Marketing trực tiếp bao gồm các hoạt động trực tiếp đưa các thông điệp đến người tiêu dùng qua các cuộc điện thoại hoặc quảng cáo tương tác trực tiếp qua phát thanh, truyền hình, hoặc thông qua các phương tiện truyền thông khác mục tiêu là thúc đẩy hành động. Một số hình thức marketing trực tiếp: Marketing bằng catalogue, Gửi thư tín, Marketing qua điện thoại, Marketing trực tiếp trên truyền hình, Marketing trực tiếp trên truyền thanh, tạp chí và báo, Mua hàng bằng máy, Marketing trực tiếp trên mạng Internet, Fax và telex.
Ưu điểm của marketing trực tiếp: Marketing trực tiếp có lợi thế cốt yếu đó là khả năng nhắm tới những khách hàng cụ thể, đơn lẻ và có thể phục vụ nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, giúp đánh giá trực tiếp hiệu quả của phương thức này. Cụ thể: thông qua phương thức gửi thư tín sẽ giúp chuyển tới khách hàng các văn bản chứng nhận đảm bảo có tác dụng làm cơ sở xây dựng niềm tin và đồng thời chuyển tải những thông tin đầy đủ làm rõ những điều khách hàng chưa hiểu. Các cuộc điện thoại miễn phí cũng góp phần hỗ trợ thông tin trực tiếp cho khách hàng.
Những chương trình marketing trực tiếp không đơn thuần là xây dựng nhận thức về nhãn hiệu hay thay đổi sở thích của khách hàng mà còn nhằm thúc đẩy các giao dịch như đặt hàng, yêu cầu được biết thêm thông tin, gặp gỡ các nhà phân phối hay đến thăm các kho hàng,… Marketing trực tiếp không chỉ nhằm thu hút khách
hàng mới (bằng cách gửi thư chào hàng đến các khách hàng tiềm năng) mà còn là để giữ chân khách hàng cũ nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ mới đồng thời tăng tần suất sử dụng sản phẩm dịch vụ.
Hoạt động marketing trực tiếp cũng cho phép quản lý tốt danh sách dữ liệu khách hàng như: quản lý hồ sơ cá nhân khách hàng, tệp tin về khách hàng dựa trên nhiều nguồn khác nhau. Ngòai ra có thể khai thác được nhiều khía cạnh của khách hàng như: sở thích, thói quen,.. bằng cách mua lại thông tin trên các phiếu bảo hành sản phẩm, giấy phép lái xe hoặc các giấy tờ đăng ký phương tiện… của khách hàng. Khách hàng sẽ gửi phiếu thông tin cá nhân của mình về công ty để giúp liên lạc một cách dễ dàng, những dữ liệu này sẽ được nhập vào máy tính làm cơ sở cho marketing bằng thư tín, điện thoại, catalog sau này.
Marketing trực tiếp có một số hạn chế nhất định: Đòi hỏi đầu tư chi phí lớn cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu, điều kiện vật chất; đòi hỏi phải có nguồn nhân lực được đào tạo với trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu. Một vấn đề nữa là không phải trong điều kiện nào marketing trực tiếp cũng được khách hàng đón nhận, việc gửi catalog sản phẩm dịch vụ hay các giao dịch trực tiếp qua truyền hình, internet chỉ thích hợp với một số loại hàng hóa nhất định. Trong trường hợp thị trường bao gồm hầu hết khách hàng với hành vi mua hàng hàng ngày, mua tại chợ và chỉ tin tưởng vào kinh nghiệm của bản thân sau khi đã tiêu dùng sản phẩm, thì marketing trực tiếp cũng chưa thể phát huy được hiệu quả trong giai đoạn đầu mà cần có một thời gian để khách hàng thích nghi, làm quen. Các hình thức thu thập thông tin khách hàng đôi khi còn liên quan đến quyền riêng tư: các cuộc điện thoại chào hàng, thăm hỏi thường không được khách hàng đón nhận.
Ngày nay với sự bùng nổ về phương thức marketing trực tiếp, các nhà truyền thông áp dụng ngày càng nhiều sự kết hợp hoạt động marketing trực tiếp với các chương trình quảng cáo, khuyến mại để đạt hiệu quả tối ưu nhất.