Không gian – thời gian hiện thực đời thường

Một phần của tài liệu Nông thôn trong tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường (Trang 86)

Đối với đề tài nông thôn thì không gian hiện thực đời thường là một không gian vô cùng quan trọng và tối cần thiết để nhà văn tái hiện lại bối cảnh làng quê Việt. Nếu đặt ngoài phạm vi tác phẩm thì đây vẫn là là cách xây dựng không gian – thời gian phổ biến mà nhiều nhà văn viết về nông thôn khác cũng từng vận dụng thành công. Người đọc có thể bắt gặp không gian trong tiểu thuyết Hoàng Minh Tường ở tiểu thuyết của Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng ... Nhưng nếu xét kỹ ta thấy không gian – thời gian trong tiểu thuyết của nhà văn này vẫn có những nét khác biệt.

Cũng như nhiều nhà văn khác viết về nông thôn, khi xây dựng hình ảnh nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, Hoàng Minh Tường muốn tạo nên một không gian – thời gian tĩnh để khắc họa cái yên bình, lặng lẽ của làng quê vốn rất ít khi biến động. Không gian thường được nhắc tới là đêm tối. Đây là thời điểm mà tác giả hay dùng để miêu tả những biến cố lớn xảy ra trong cuộc đời nhân vật. Tất nhiên dự cảm đêm tối thường mang đến cho con người những lo âu, sợ hãi. Nỗi sợ đêm tối như nỗi ám ảnh hàng nghìn năm khiến con người trở nên nhỏ bé. Đêm tối gắn với thời gian khuya muộn - khung thời gian gợi sự tĩnh lặng và u tịch. Nếu như không gian ban ngày trong tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc hay gắn với hoạt động của con người, đặc biệt là con người tập thể thì không gian đêm tối lại thường gắn với trực giác xấu, cảm thức của con người cá nhân. Cũng dưới đêm tối mà Vy đã khóc sưng mắt thú nhận hành động tội lỗi của mình với ông Điền, hay sau này tiếp tục là lời thú tội của Luyến với ông, hoặc như đêm tối là thời điểm buổi gặp mặt nặng nề giữa ông Trạc với Luyến khi biết em gái mình chửa hoang, đêm tối cũng là nơi bắt đầu cho một tình yêu bi kịch giữa Thắm – Đạt ...

Không phải ngẫu nhiên mà Hoàng Minh Tường đi đặc tả hai không gian chính, đối nghịch giữa một bên là không gian ban ngày sôi nổi, gương mẫu, tươi đẹp với một bên là không gian đêm tối với nạn trộm cắp, tham nhũng, hủ hóa… Hai không gian đã tạo nên hai tác dụng nghệ thuật rất công hiệu. Nếu cuộc sống ban ngày diễn ra tuần tự, một chiều thì không gian buổi đêm diễn ra những sóng ngầm rất dữ dội. Bên cạnh đó nhà văn còn rất chú trọng tới xây dựng không gian làng quê. Một tác phẩm viết về nông thôn không thể nào thiếu những không gian điển hình như: cây đa, bến nước, sân đình … những đoạn miêu tả như thế này: “Trăng càng về khuya càng sáng, soi rõ những đám cỏ gà đẫm sương bò lan trên mặt đường. Con đường ven hồ, chạy thẳng giữa hàng phi lao cao vút. Gió thổi vù vù trên những tán lá, bật lên những âm thanh thoảng nhẹ như tiếng sáo diều” [40. Tr121] đã thực sự khiến người đọc sống lại không gian làng quê. Không gian làng quê là một không gian chiếm vị trí quan trọng trong không gian nghệ thuật

toàn tác phẩm. Sẽ không phải là làng quê Việt nếu như thiếu đi những bối cảnh, những con người cụ thể như: “Anh có cảm giác như tất cả hương đồng gió nội, sao trời, cây cỏ, cả những tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió lao xao trên đồng lúa, tiếng cá quẫy dưới lòng mương, tiếng vạc ăn đêm buông dưới không trung …”

Xét riêng về thời gian nghệ thuật đối với tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc thì đây là thời gian tuyến tính. Không gian với sự xuất hiện tuần tự của các sự kiện cùng với nhịp thời gian tuyến tính tương ứng đã tạo cho tiểu thuyết này một bối cảnh yên tĩnh, rất ít biến động. Quy tắc cái gì xảy ra trước kể trước, cái gì xảy ra sau kể sau có vẻ như được áp dụng khá triệt để ở đây. Đầu tác phẩm là buổi họp trưng thu lương thực, tiếp đến là quá trình phấn đấu để thực hiện mục tiêu, rồi cơn bão đến … Bối cảnh giống như một thước phim câm, lặng lẽ xuất hiện với những cảnh quay tĩnh, trôi dần qua mắt người đọc. Sự thống nhất cao độ giữa kiểu không gian và thời gian tuyến tính đã giúp cho Hoàng Minh Tường “đóng băng” được hình ảnh nông thôn truyền thống yên bình và rất ít khi biến đổi . Có vẻ như không gian – thời gian này hoàn toàn phù hợp với thực tế xã hội nông thôn Việt Nam những thập niên 80 của thế kỉ trước. Đó là hình ảnh nông thôn nghèo nàn, lạc hậu và vô cùng thiếu sức sống. Nhịp sống của con người trở nên chậm chạp, lặp đi lặp lại như một vũ điệu buồn. Điều này trái ngược hẳn với những gì mà nhà văn đã thể hiện trong tiểu thuyết Đồng sau bão khi mà kết cấu không gian và thời gian có những biến đổi khác hẳn.

Trong tiểu thuyết Đồng sau bão sự mở rộng không gian trở thành một điều tất yếu. Không gian không chỉ bó buộc trong phạm vi một làng, một xã mà được mở rộng ra phạm vi cả nước. Đó là không gian phố thị , không gian bãi biển, không gian khách sạn, không gian nhà nghỉ … Cuộc sống nông thôn được nhận thức không chỉ sau lũy tre làng mà có sự phá vỡ, tràn biên ở từng cấp độ. Không gian làng quê bị thu hẹp lại, nói chính xác hơn là độ mở rộng không gian ngày càng được nới rộng đường biên nên hình ảnh nông thôn tự khắc bị thu hẹp tối đa. Vẫn là những không gian quen thuộc với những ngôi nhà đơn sơ, giản dị.

Không gian hiện thực đời thường với cảnh sinh hoạt của người nông dân trên cánh đồng, cảnh sinh hoạt gia đình …. Thế nhưng điều đặc biệt trong tiểu thuyết

Đồng sau bão là sự xuất hiện của nhiều không gian khác chèn vào không gian

làng quê khiến cho biên độ không gian mở rộng ra đến cả phố phường. Đi kèm với nó là nhịp thời gian trong tiểu thuyết này được đẩy nhanh hơn rất nhiều và nó không còn được xây dựng theo lối tuyến tính thời gian nữa. Mở đầu tác phẩm là thời gian của những năm 2000 nhưng ngay sau đó là thời gian của những năm 80 của thế kỉ XX. Sự đan cài, xen lẫn hai mốc thời gian hiện tại và quá khứ trở thành một nét mới (ít nhất là so với tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc) và khiến cho không gian nghệ thuật cũng có những biến chuyển rất thú vị.

Sự thay đổi thời gian tất nhiên sẽ kéo theo những thay đổi không gian. Không gian những năm 80 được lồng trong không gian của những năm đầu thế kỉ XXI, không gian nông thôn lồng trong không gian thành thị, không gian nghĩa trang (biểu hiện cho sự chết chóc, đau buồn) được đặt cạnh không gian bãi biển (biểu trưng cho tình yêu, sự sống) … không gian – thời gian không phát triển theo mô hình tuyến tính mà ngược lại, có sự đảo chiều lẫn nhau.

Trong tiểu thuyết Đồng sau bão nhà văn chủ động đặt những không gian đối lập cạnh nhau để tiện cho việc đối chiếu, so sánh. Tất nhiên không gian đêm tối vẫn được sử dụng cho dụng ý nghệ thuật nhưng tỷ lệ không nhiều (ngoài biến cố bắt nhóm người đánh bạc của Thiết thì không gian đêm tối không còn phát huy được vai trò nhiều nữa). Trong khi đó sự đảo trật tự thời gian các sự kiện từ hiện tại tới quá khứ (từ thời điểm năm 2000 với vụ tai nạn máy bay thảm khốc khiến Trần Sinh tử nạn quay ngoắt về thời điểm những năm 1979 khi huyện ủy đang họp kỷ luật Thanh). Không gian cũng vì thế mà chuyển ngoặt từ thời đại mà người dân đã biết tới những phương tiện giao thông hiện đại như máy bay, tivi … trở về thời mà người dân vật vã với cái đói ngay trên đồng ruộng của mình. Hai không gian hết sức đối lập đó, sự đổi thay chóng mặt đó chẳng cần nói nguyên nhân thì ai cũng biết. Hoàng Minh Tường đặt một bức tranh xã hội hiện

đại, đổi khác với một buổi họp kỷ luật người vi phạm đường lối nông nghiệp (vì dám tổ chức khoán chui). Không gian – thời gian hiện thực, đời thường sẽ chẳng có tác dụng nghệ thuật khi chỉ mô tả hiện thực giống như tiểu thuyết Thủy hỏa

đạo tặc. Đến tiểu thuyết Đồng sau bão việc sắp đặt có dụng ý của nhà văn đã

biến những không gian văn học có chức năng mô tả thành chức năng phản ánh rất sắc nét. Hai sự kiện bình thường nhưng đặt với nhau lại trở thành không bình thường. Chúng ta có thể nhận thấy sự xuất hiện của nhiều kiểu không gian này như: Không gian hiện tại –quá khứ, không gian thành thị - làng quê, không gian thực tại –tâm linh, không gian chết chóc –tình yêu ….

Như vậy khi xây dựng không gian – thời gian hiện thực, đời thường nhà văn không đơn thuần chỉ muốn tái dựng bức trannh nông thôn Việt Nam với những biến đổi sâu sắc cả về lượng và chất mà qua việc sắp xếp các kiểu không gian, nhà văn muốn tạo nên những bức tranh tương phản và rồi để người đọc tự phán xét và nhận định.

Một phần của tài liệu Nông thôn trong tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường (Trang 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)