Khái niệm về hứng thú học tập:

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Tìm hiểu thực trạng hứng thú học tập các môn lý luận của sinh viên khoa giáo dục thể chất –Trường Đại học sư phạm Đồng Tháp (Trang 26)

Trong các công trình nghiên cứu của nhiều nhà Tâm lý học và các tác giả của nhiều luận án, luận văn đã đồng nhất hứng thú học tập với hứng thú nhận thức. Chúng tôi cho rằng, hứng thú học tập chỉ là một dạng của hứng thú nhận thức, cần phân biệt rõ hai khái niệm này.

Hứng thú nhận thức là một bộ phận của hứng thú nói chung, hiểu như một phẩm chất của nhân cách đảm bảo duy trì hoạt động của con người nhằm thoã mãn nhu cầu là động lực cơ bản của sự tồn tại và phát triển. Như đã biết, con người luôn có những nhu cầu sống như mọi sinh vật (ăn, ngủ, duy trì nòi giống, tránh nguy hiểm cho cá nhân, tiết kiệm tối đa năng lượng khi hoạt động đạt mục đích)

Đồng thời và cũng quan trọng hơn, con người còn có những nhu cầu xã hội hiểu theo nghĩa hẹp (ghép mình vào một nhóm xã hội nhất định, xác lập một vị thế nhất định trong nhóm, đòi hỏi được người khác chú ý, tôn trọng và yêu mến …) và những nhu cầu tinh thần – tư tưởng, mà nổi lên hơn hết là nhu cầu nhận thức bản thân, nhận thức thế giới xung quanh, nhận thức vị thế của mình, ý nghĩa sự tồn tại của mình trong thế giới đó. Sự thoã mãn nhu cầu nói chung và trực tiếp là thoã mãn nhu cầu nhận thức sẽ làm nảy sinh hứng thú nhận thức đảm bảo duy trì hoạt động nhận thức để tiếp tục thoã mãn nhu cầu nhận thức càng ngày càng mới. Có nhà tâm lý học đã ví một cách hình ảnh: “hứng thú như bàn tay của người nghệ sĩ có khả năng gõ

vào những phím đàn năng lực vốn sẵn có của con người để tạo ra những âm thanh tuyệt diệu của hiệu quả hoạt động nhận thức ở con người”.

Hứng thú nhận thức của học sinh thực ra đã hình thành sẵn ở họ ngay từ khi còn nhỏ, biểu hiện ở sự tò mò, ham hiểu biết, và về sau được phát triển thành tính ham học, ham đọc, ham xem, ham tìm hiểu và cuối cùng là trở thành hứng thú khoa học, hứng thú văn chương, nghệ thuật [20;34]

Hứng thú nhận thức có đối tượng là việc nhận thức thế giới khách quan nói chung. Đối tượng của hứng thú nhận thức là quá trình nhận thức bản chất và quy luật của các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan, mà quá trình này được đặc trưng bởi xu hướng lựa chọn của cá nhân đi sâu vào bản chất của hiện tượng, đi sâu vào nhận thức những cơ sở lý luận, cơ sở khoa học của một lĩnh vực khoa học nhất định. Hứng thú nhận thức thể hiện ở nguyện vọng tương đối bền vững, muốn nghiên cứu các cơ sở lý luận khoa học đó một cách thường xuyên, sâu sắc và có cơ sở. Do phạm vi rộng, nên hứng thú nhận thức có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống và hoạt động của con người.

Hứng thú học tập có đối tượng hẹp hơn nhiều so với hứng thú nhận thức. Khái niệm học tập hiểu theo nghĩa rộng là việc lĩnh hội những kinh nghiệm lịch sử xã hội nói chung, nghĩa là nó gần với khái niệm nhận thức. Nhưng khái niệm học tập theo đúng nghĩa tâm lý học là hoạt động học tập được tổ chức bằng phương pháp nhà trường với nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức chuyên biệt. Do vậy, hứng thú học tập là loại hứng thú gắn với các môn học trong nhà trường, nó là thái độ đặc biệt của học sinh với môn học, mà học sinh thấy có ý nghĩa và có khả năng đem lại khoái cảm trong quá trình học tập bộ môn.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Tìm hiểu thực trạng hứng thú học tập các môn lý luận của sinh viên khoa giáo dục thể chất –Trường Đại học sư phạm Đồng Tháp (Trang 26)