Ngôn ngữ nghệ thuật là một khái niệm dùng để chỉ các phương tiện được sử dụng trong một ngành nghệ thuật, một sáng tác nghệ thuật. Thực ra mỗi loại hình nghệ thuật đều có một ngôn ngữ nghệ thuật làm phương tiện biểu hiện riêng. Vì thế, coi ngôn ngữ nghệ thuật là “một hệ thống các phương thức, phương tiện tạo hình, biểu hiện, hệ thống của các quy tắc thông báo bằng tín hiệu thẩm mỹ của một ngành, một sáng tác nghệ thuât” [20. tr185]. Nhà văn M. Gorki đã từng viết: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ là công cụ chủ yếu của nó và - cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống – là chất liệu của văn học” [14. tr.185]. Tác giả Phương Lựu thì cho rằng: “Ngôn ngữ của một tác
phẩm văn học, của thế giới nghệ thuật, kết quả sáng tạo của nhà văn. Đó là ngôn từ giàu tính hình tượng và giàu sức biểu cảm nhất, được tổ chức một cách đặc biệt để phản ánh đời sống, thể hiện tư tưởng, tình cảm và tác động thẩm mỹ tới người đọc”.
Như vậy ngôn ngữ nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng vì nó là yếu tố “vật chất” duy nhất, là phương tiện duy nhất kết nối nhà văn với bạn đọc. Qua ngôn ngữ người đọc mới khám phá ra được thế giới, hành động, tư tưởng, quan niệm ... mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm. Bên cạnh đó, ngôn ngữ nghệ thuật lại chứa đựng cả thế giới nghệ thuật mà nhà văn sáng tạo từ con người đến cốt truyện, kết cấu ... Trong mối quan hệ chặt chẽ ấy ngôn ngữ nghệ thuật trở thành phương thức tồn tại, biểu hiện của nội dung, đồng thời có thể cho thấy tài năng của nhà văn trong lĩnh vực sử dụng ngôn từ.