Những tìm tòi mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật

Một phần của tài liệu Nông thôn trong tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường (Trang 81)

Điều cần khẳng định ngay là Hoàng Minh Tường không phải là người tiên phong trong việc đổi mới kĩ thuật viết. Nhất là khi lựa chọn đề tài mang tính truyền thống như đề tài nông thôn và nông dân thì những cách tân cũng chỉ như một yếu tố thứ cấp mà thôi. Nếu như trong tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc nhân vật được tái hiện chủ yếu thông qua miêu tả trực diện hành động, cử chỉ và thông qua đối thoại, độc thoại thì đến tiểu thuyết Đồng sau bão nhà văn đã có những đổi mới khá độc đáo trong lối xây dựng nhân vật. Những tìm tòi, cách tân dựa trên thi pháp truyền thống là một xu hướng chung của các nhà văn hiện đại và Hoàng Minh Tường cũng đã cố gắng thực hiện việc đó. Nhân vật đáng chú ý nhất trong tiểu thuyết Đồng sau bão chính là nhân vật Trần Sinh. Nếu trong tiểu thuyết trước Trần Sinh chỉ xuất hiện là nhân vật phụ thì trong tiểu thuyết này, Trần Sinh trở thành nhân vật trung tâm của tác phẩm, chi phối toàn bộ các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này.

Dù chưa nhận thấy rõ những đặc điểm của kĩ thuật viết hiện đại như dòng ý thức hay sử dụng huyền thoại ... nhưng những biểu hiện nhất định của một thi pháp mới, lối viết mới đã xuất hiện trong tác phẩm này. Trần Sinh là nhân vật xuất hiện ngay ở đầu tác phẩm với cái chết bi thảm sau một vụ tai nạn máy bay thảm khốc.Ấy vậy mà nhân vật này vẫn hiện lên hết sức sinh động, chân thật trong toàn bộ tác phẩm. Nếu xét tổng thể cuốn tiểu thuyết Đồng sau bão thì đây là hình tượng nghệ thuật thành công nhất của Hoàng Minh Tường. Nhân vật Trần Sinh có thể hiện lên thông qua lời kể, lời nhận xét của nhân vật như nhà báo Đặng Hoài: “Ai bảo ông Trần Sinh là người khởi xướng phong trào khoán trong nông nghiệp? Ông ấy tiêu diệt khoán từ trong trứng” [40. tr315] . Hoặc có thể đó là dòng hồi ức của nhân vật Loan khi nhớ về những kỉ niệm không thể quên với nhân vật này, hoặc có thể là chính những tâm sự của Trần Sinh thông qua những đoạn nhật kí để lại ... Rõ ràng thủ pháp lắp ghép, tái hiện nhân vật từ những mảnh vụn của kí ức, từ những kỉ niệm được lưu lại ở nơi nào đó vừa rời rạc, vừa thống nhất đã tái hiện thành công nhân vật này. Nếu coi nhân vật đa diện là “những nhân vật có tính cách phức tạp, được miêu tả từ nhiều chiều qua nhiều lăng kính khác nhau. Nó là những con người mang tính nhân loại phổ quát, không chỉ là con người cộng đồng mà còn là con người cá nhân. Nếu tính cách nhân vật đơn diện hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu thì tính cách nhân vật đa diện vừa có ưu điểm, vừa có khuyết điểm. Nghĩa là nó có tính góc cạnh, phức tạp, có sự biến chuyển và tạo nên nhiều đánh giá khác nhau” [57. Tr 61-71] thì có thể xếp nhân vật Trần Sinh vào kiểu nhân vật này. Rõ ràng trong tác phẩm

Thủy hỏa đạo tặc Trần Sinh hiện lên như một nhân vật thiếu sức sống, chỉ toàn lí

luận với tư tưởng. Ngoài xu hướng cực đoan đó ra người đọc chẳng có ấn tượng gì. Ở tiểu thuyết Đồng sau bão nhà văn Hoàng Minh Tường đã đẩy nhân vật ra giữa dòng dư luận để mọi người nhận thức, đánh giá lại. Nhà văn đã khéo léo và lạnh lùng tước bỏ hết quyền tự bào chữa của nhân vật (vì nhân vật đã chết ). Vì thế Trần Sinh hiện lên rất khách quan, chân thực và gần như tất cả các nhân vật

đều tham gia nhận xét nhân vật này. Người quyết liệt (như là lão Trạc uất ức quá mà chết ) cũng như những người cam chịu (như Thanh, Toại ...) đã phơi trần tất cả những phần sâu thẳm nhất của bí thư Trần Sinh. Tác giả Hoàng Cẩm Giang cho rằng, trên phương diện nhân vật phức hợp, đa bình diện thì: “nhân vật chính trong tác phẩm không còn là những con người hành động (hay hành động không còn là bình diện chủ yếu của nhân vật ). Cụ thể hơn các tác giả không chú tâm vào miêu tả và tường thuật lại đời sống xã hội của con người trong xã hội ( quan hệ xã hội với những nhân vật khác, xung đột và giải quyết xung đột) mà tập trung tái hiện thế giới tâm lý-tâm linh đầy hồi ức, dằn vặt, ám ảnh” [60. Tr125]. Tuy nhân vật Trần Sinh chưa được xây dựng theo những hình dung ở trên đây nhưng đã phần nào mang âm hưởng của lối viết hiện đại.

Xét theo lý thuyết tự sự thì nhân vật Trần Sinh hiện lên thông qua nhiều điểm nhìn khác nhau. Nhân vật này không hoàn toàn xấu, cực đoan, quan liêu như ở trong tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc mà ngược lại, tất cả những chiều sâu nhân bản, những giá trị tốt đẹp của con người cũng được được thể hiện. Có thể trong mắt nhiều người như lão Trạc, Thanh , Đắc ... Trần Sinh là kẻ cướp công, thủ đoạn, nham hiểm và cực kì ích kỉ. Thế nhưng trong mắt Trần Danh, Loan ...Trần Sinh là một con người tuyệt vời, một người cha vĩ đại, một người chồng lãng mạn, biết yêu thương và che chở người mình yêu. Việc xây dựng hai hình ảnh đối lập trong con người Trần Sinh là một dụng công nghệ thuật rất đáng ghi nhận. Trần Sinh từ một bí thư khắc khổ, được hình dung là “dường như ông luôn tự kiềm chế bản thân mình, luôn luôn tự đặt cho mình những tiêu chuẩn cao để vượt lên, để phấn đấu” [40. Tr 127] trở thành một người đàn ông thực thụ, lãng mạn trong tình yêu và đầy trách nhiệm trong cuộc sống. “Ở tuổi 60, không ngờ Trần Sinh vẫn trông như người đàn ông đang kì phong độ ... Riêng Loan, nàng luôn bất ngờ bởi chất ga lăng của Trần Sinh” [40.Tr442]. Nếu đặt trong tiến trình vận động của nhân vật này từ Thủy hỏa đạo tặc cho tới Đồng sau bão cũng như đặt trong toàn bộ hệ thống nhân vật ở cả hai tiểu thuyết đó thì có thể thấy, nhân

vật Trần Sinh là nơi mà nhà văn Hoàng Minh Tường thể hiện những thử nghiệm nghệ thuật mới và ông đã phần nào thành công.

Bên cạnh lối xây dựng nhân vật đa diện, chúng ta cũng phải hết sức ghi nhận cách xây dựng nhân vật từ nhiều điểm nhìn khác nhau. Thực chất bút pháp xây dựng nhân vật dưới góc nhìn đa diện, hay điểm nhìn trần thuật là một cố gắng lớn của nhà văn. Nếu coi trần thuật “là phương diện cơ bản của thể loại tự sự, là việc giới thiệu khái quát thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh nhân vật theo cách nhìn của một người trần thuật nhất định” [16.Tr 346] thì điểm nhìn trần thuật thể hiển rõ nhất những thay đổi quan niệm về cách xây dựng nhân vật của nhà văn.

Cụ thể trong cuốn Thủy hỏa đạo tặc nhân vật chủ yếu được xây dựng từ điểm nhìn ngôi thứ ba hay từ điểm nhìn “biết tuốt”. Chủ thể trần thuật là người nắm giữ vai trò thống soái trong việc miêu tả, kể chuyện, dẫn chuyện. Người kể chuyện ngôi thứ ba lúc thì tự tạo thành một khoảng cách nhất định với nhân vật, lúc thì hòa nhập vào chính nhân vật để kể chuyện. Theo Bakhtin thì “Lời nói của nhân vật chính trong tiểu thuyết – ngôn ngữ nhân vật ít nhiều có tính độc lập về mặt tư tưởng, ngôn từ có nhãn quan của mình – vốn là tiếng nói của người khác, đồng thời có thể khúc xạ cả những ý chí của tác giả và do đó , đến một mức độ nhất định, có thể coi là ngôn ngữ thứ hai của tác giả” [2. Tr21].

Sự thay đổi luân phiên của hai hình thức kể này trở thành cảm hứng chính trong việc xây dựng nhân vật ở tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc và thậm chí tiếp tục tràn sang cả tiểu thuyết Đồng sau bão. Nếu ngoại trừ nhân vật Trần Sinh được dụng công khá nhiều thì các nhân vật trong tiểu thuyết Đồng sau bão về cơ bản vẫn được xây dựng từ điểm nhìn truyền thống, tức từ điểm nhìn “biết tuốt”. Tuy vậy những thay đổi cũng bắt đầu diễn ra thông qua việc xây dựng nhân vật Loan và Đắc. Đây là hai nhân vật phụ, được ẩn danh từ Thủy hỏa đạo tặc. Xây dựng hai nhân vật này Hoàng Minh Tường ngoài sử dụng điểm nhìn ngôn thứ ba để miêu tả còn sử dụng điểm nhìn nhân vật, thậm chí điểm nhìn của nhân vật đã

chết - Trần Sinh. Nhân vật Đắc được miêu tả thông qua điểm nhìn của nhân vật ông Điền (lúc này điểm nhìn ngôi thứ ba trùng với điểm nhìn của nhân vật ông Điền), cùng với điểm nhìn của nhân vật Loan và thậm chí là của chính nhân vật Đắc (thông qua độc thoại nội tâm ) người đọc có thể cảm nhận được nhân vật từ nhiều chiều hơn. Sự thay đổi điểm nhìn trong cách xây dựng nhân vật ở tiểu tuyết Đồng sau bão rõ ràng được nhà văn tổ chức một cách có ý thức hơn rất nhiều. Đắc được người đọc biết đến thông qua lời giớ thiệu của ông Điền: “anh chàng vốn là tài xế của ông Trần Sinh hồi ấy là bí thư huyện ủy Giang Thủy, chỉ vì lái xe cán chết người mà phải đi tù hơn một năm rồi về vườn” [40. Tr379]. Ngoài thông tin này ra người đọc cũng không biết gì thêm. Phải đến khi nhân vật ngôi thứ ba tự dẫn giải thì mọi chuyện mới được vỡ lẽ: “ông dàn xếp để Đắc đi tù ở một nơi heo hút mà Loan không hề biết tới” [40. Tr485] . Và mọi chuyện chỉ được sáng tỏ trong hồi ức của Đắc khi đột nhiên thấy Loan trở về trong vai cô vợ bé của Trần Sinh. Như vậy nhân vật này hiện lên thông qua sự ghép nối những mảnh vỡ kí ức, kỉ niệm khác nhau chứ không liền mạch các nhân vật khác.

Một phần của tài liệu Nông thôn trong tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường (Trang 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)