về mặt kinh tế, nó đã đưa lại thị trường xuất khẩu mênh mông, cho phép Việt Nam mở rộng quy mô sản xuất với tốc độ vượt xa sự phát triển của thị trường nội địa bé nhỏ. Tiến trình này được đánh giá bằng ba mốc lớn là: khoán 10 (1988), luật đầu tư nước ngoài (1987) khai thông nguồn vốn bên ngoài. Luật doanh nghiệp (2000) dỡ bỏ hàng rào quan hệ với khu vực công-thương nghiệp” [68].
Có thể nhận thấy tiểu thuyết Đồng sau bão ra đời trên những cảm hứng lớn lao đó. Nhưng tiểu thuyết này lại là phần tiếp nối của tiểu thuyết Thủy hỏa
đạo tặc với những sự kiện, con người, bối cảnh được mở rộng trong một phạm vi
hiện thực mới. Bối cảnh xây dựng tác phẩm được đặt trong thời điểm mà đất nước đã có những bước chuyển quan trọng. Trong tiểu thuyết này nhà văn Hoàng Minh Tường tập trung miêu tả những thay đổi trong bộ mặt đời sống kinh tế, xã hội của làng quê Thanh Bình trước những đổi thay chóng mặt của nền kinh tế thị trường. Hai mươi năm sau đổi mới, sự thay đổi trong đời sống vật chất của
người nông dân ngỡ như hai thế kỷ. Nếu coi tiểu thuyết Đồng sau bão là một tác phẩm tương đối độc lập và nhìn thẳng vào những vấn đề lịch sử-xã hội thì đây vẫn là một bức tranh nông thôn nghèo nàn, lạc hậu, trì trệ và thiếu sức sống. Nhà văn xây dựng bức tranh nông thôn thông qua những cuộc va chạm trực diện giữa nông thôn với cơ chế kinh tế thị trường. Những đổi thay, đổ vỡ và xáo trộn trong những thang bậc giá trị xã hội đều được phản ánh một cách chân thực và khách quan. Cũng vẫn là bối cảnh làng quê Thanh Bình đó, xen lẫn quá khứ và thực tại, chúng ta thấy hiện lên hai bức tranh rất khác biệt. Vừa tương đồng vừa dị biệt.
Dung lượng hiện thực trong tiểu thuyết Đồng sau bão được mở rộng hơn rất nhiều so với tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc. Các sự kiện không đơn thuần xảy ra quanh cái huyện Giang Thủy nhỏ bé nữa mà mở rộng ra phạm vi toàn quốc. Đặc biệt Hoàng Minh Tường tập trung miêu tả không gian Hà Nội như là một không gian đối lập, tương phản với không gian làng quê. Nông thôn không còn là đối tượng duy nhất được nhắm tới nhưng không vì thế mà nó hiện lên kém sinh động. So với bức tranh nông thôn được miêu tả ở tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc, nông thôn trong tiểu thuyết Đồng sau bão hiện lên với sự thay đổi cả về lượng và chất. Người nông dân giờ đây được hưởng thành quả của những năm đổi mới và mở cửa. Họ đã biết đến ti vi, sắm xe máy, đổ cầu bê tông kiên cố và đặc biệt là chương trình “ngói hóa” nông thôn. Thật đúng như lời nhận xét: “Phong trào ngói hóa, gạch hóa, bê tông hóa nông thôn trong 10 năm trở lại đây ở Thanh Bình đã cơ bản hoàn thành. Tốc độ xây dựng hạ tầng cơ sở, mức đời sống vật chất so với ngày Thanh mới từ chiến trường trở về phải nói là một trời một vực. Tuy thế, tất cả vẫn chỉ là cái vẻ bề ngoài” [40. Tr469].
Dường như nhận định này đã khái quát toàn bộ bức tranh nông thôn sau khi đất nước mở cửa. Nếu lấy nông thôn Việt Nam của những năm phong kiến để so sánh thì đời sống vật chất của người nông dân đã thay đổi mạnh mẽ. Thế nhưng so với tốc độ phát triển của xã hội, cụ thể ở đây là tốc độ đô thị hóa của những trung tâm kinh tế lớn thì bức tranh nông thôn đâu chỉ màu hồng như vậy.
Hàng loạt vấn đề đặt ra như: bài toán việc làm, phát triển nghề phụ, đào tạo nguồn nhân lực ... tất cả những điều đó trở thành một vấn đề hết sức hệ trọng. Bốn đứa con trai nhà lão Cản không nghề nghiệp, không việc làm, suốt ngày tụ tập chơi bời, trộm cắp, hút chích. Người nông thôn quanh năm chỉ biết trông vào hạt lúa, không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Gia đình Thanh mặc dù thuộc hạng khá giả trong làng nhưng khi cần xoay tiền thì chẳng có đồng nào bên người. Tất cả chỉ trông vào hạt lúa và đồng lương ít ỏi của Thanh. Nghề phụ của làng là đan mây tre cũng có vấn đề. Nguồn cung thì có nhưng bài toán đầu ra lại chẳng đâu vào đâu và khi có vấn đề xảy ra thì người nông dân luôn là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất. Cuộc đụng độ giữa người dân làng Thanh Cao với công ty xuất khẩu mặt hàng mây tre đan là đỉnh điểm của mâu thuẫn đó. Dân tức tối đòi đập phá tài sản, đốt xe của doanh nghiệp. Hành động bộc phát này cho thấy người nông dân trong thời hiện đại dễ bị tổn thương và, nếu điều đó xảy ra thì sẽ là tổn thương có hệ thống. Hàng loạt người bị liên đới như vụ doanh nghiệp trả lại mặt hàng mây tre đan, vụ lừa đảo xuất khẩu lao động sang Hàn Quôc. Người dân vốn kém hiểu biết, người lãnh đạo cũng không có năng lực nên việc người dân bị tổn thương là điều đương nhiên. Những tưởng đất nước mở cửa rồi thì nông thôn sẽ tốt đẹp lên, những vấn đề của nông thôn đặt ra trước đổi mới sẽ được giải quyết. Ấy thế nhưng vấn đề cũ được giải quyết thì những vấn đề mới lại tiếp tục phát sinh. Suy cho cùng thì những khó khăn của người nông dân hiện đại tuy không nằm ở thiếu gạo, thiếu cơm nhưng họ thiếu tiền. Thiếu tiền chữa bệnh, thiếu tiền đi học, thiếu tiền đầu tư làm ăn. Bức tranh nông thôn luẩn quẩn, bức bối vẫn là một câu chuyện nóng hổi mang tính thời sự.
Tất nhiên không thể đánh đồng tất cả và quy chụp nông thôn sau đổi mới là xám xịt, là không có tương lai. Trong tiểu thuyết Đồng sau bão nhà văn đã tạo nên những bức tranh tươi sáng, con người tốt đẹp hiện lên trong một bức tranh nông thôn về cơ bản là buồn. Mô hình VAC của lão Trạc là một điển hình như vậy. Chính mô hình này đã giúp lão Trạc được các tỉnh bạn mời đi báo cáo một
vòng khắp 14 huyện thị. Trung ương mời lão đi dự hội nghị các lão nông làm ăn giỏi toàn quốc. Mô hình làm ăn kinh tế này mỗi năm đem về thu nhập 20 triệu đồng (trừ tất cả chi phí) cho gia đình mỗi năm. Nhưng mô hình này cũng chỉ phát huy được tính lịch sử của nó trong một thời gian rất ngắn. Quá trình đô thị hóa nông thôn và đặc biệt là sự xuất hiện của một tầng lớp thị dân chân đất, nửa phố nửa quê như: Cơ, Quân, Hòa,... đã tạo ra một trào lưu khác. Người nông dân bỏ ruộng lao lên thành phố kiếm sống đã trở thành một xu hướng phổ biến trong giai đoạn mới. Họ có thể sống bằng nghề kinh doanh như Cơ hay vợ chồng Quân-Hòa (con gái và con rể Cơ), hoặc bằng nghề bưng bê, phục vụ như: Linh, Vân hoặc sống bằng nghề lao động chân tay là đạp xích lô như Đắc ... Tâm lý thoát ly làng quê trở thành một vấn đề hết sức hệ trọng. Thậm chí nhân dân xã Thanh Bình chạy tiền để cho con em đi xuất khẩu lao động cũng vì một mục đích là để đổi đời. Người nông dân thời hiện đại không thể sống được nếu chỉ dựa vào mảnh ruộng của mình và đây cũng là vấn đề lớn nhất mà Hoàng Minh Tường muốn gửi gắm trong tiểu thuyết này.
Như vậy sau những bước chuyển ở thượng tầng xã hội, nhất là cuộc cải cách kinh tế đã tạo nên một diện mạo nông thôn mới thì người nông dân giờ đây không phải lo cái ăn, cái mặc như trước mà chỉ lo cải thiện đời sống vật chất của mình. Nếu trước đây vấn đề của người nông dân là làm sao sống được trên mảnh ruộng của mình thì nay vấn đề của người nông dân là làm giàu trên mảnh ruộng của mình. Bức tranh nông thôn thời kinh tế mở cửa đã thay đổi cả về lượng và chất, nhưng có lẽ vẫn chủ yếu diễn ra về lượng. Nông thôn cần một sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, nhất là bộ mặt kinh tế gia đình cần phải được coi là trọng tâm. Những khó khăn không dừng ở chuyện cơm áo, gạo tiền, không còn là vấn đề tư tưởng, ý thức hệ, cũng không phải là những câu chuyện của làng trên, xóm dưới mà là một cơ chế xấu tốt lẫn lộn. Hoàng Minh Tường đâu chỉ tái hiện một nông thôn với những trăn trở, những loay hoay, những hoài nghi về một hiện thực mới mẻ mà tái hiện ở trong đó tất cả những mặt trái của cơ chế thị trường.
Ở đó người nông dân phải tự lựa chọn, tự đấu tranh với thần may rủi để hi vọng được đổi đời.
Suy nghĩ của nhân vật Thiết có thể phù hợp để lý giải luận điểm này: “Lần đầu tiên anh nông dân đối mặt với cơ chế thị trường quả là một cuộc đấu trí cam go” [40.Tr138]. Vậy là đi đôi với những mặt tích cực của mình, cơ chế thị trường đã đẻ ra nhiều quái thai, dị dạng mà người nông dân lần đầu tiên thấy và va chạm. Nạn trộm cắp, hút chích, đĩ điếm … hoành hành và trở thành mối nguy hại tàn phá nông thôn. Trang trại của lão Trạc bị mất con bò đầu đàn đúng vào hôm lão mất. Nông thôn cũng là miếng mồi ngon cho những kẻ lừa đảo, mà tiêu biểu là vụ lừa đảo đường dây xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Tồi tệ hơn, đại dịch HIV-AIDS đang đe dọa đời sống yên lành của những người nông dân hiền lành, chân chất.
Dù nông thôn không còn là đối tượng duy nhất như trong tiểu thuyết Thủy
hỏa đạo tặc nhưng nó vẫn hiện lên rất sống động, cụ thể. Hoàng Minh Tường rất
khéo léo khi xây dựng hai hình ảnh nghệ thuật mang tính đối lập cao là hình ảnh nông thôn và thành thị. Sự đan cài giữa một bên là sự tĩnh lặng của làng quê với một bên là sự ồn ào, nhộn nhịp của phố thị đã phản chiếu và hoàn thiện lẫn nhau. Nhà văn đã không ngần ngại tạo nên một cuộc đụng độ giữa nông thôn (đại diện cho cơ chế cũ) và thành thị (đại diện cho cơ chế mới). Đây có thể coi là một nét mới trong cách xây dựng nội dung tác phẩm. Sự song hành của hai đối tượng, hai không gian, hai hoàn cảnh đối nghịch nhau bao giờ cũng mang lại hiệu quả nghệ thuật cũng như tính thời sự cao nhất.