Hiện thực nông thôn được tái hiện dưới góc nhìn văn hóa

Một phần của tài liệu Nông thôn trong tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường (Trang 45)

Văn hóa là một khái niệm rất rộng nếu xét trên phương diện từ nguyên của nó. Cho đến bây giờ không biết bao nhiêu định nghĩa về văn hóa đã được đưa ra nhưng có vẻ chẳng có định nghĩa nào có thể bao quát hết nội hàm của nó. Trong cuốn giáo trình Cơ sở văn hóa VN (GS. Quốc Vượng chủ biên) đã dẫn lại ý kiến của PGS Từ Chi khi cho rằng: “Văn hóa nên hiểu theo hai góc độ: góc độ

rộng hay góc nhìn “dân tộc học” cho rằng văn hóa là toàn bộ cuộc sống (nếp sống và lối sống) cả vật chất và tinh thần của từng cộng đồng. Ở góc độ hẹp là góc nhìn “báo chí” tuy cũng có những cách hiểu rộng hơn hay hẹp hơn nhưng trước đây thường gắn với kiến thức con người, của xã hội. Ngày nay văn hóa dưới góc nhìn “báo chí” đã hướng về lối sống hơn là kiến thức” [50. Tr23]. Trong khi đó, GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy trong quá trình hoạt động thực tiễn trong sự tương tác giữa con người và môi trường tự nhiên và xã hội” [38.Tr24].

Trong phạm vi nghiên cứu chúng tôi sẽ xem xét văn hóa theo một phần ý nghĩa dân tộc học mà PGS. Từ Chi đã nhắc đến. Nghĩa là văn hóa bao gồm những nếp sống và lối sống cả vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng dân cư. Cụ thể hơn chúng tôi sẽ xem xét hai yếu tố điển hình xuất hiện trong văn hóa Việt Nam truyền thống là kết cấu làng và mô hình gia đình người Việt. Thông qua phân tích hai vấn đề này cùng với những biến đổi của nó trong hoàn cảnh xã hội nông thôn hiện đại, chúng tôi sẽ phần nào dựng nên được bức tranh nông thôn mà Hoàng Minh Tường dụng công xây dựng, khắc họa. Không những vậy, bản thân mỗi nhà văn luôn tồn tại trong một không gian văn hóa nhất định nên những tác động từ những yếu tố văn hóa đó tới mỗi người là khác nhau. “Và việc lựa chọn yếu tố văn hóa nào để lý giải cho văn học không phải là công việc dễ dàng. Điều quan trọng là phải lý giải được động cơ và mục đích cuối cùng của việc lựa chọn đó” [49.Tr242].

Có thực tế là những tác phẩm viết thành công về đề tài nông thôn sau đổi mới đều biết khai thác không gian văn hóa làng quê và thành công với nó như Nguyễn Khắc Trường với tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma, Lê Lựu với tiểu thuyết Thời xa vắng, Dương Hương với Bến không chồng ... Tất cả đều mở đầu bằng việc miêu tả ngôi làng của mình với những không gian rất đặc trưng, riêng biệt. Tuy cũng khai thác mô hình này nhưng Hoàng Minh Tường không tập

trung đi mô tả từng yếu tố, chi tiết trong đó mà nhìn nó dưới cái nhìn tổng thể. Nói chính xác hơn thì làng được xây dựng trong mối tương quan giữa nhiều làng khác nhau (nói theo cách nói của GS. Hà Văn Tấn là mối quan hệ siêu làng) chứ không tập trung hẳn vào một làng cụ thể. Sự mở rộng của mô hình làng truyền thống đã cho thấy cảm quan nghệ thuật khi khai thác yếu tố này đã có những đổi khác so với những nhà văn viết cùng đề tài.

Một phần của tài liệu Nông thôn trong tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)