Cho đến nay chưa có định nghĩa nào về tâm linh là đầy đủ và sáng rõ cả.
Từ điển tiếng Việt cho rằng: “Tâm linh là khả năng đoán trước những điều sắp
xảy ra theo quan niệm duy tâm” [10. tr264]. Trong khi đó tác giả Nguyễn Đăng Duy thì lại cho rằng: “Tâm linh là cái thiêng liêng cao cả trong đời thường, là niềm tin thiêng liêng trong cuộc sống tín ngưỡng tôn giáo” [9. tr14]. Trong khi đó nhiều người lại quan niệm tâm linh như một khái niệm đối lập với ý thức kiểu lí tính thuần túy. Nó thuộc lĩnh vực phi khoa học, bao gồm cái phi lý tính, cái tiềm thức, vô thức, bản năng thiên phú ... “nó nhấn mạnh vào phần trực cảm, linh giác, những khả năng bí ẩn (nhưng vẫn có ý thức của con người)” [15. tr265]
Qua những điều đã dẫn ở trên chúng ta thấy rằng không gian – thời gian tâm linh cũng là vấn đề rất phức tạp và trong phạm vi khảo sát của mình, chúng tôi hiểu đó là sự giới hạn của một mô hình không – thời gian có liên quan tới những sự kiện phi lý tính, những trực cảm, linh giác và những khả năng bí ẩn của con người. Đó là hiện tượng nằm mộng, linh cảm về tai họa của các nhân vật trong tác phầm văn học.
Thực ra, vấn đề tâm linh dường như trở thành một đề tài rất thú vị, được các nhà văn viết về đề tài nông thôn khai thác rất nhiều. Từ Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng cho tới Đào Thắng, tác phẩm của những nhà văn này đều đậm đặc không khí tâm linh. Việc xuất hiện hồn ma báo mộng, linh cảm, trực giác trở thành một thủ pháp rất quen thuộc trong việc xây dựng không gian và thời gian nghệ thuật.
Thực tế là không gian – thời gian tâm linh chỉ xuất hiện ở tiểu thuyết
Đồng sau bão chứ tuyệt nhiên không thấy nhắc đến ở tiểu thuyết Thủy hỏa đạo
yếu qua ba sự kiện chính. Thứ nhất là linh cảm của Trần Danh về cái chết của Trần Sinh. Linh cảm của Thắm về cái chết của lão Trạc và giấc mơ của ông Điền về người con trai đã chết trận của mình. Không gian và thời gian tâm linh cũng không đậm đặc, không tạo thành một đặc trưng rõ rệt. Thế nhưng việc đưa những yếu tố này vào tác phẩm là hữu ý hay vô ý của nhà văn? Chúng ta hãy xem đoạn văn miêu tả linh cảm của Trần Danh: “Khi ấy tự nhiên Danh thấy nhói rất mạnh ở vùng tim. Anh choáng váng đưa hai tay ôm ngực và ngay trong thời khắc đó, trong đầu anh bỗng thoáng hiện hình ảnh người cha. Ông mở mắt nhìn Danh trừng trừng rồi kêu lên: Danh à, bố đi đây” [40. tr325]. Và rồi là “Trong lòng anh như có lửa, như có một thứ hóa chất gì đó đang sôi réo, âm ỉ. Tim anh luôn đập hoảng loạn, thỉnh thoảng anh như ngừng thở, phải cố gắng lắm mới lấy lại được nhịp thở bình thường” [40. tr326]. Tiếp đến là đoạn miêu tả trực giác, linh cảm của nhân vật Thắm: “lúc ấy tại trang trại Đầm Sen, Thắm đang cuốc đất để trồng vạt dây khoai lang bỗng nhiên lưỡi quốc lạng vào ngón chân cái đau buốt lên tận óc” và “Tôi thấy người nôn nao thế nào ấy cậu ạ. Hay nhà có chuyện gì?” [40. tr338].
Đưa những yếu tố này vào tác phẩm có lẽ Hoàng Minh Tường muốn lý giải hiện thực thông qua thế giới tâm linh bí ẩn. Những sự kiện kỳ lạ trên, trong khoa học chiêm mộng người ta gọi là điềm hay điềm báo. Cái chết của lão Trạc hay nhân vật Trần Sinh không chỉ là một sự kiện xã hội mà rõ ràng có những tác động tâm linh nào đó. Sử dụng tâm linh như là một thủ pháp để tái hiện hiện thực, con người và phần nào giải mã thế giới bí ẩn kia. Tuy không thành công bằng những nhà văn như Nguyễn Khắc Trường hay Đào Thắng nhưng cũng phải ghi nhận cố gắng này của nhà văn. Khoa học về chiêm mộng có khái niệm là cùng sóng. Hai con người dù ở xa về mặt địa lý đến đâu đi nữa nhưng nếu sự cố xảy ra thì đối tượng kia sẽ có linh cảm thông qua những biểu hiện của cơ thể.
Trần Danh là một con người rất thần tượng cha mình. Anh tự hào với chúng bạn và luôn lấy hình mẫu Trần Sinh là mục tiêu phấn đấu. Sự tương thông
không chỉ dừng ở mối quan hệ máu mủ mà có sự tương thích nhất định tới quan điểm sống (lúc này bộ mặt thật của Trần Sinh vẫn chưa bị phát hiện nên đây vẫn là mẫu hình lý tưởng đối với nhiều người). Trong khi đó linh cảm của Thắm, Thiết về cái chết của người cha cũng như vậy. Thiết là một bản sao của ông Trạc từ ngoại hình cho tới tính cách. Thắm thì có mối quan hệ đặc biệt với ông Trạc thông qua số phận đau khổ của cô. Vì thế, sự liên thông giữa các sóng với nhau có thể lý giải được.
Nếu hai điềm báo ở trên chỉ đơn thuần thể hiện tham vọng lý giải tâm linh bằng văn học của Hoàng Minh Tường thì chi tiết ông Điền thường mơ về người con trai đã chết của mình lại là một dụng ý nghệ thuật rõ ràng. Không gian tâm linh ở đây là đình làng Thanh Cao với “ánh nến sáng trưng và mùi khói hương sực nức”, “Cơ cảm thấy có một không khí linh thiêng khác thường ... Cơ tin rằng có một thế giới của những người âm mà ông Điền có thể đối thoại, thỉnh cầu được” [40. tr 525]. Thời gian tâm linh diễn ra vào buổi đêm rõ ràng tạo lên một không khí rất điển hình. Tiếng ông Điền lầm rầm khấn vái, những vị thần của đình làng được khẩn cầu ... tất cả tạo nên một trục không gian – thời gian tâm linh rất đặc trưng. Ở đó con người trở nên bé nhỏ, và thành thật với chính mình hơn rất nhiều. Trong bối cảnh này, hai nhân vật là ông Điền và Cơ tự sám hối thông qua đối thoại lẫn nhau. Con người soi chiếu nhau dưới ánh sáng thần linh và như một sự rửa tội về những việc mình làm trong quá khứ. Vì thế không gian – thời gian tâm linh trong trường hợp này như một biểu tượng cho sự thanh lọc. Cơ là người không tin vào thần linh vậy mà đứng trước không gian đó anh ta trở nên thành thực với mình biết bao nhiêu. Ông Điền chấp nhận bỏ ngoài tai mọi chỉ trích để ra nhận chân thủ từ của đình làng. Chính nhân vật này cũng được miêu tả: “Lạ thật, đang ốm đau dặt dẹo lúc nào đi đái cũng ngửi thấy mùi thuốc bắc. Vậy mà từ hôm ra ăn lộc Thánh, ngày đêm hương khói cho đức Thành Hoàng, ông Điền bỗng thấy người khỏe hẳn ra, ăn được, ngủ được, đầu óc minh mẫn, thanh thản” [40. tr521].
Tất nhiên giấc mơ gặp Đạt trong bối cảnh không gian như vậy chỉ là một hệ quả tất yếu của các dòng sự kiện sau: Ông Điền mất con trai, Thắm có cuộc hôn nhân không hạnh phúc với Đắc, mặc cảm tội lỗi của ông Điền. Liên hệ này tất yếu sẽ dẫn tới giấc mơ về Đạt – biểu tượng của hạnh phúc, và giấc mơ như là một hình tượng so sánh được đặt trong bối cảnh đặc biệt làm cho không gian – thời gian tâm linh ngày càng trở lên đặc biệt hơn. Rõ ràng cùng với sự rạn nứt và đổ vỡ những hệ giá trị truyền thống của làng quê Việt Nam thì không gian - thời gian tâm linh mà nhà văn Hoàng Minh Tường muốn xây dựng như một biểu tượng để cứu rỗi linh hồn con người. Đây mới chính là ý nghĩa cao nhất của một biểu tượng tinh thần: chức năng cứu rỗi.
Vậy là Hoàng Minh Tường cũng không nằm ngoài xu hướng dùng tâm linh để lý giải hiện thực và cứu rỗi hiện thực. Tuy rằng cường độ xuất hiện các sự kiện, trục không gian – thời gian tâm linh không nhiều nhưng rõ ràng nó vẫn mang lại hiệu quả nghệ thuật nhất định. Không khí của tín ngưỡng cổ truyền và bối cảnh không gian đặc biệt khiến cho nó xuất hiện trong tác phẩm như là một điểm hội tụ của quá khứ - hiện tại – vị lai, hội tụ hạnh phúc - khổ đau. Sự trung hòa các yếu tốt đã đem lại thanh thản trong tâm hồn của mỗi nhân vật.