Con người mới mang phong cách thị dân

Một phần của tài liệu Nông thôn trong tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường (Trang 72)

Thực trạng làng lên phố và quá trình đô thị hóa nông thôn là hai đặc điểm rất quan trọng của nông thôn thời mở cửa. Có thể hiểu con người thị dân là những con người sống ở đô thị, tiếp xúc và trưởng thành trong môi trường đô thị nên cách hành xử và suy nghĩ cũng rất khác với người nông dân. Nếu trong tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc toàn bộ nhân vật tập trung quanh mô hình cán bộ - nông dân thì tới tiểu thuyết Đồng sau bão một kiểu nhân vật mới đã xuất hiện mà

chúng tôi tạm gọi là nhân vật thị dân. Nhân vật này tất nhiên biểu trưng cho lớp người mới, hoặc là thị dân đích thực, hoặc đã bị thị dân hóa để trở thành một đứa con lai giữa nông thôn và thành thị. Đây là kiểu người có tính lịch sử - xã hội và chỉ xuất hiện trong văn học khi mà quá trình đô thị hóa nông thôn diễn ra một cách mạnh mẽ. Nhưng vấn đề đặt ra là nhà văn sẽ xây dựng kiểu nhân vật này như thế nào? Chính Hoàng Minh Tường tự nhận mình là một nông dân “từ ngoài vào trong” nên cách xây dựng kiểu nhân vật này thể hiện quan điểm, lập trường của ông. Có thể liệt kê ra đây những nhân vật tiêu biểu cho con người mang phong cách thị dân như: Thúy Nga, Thúy Ngân, Ngân Yến, Loan ...

Thúy Nga là một nhân vật rất nổi bật cho lớp người mới. Được giới thiệu là “một cô thợ may phố nhỏ” [40. Tr323], nhân vật này xuất hiện với tất cả những đặc trưng cho một ả thị dân truyền thống như: khôn ngoan, sắc sảo, nhanh nhạy, ghê gớm, chua ngoa ... Sự kết hợp giữa Nga và Cơ được ví như là “cuộc liên minh lý tưởng giữa một anh nông dân bị tha hóa, tự loại bỏ mình ra khỏi đồng ruộng với một ả thị dân ranh ma trục lợi trong cơ chế thị trường” [40. Tr359].

Nhân vật Nga được miêu tả rất đặc sắc, từ một cô thợ may nghèo đã đặt bẫy đưa Cơ vào tròng và bắt Cơ phải lấy Nga. Thế rồi bằng sự láu cá, tinh ranh, lọc lõi của mình Nga đã biến Cơ từ “một anh công chức hèn mọn, rúm ró thành một gã thị dân láu cá và mưu mẹo, bất cứ lúc nào cũng bị vợ trùm váy lên đầu” [40. Tr362]. Cũng nhờ đó mà Nga trở thành một tay buôn địa ốc và sau này trở thành trùm buôn đất ở Hà Nội. So với những người phụ nữ nông thôn truyền thống như Vy, Thắm ... Nga chẳng có điểm nào tương đồng cả. Nga ghen tuông và lăng loàn, sẵn sàng vả thẳng tay vào mặt chồng khi anh này không đáp ứng được sinh lý của mình, sẵn sàng chua ngoa khi muốn chửi bới ai và ngọt nhạt khi muốn lợi dụng ai. Khi đời sống nông thôn tiếp xúc với đời sống đô thị thì tương quan quyền lực giữa các thành viên trong gia đình đã thay đổi. Nga đại diện cho một kiểu người, một tuýp người phụ nữ mới đầy năng động, khôn ngoan, biết

nắm bắt thời cơ. Thế nhưng cùng với đó là sự phá vỡ khuôn mẫu phụ nữ truyền thống. Nga chưa hẳn là một nhân vật phản diện mà đó là đại diện cho một cơ chế mới, con người mới khi nông thôn tiếp xúc với thành thị. Nga dường như là một thị dân tiêu biểu cho một lối sống bất chấp thủ đoạn để kiếm tiền, làm giàu dù cho lợi ích đó có phải dẫm lên người khác. Cái nhìn không mấy thiện cảm của nhà văn về con người thị dân đã tạo nên những loại nhân vật như Nga.

Cũng vì quan niệm như vậy mà Nga được xây dựng rất sinh động, cụ thể. Mọi hành động của Nga, mọi mối quan hệ của Nga đều có một điểm đến là lợi ích, là tiền. Vì thế bên cạnh những mặt tích cực của tầng lớp thị dân mang lại cho đời sống nông thôn (ví như cửa hàng bia mà Nga mở đã trở thành nơi tiêu thụ các sản phẩm của nông thôn) thì trong hình dung của tác giả, loại người này chính là nguyên nhân chính phá hoại mô hình nông thôn truyền thống, là tác nhân đưa những cái không hay từ thành thị truyền bá, lây nhiễm vào đời sống nông thôn.

Nếu như Nga là đại diện tiêu biểu nhất cho kiểu thị dân truyền thống thì Thúy Ngân – chị Thúy Nga - lại biểu hiện cho một kiểu thị dân khác. Đó là trí thức thị dân. Không như Nga phải xoay sở để kinh doanh kiếm sống, Thúy Ngân là một kiến trúc sư, một trí thức sống trong lòng đô thị. Thúy Ngân không trực tiếp kinh doanh nhưng là kẻ môi giới giữa con buôn và quan chức để ăn chênh lệch hoa hồng. Thúy Ngân xây dựng mối quan hệ của mình dựa trên hai thứ là tình và tiền: “Tình là đối sách của thời trẻ, những năm Thúy Ngân mới ra trường, thân hình còn tươi non, phồn thực ... khi Thúy Ngân mãn kinh, chị thay đổi chính sách mới: dùng tiền làm phương tiện giao dịch, quan hệ” [40. Tr421].

Vì thế nếu coi Trần Sinh là tinh hoa trong giới chức tham những thì Thúy Ngân lại là tinh hoa trong giới tri thức bị sa ngã bởi sức mạnh vật chất, đồng tiền. Dù anh em trong nghề chế giễu Thúy Ngân là người “góp phần nông thôn hóa một cách mạnh mẽ thành thị” nhưng bất chấp tất cả, Thúy Ngân luôn đạt được điều mình muốn. Sự kết hợp chặt chẽ giữa Trần Sinh và Thúy Ngân cũng

giống như Thúy Ngân với Thúy Nga đã tạo thành “một liên minh ma quỷ” chuyên rút ruột tiền nhà nước và lợi dụng chính sách để làm giàu bất chính. Thúy Ngân và Thúy Nga là hai nhân vật đại diện cho hai lớp người chính trong đời sống đô thị hiện đại là kẻ buôn bán và trí thức. Trí thức thông thường được hiểu là những người làm khoa học chân chính nên họ thường nghèo. Nhưng cơ chế mở cửa đã tạo ra những kẻ mượn danh trí thức để biến mình thành một loại “cò” cao cấp, chuyên môi giới cho kẻ buôn bán (thương nhân) với quan chức (người lãnh đạo xã hội). Mối quan hệ Thương nhân – người môi giới – quan chức đã trở thành một mô hình liên kết chỉ có trong một xã hội mở, đề cao lợi ích kinh tế. Vậy là Thúy Ngân trở thành một mắt xích không thể thiếu trong mô hình mới. Nếu không có những loại người như Thúy Ngân thì những kiểu người như Nga và Trần Sinh cũng không thể có cơ hội kiếm lợi nhiều như thế.

Vậy là nhà văn Hoàng Minh Tường đã phát hiện và xây dựng được một mối quan hệ rất điển hình cho lối sống mới, với những con người mới ở một cơ chế đã hoàn toàn khác trước. Sự thay đổi về cấu trúc bên trong của xã hội đã được xây dựng khéo léo thông qua mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau. Thông qua xây dựng hai nhân vật Thúy Ngân và Thúy Nga, nhà văn thể hiện cái nhìn không mấy thiện cảm đối với kiểu người này dù biết rằng nó vẫn xuất hiện như một nhu cầu tất yếu. Sở dĩ điều này xảy ra là vì “phần lớn những cái nhìn ấy xuất phát từ hệ quy chiếu nông thôn. Nó rơi vào đô thị từ bên ngoài và làm bật lên ở đô thị, không gì khác, những đường nét của cái dị kỷ” [72]. Cái dị kỷ ở đây được hiểu theo nghĩa là cái bất thường, cái khác biệt, cái lạ lùng theo chiều hướng tiêu cực. Sự phản kháng với đô thị như một tâm lý phổ biến của bất cứ người nông dân nào trước sự xâm nhập của cái mới. Nó vừa thích thú, vừa lo lắng bi quan. Chính bởi thế khi xây dựng nhân vật như Nga, Thúy Ngân nhà văn Hoàng Minh Tường thể hiện sự lo lắng cho số phận của người nông dân khi va chạm với cơ chế thị trường, với loại người vốn từ xưa được mặc định là gian manh trong khi họ chưa có cơ chế bảo vệ thích đáng.

Tất nhiên ngoài cái nhìn dè dặt về con người thị dân, Hoàng Minh Tường không phải không xây dựng được những hình tượng con người chung, không hẳn tốt nhưng cũng không hẳn xấu. Những người đó là Ngân Yến, là Hòa và thậm chí là Loan. Ngân Yến sinh ra ở đô thị, trong khi Loan và Hòa sớm thoát ly lên thành phố. Hòa được Cơ giao cho kinh doanh bia hơi, trong khi Ngân Yến là một trí thức mới. Thế nhưng Ngân Yến được xây dựng khá trong sáng, không giống như bà mẹ mưu mô của mình. Nhân vật này chấp nhận sự sắp đặt của gia đình để mong có một cuộc sống yên ấm. Nhân vật Hòa cũng vậy. Hòa không láu cá, thủ đoạn như Nga mà sống khá yên ổn với công việc của mình. Thế rồi nhân vật Loan - người tình của Trần Sinh cũng vậy. Tất cả họ chấp nhận một cái gì đó yên ổn, bình lặng và không dám đấu tranh. Rõ ràng tầng lớp thị dân đâu chỉ toàn những người lưu manh, lọc lừa, xảo quyệt như Thúy Nga, Thúy Ngân. Vẫn còn đó những con người tốt đẹp và đáng tin tưởng.

Tiểu kết: Thông qua hai tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặcĐồng sau bão, Hoàng Minh Tường đã tái hiện được nông thôn dưới góc nhìn của riêng mình. Dưới góc nhìn lịch sử - xã hội nhà văn đã cho thấy sự vận động, chuyển mình đầy khó nhọc của xã hội Việt Nam trong công cuộc cải cách và đổi mới toàn diện. Từ những thay đổi đó, những hệ giá trị văn hóa cũng thay đổi theo với những mặt tốt xấu lẫn lộn. Con người với tư cách là một phần, nhưng là phần quan trọng của hiện thực cũng nằm trong guồng thay đổi đó. Những khát vọng và thực tế xã hội mà nhà văn đã sống, cảm nhận đều được phản ánh đầy đủ thông qua khả năng thể hiện con người trong tác phẩm. Nhà văn Hoàng Minh Tường đã khá thành công khi tái hiện được hình tượng con người xã hội với những thay đổi toàn diện, sâu sắc trước những biến động của thời cuộc. Cho đến bây giờ nhiều hình tượng vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật và tính thời sự.

Chƣơng 3: NÔNG THÔN TRONG TIỂU THUYẾT CỦA HOÀNG MINH TƢỜNG NHÌN TỪ PHƢƠNG THỨC THỂ HIỆN

Một phần của tài liệu Nông thôn trong tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường (Trang 72)