Ngôn ngữ mang phong cách riêng biệt

Một phần của tài liệu Nông thôn trong tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường (Trang 98)

Tiểu thuyết Hoàng Minh Tường tập trung miêu tả cuộc sống của người nông dân với nhưng biến cố, sự kiện xoay quanh một làng quê cụ thể. Tuy nhiên nhân vật không chỉ đơn thuần là những người nông dân thuần chất mà còn nhiều kiểu nhân vật khác nữa. Ba loại hình nhân vật cơ bản mà trước đó chúng tôi đề cập như: người nông dân, nhân vật lãnh đạo và nhân vật thị dân. Việc tạo dựng cho mỗi kiểu nhân vật này một ngôn ngữ riêng, vừa giúp định hình phong cách, vừa phần nào hé lộ tính cách nhân vật không phải là việc làm đơn giản.

Đầu tiên là cách xây dựng ngôn ngữ nhân vật người nông dân. Người nông dân truyền thống mặc nhiên được hiểu là người có trình độ tri thức thấp, mộc mạc, giản dị, cách ăn nói đời thường, thậm chí là dung tục. Chính bởi không có học vấn (ngoài tri thức làm ruộng) nên mỗi phát ngôn của họ bao giờ cũng tạo ra những ấn tượng không thể trộn lẫn. Hoàng Minh Tường còn cố tình cho nhân vật nói ngọng để làm đặc sắc hơn phong cách của người nông dân chân thành, giản dị mà cũng bộc trực, manh động. Những khẩu ngữ trong nói chuyện như: “Ôi dào, phỏng, cứ cấy béng, tát tủng, đập mẹ cái gầu đi, tao đếch sợ thằng nào,

đoàn đủng, yêu tiên, yêu đãi, mẹ cái thằng tao nói phét, tôi thì ỉa vào ...”, “một chợ mấy hàng dầu, một đầu cầu mấy con chó chết”, “tại bà tuốt, dướng nó, nó sinh nhờn”, “nhông nhông như chó dái” ... được sử dụng rất có mục đích.

Tần suất xuất hiện những ngôn ngữ như thế này rất nhiều, đặc biệt là những đoạn miêu tả cuộc đối thoại giữa những người nông dân. Thứ ngôn ngữ đời thường giản dị mà dung tục không chỉ làm tác phẩm trở nên dễ gần, dễ tiếp cận hơn mà tạo được một phong cách ngôn ngữ riêng cho nhân vật. Thông qua hệ thống ngôn ngữ đó người đọc phần nào hình dung ra tính cách cũng như quá trình vận động tâm lý của nhân vật một cách rõ ràng nhất. Nếu xét về tổng thể, người nông dân điển hình trong hai tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường chính là ông Trạc và nhân vật này cũng được nhà văn xây dựng khá công phu. Lão Trạc là người thẳng thắn, bộc trực, ngay thẳng nhưng cũng rất dễ bị kích động. Từ quá trình biến đổi tâm lý chúng ta có thể phán đoán quá trình thay đổi hành động của nhân vật. Ví dụ tiêu biểu nhất là việc lão Trạc đánh nhau với đội sản xuất số 3 làng Thanh Giang về việc ăn chia thóc hợp tác. Ngôn ngữ ban đầu cũng chỉ là chuyện tức chí, chửi đổng kiểu “làm ăn thế này không được với tôi”. Thế rồi từ ngôn ngữ đó tiến tới ngôn ngữ thách thức kiểu “Đừng có thách thằng này, cần thì ngồi tù chứ nhất định không chịu mất tấn lúa”. Sự biến chuyển tâm lý từ suy nghĩ và lời nói chuyển sang sự im lặng: “A, nó chế nhạo ông. Hừ. Để rồi xem” và cuối cùng két thúc bằng hành động đánh nhau “Trói đi, các người đã cướp ruộng, cướp lúa ... thì đây”. Từ thái độ phản kháng cho đến thái độ bất cần là một hành trình tâm lý đơn giản nhưng cũng rất đặc trưng của người nông dân. Việc tương thích giữa ba yếu tố: ngôn ngữ - hành động – tính cách trở thành một tiêu chí để người đọc có thể nhận chân được nhân vật một cách toàn diện và đầy đủ.

Bên cạnh việc xây dựng hình ảnh người nông dân thì hình ảnh người lãnh đạo nông nghiệp những năm trước đổi mới cũng được quan tâm xây dựng và có lẽ là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc. Cũng thông qua hệ thống ngôn ngữ nhà văn Hoàng Minh Tường đã khái quát nên cả một thực trạng

của đại đa số lãnh đạo nông nghiệp nước ta với lối suy nghĩ bảo thủ, lạc hậu, giáo điều. Trong những đối thoại giữa các nhân vật lãnh đạo, có thể dễ dàng bắt gặp những ngôn ngữ sáo rỗng kiểu: “nền sản xuất lớn, tinh thần tiến công cách mạng, đưa nông nghiệp tiến lên hiện đại, mục tiêu, phấn đấu, hợp tác hóa nông nghiệp, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, tinh thần làm ăn tập thể, cải thiện đời sống nông thôn ...” Tất cả những ngôn ngữ hội nghị, ngôn ngữ sách vở được nhà văn đặc tả rất chi tiết, nhất là ở hai nhân vật Trần Sinh và Cơ. Từ ngôn ngữ của Trần Sinh người đọc nhận ra đây là hình ảnh tiêu biểu của người lãnh đạo nông nghiệp những năm trước đổi mới, giáo điều một cách mù quáng và bạo liệt trên mức cần thiết. Bất cứ hành động nào đi trái đường lối, Trần Sinh đều sử dụng quyền lực để tiêu diệt. Việc suýt nữa bỏ tù lão Trạc, Thanh là một minh chứng cho việc này. Nhân vật Trần Sinh sẽ không là Trần Sinh nếu thiếu đi ngôn ngữ sặc mùi lý luận và thiếu tính thực tế đó. Dù lượng đối thoại của Trần Sinh trong tổng số các lời thoại của nhân vật khác chiếm áp đảo nhưng nó không có tính xây dựng như Thanh, Lập mà cảm tưởng như những lời nói đó được cắt từ một Nghị quyết nào đó. Nó hoàn toàn viển vông, sáo rỗng như chính đường lối lãnh đạo chung của chúng ta. Đây là một thực tế trải dài mấy chục năm và Hoàng Minh Tường không sáng tạo mà chỉ ghi nhận và phản ánh một cách chân xác mà thôi.

Một kiểu nhân vật khác cũng hiện lên rất sinh động thông qua ngôn từ nghệ thuật là nhân vật Nga. Nhân vật thị dân này hiện lên như một người đàn bà chua ngoa, tham lam, đầy mưu mô và lọc lõi. Cứ nhìn vào ngôn ngữ của nhân vật này là có thể thấy ngay được như vậy. Hầu hết đều là ngôn ngữ kiểu chợ búa: “Đổi ngay cho tôi cuộn dây điện trục, tôi không dùng dây liên doanh”, “Giá ấy chúng tôi không sài được, xin lỗi tôi đã đặt toàn bộ đồ Italia rồi” hoặc “Phải nhân lúc này đưa hắn làm quen với các ngón ăn chơi để sắp tới áp dụng với trại Đầm Sen” ... Khi thì nhà văn xây dựng nhân vật bằng những lời lẽ chua ngoa của người ít học: “Không có bà thì cái nòi nhà mày tiệt giống. Bà đau L. đẻ ra cho mày thằng con nối dõi” hoặc “Đừng tưởng con này đui mù” hoặc “Bà hỏi mày,

mày phải thành khẩn khai cho rõ” hoặc “Mày nói láo. Tao cam đoan chúng mày đã hú hí với nhau ở cái xó xỉnh nào” hoặc “Ối trời ơi. Nó đánh tôi. A,a, thằng vũ phu. Máy dám đánh bà ...”. Có thể coi nhân vật Nga là một nhân vật hành động. Gần như Nga không được xây dựng hệ thống ngôn ngữ nội tâm. Người đọc có thể dễ dàng khám phá nhân vật này qua hệ thống cử chỉ, hành động đó. Một cách lạnh lùng và hết sức khách quan, nhiều lúc Hoàng Minh Tường đã để cho nhân vật tự diễn mà không lộ ra ý định đạo diễn của mình. Có thể vì lẽ đó mà một số nhân vật trong tiểu thuyết của ông đã để lại dấu ấn trong lòng độc giả.

Một phần của tài liệu Nông thôn trong tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường (Trang 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)