Xét ở góc độ mỹ học tiếp nhận thì nội tâm nhân vật thường gây ấn tượng và có sức sống lâu bền hơn các yếu tố khác như ngoại hình, cử chỉ, điệu bộ ... Bởi lẽ nhân vật thường mang bóng dáng, quan niệm của nhà văn về con người và mang dấu ấn con người thời đại. Từ cách xây dựng nhân vật Giang Minh Sài trong Thời xa vắng, nhân vật Vạn trong Bến không chồng ... đời sống nội tâm của nhân vật trong tiểu thuyết Hoàng Minh Tường cũng tạo được dấu ấn riêng nhất định
Miêu tả đời sống nội tâm của nhân vật, nhà văn sử dụng hai hình thức là đối thoại và độc thoại. Nhưng nhân vật trong hai tiểu thuyết mà chúng tôi xét dưới đây lại chủ yếu là nông dân nên không phải nhân vật nào cũng đảm trách được nhiệm vụ này. Hoàng Minh Tường tập trung vào xây dựng hai loại nhân vật. Một là người lãnh đạo, hai là tầng lớp trẻ có tri thức. Đó là những nhân vật như Trần Sinh, Toại, Lập, Thanh, Cơ, Đạt ... Họ là những người gắn bó với đồng ruộng, với công tác nông nghiệp lâu năm nên những trăn trở, những suy tư đều được thể hiện thông qua tranh luận hoặc độc thoại nội tâm. Nếu như cử chỉ, hành động giúp người đọc hé lộ phần nào đời sống nhân vật thì miêu tả nội tâm sẽ giúp người đọc hiểu sâu hơn những ngõ ngách bên trong tâm hồn nhân vật đó. Các nhân vật trong tiểu thuyết Hoàng Minh Tường không chỉ tranh luận về một vấn đề mà còn rất nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên điểm đến của mọi tranh luận này chính là cải cách đường lối lãnh đạo nông nghiệp. Điều lạ là những đối thoại và độc thoại nội tâm chỉ tập trung ở tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc. Riêng tiểu thuyết
Đồng sau bão thì tỷ lệ rất ít, nếu không nói là không có. Những đối thoại hay độc thoại ở tiểu thuyết Đồng sau bão chỉ có tác dụng như sự tiếp diễn của mạch trần thuật. Trong khi tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc lại trái ngược hẳn. Theo thống kê của chúng tôi, trong khoảng 150 trang cuối tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc số trang tác giả dành cho nhân vật đối thoại và độc thoại lên tới 35/150 trang, chiếm 23% dung lượng mà chúng tôi khảo sát. Nếu tính toán bộ tác phẩm thì số trang nhân vật đối thoại và độc thoại khoảng 40/300 trang, chiếm 13%. Đây là con số không hề nhỏ và đều tập trung vào cuộc tranh luận tư tưởng giữa đường lối lãnh đạo cấp tiến và bảo thủ. Số liệu khảo sát ở trên phần nào cho thấy những mâu thuẫn gay gắt trong xã hội Việt Nam những năm trước đổi mới. Vượt lên trên tất cả những vấn đề khác, nhu cầu bức thiết phải thay đổi cơ chế cũ trở thành một trong những luận điểm quan trọng nhất của tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc. Và không hề lạ khi nhà văn đã biến nhân vật thành cỗ máy phát ngôn tư tưởng một cách trực diện, công khai. Những vấn đề về nội tâm nhân vật, những phần “rồng phượng lẫn rắn rết” (lời nhân vật họa sĩ trong truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu) trong cuốn tiểu thuyết này có lẽ ít được quan tâm hơn bằng những đấu tranh tư tưởng. Điều này cho thấy nhà văn cực kỳ chú trọng tới những vấn đề thuộc phạm vi lịch sử - xã hội. Khi mà hiện thực chưa được giải thoát khỏi cơ chế không còn phù hợp thì con người tất nhiên cũng vậy thôi. Giữa hai nhiệm vụ bức thiết cần giải quyết thì nhu cầu “mở cửa” xã hội được đặt lên trên nhu cầu “mở cửa” con người (tức là đi sâu tìm hiểu đời sống bên trong của nhân vật). Trong tình hình xã hội lúc đó, thiết nghĩ việc này cũng là phù hợp.
Chúng ta có thể liệt kê hàng loạt những phát ngôn của nhân vật mang tính góp ý trực diện cho nhu cầu cải cách. Chẳng hạn như độc thoại của nhân vật Toại: “Anh không thể mang tích phân, vi phân để nhồi nhét vào đầu óc của một người vừa thoát khỏi mù chữ để tạo nên một con người có tri thức. Không thể nôn nóng đốt cháy giai đoạn được đâu. Cả anh và tôi chúng ta đều mắc bệnh giáo điều như nhau, nhưng anh thì lại quá say sưa với nó, nhìn nhận nó như một
biện pháp hữu hiệu” [40. Tr134]. Hay như lời thoại của nhân vật Lập: “Phải thay đổi cung cách làm ăn như thế nào để những người như ông Trạc thấy gắn bó với đồng ruộng, với hợp tác xã hơn nữa” [40.Tr192]. Hoặc như nhân vật Đạt: “Làm sao mà có thể ngăn ông Trạc không viết đơn được khi ông ấy không chịu được cách làm ăn này? Chính hợp tác xã đã dồn ông ấy vào tình cảnh này” [40.Tr119]. Vậy là thông qua đối thoại và độc thoại nội tâm người đọc không chỉ nhận chân kỹ hơn bản chất của nhân vật mà còn cảm nhận rất rõ không khí thời đại hiện lên thông qua những tranh luận tư tưởng gay gắt giữa các nhân vật. Càng nhìn nhận, xem xét, đánh giá, chúng ta thấy rằng nhân vật không chỉ soi chiếu nhau rõ hơn mà còn có tính khát quát rất cao. Sự hình thành hai tuyến nhân vật với hai luồng tư tưởng đối nghịch gần như là sự chuyển hóa nghệ thuật của những mâu thuẫn trong thực tế xã hội Việt Nam những năm trước đổi mới. Do đó đây có thể coi là một thành công của nhà văn Hoàng Minh Tường