TECHCOMBANK
3.2.1 Đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm dành riêng cho phân khúc khách hàng DNV&N
Đa dạng hóa sản phẩm sẽ là thế mạnh và mũi nhọn để Techcombank có thể phát triển được hoạt động cho vay DNV&N. Theo đó, Techcombank cần tập trung tìm hiểu sâu sắc hơn đối tượng khách hàng này về các lĩnh vực kinh doanh chủ yếu, nhu cầu hiện tại là gì, tận dụng lợi thế về công nghệ và mạng lưới mà đưa ra các sản phẩm nổi trội, khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Ngân hàng cần đưa ra nhiều sản phẩm cho vay có sự đa dạng cả về phương thức trả nợ, lãi suất cho vay phù hợp với nhu cầu vay vốn của xã hội. Việc tạo ra nhiều sản phẩm cho vay thì ngân hàng sẽ có cơ hội tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Từ thực tế các sản phẩm của Techcombank hiện nay cho thấy, ngân hàng chưa thực sự có các sản phẩm chuyên biệt, dành riêng và đáp ứng được nhu cầu của phân khúc khách hàng DNV&N. Một trong những nguyên nhân đó là công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm cho khách hàng DNV&N tại ngân hàng chưa được chú trọng đúng mực. Ví dụ như: một trong những phần mà doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu và thiếu nghiêm trọng là vốn để phát triển công nghệ, máy móc thiết bị, tài sản cố định… để phát triển kinh doanh trong dài hạn. Tuy nhiên nhìn vào các sản phẩm cho vay doanh nghiệp hiện nay của Techcombank thì mới chỉ có sản phẩm chuyên biệt là cho vay ô tô phục vụ sản xuất kinh doanh, ngoài ra chưa có nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu này của DNV&N.
Các sản phẩm cho vay DNV&N cũng cần được thiết kế để phù hợp hơn với chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm đối tượng này. Khối các DNV&N là đối tượng thường xuyên có nhu cầu vay vốn với thời hạn linh hoạt và quy mô khoản vay vừa phải. Việc giải ngân truyền thống theo chu kỳ kinh doanh 3-6 tháng trong thời gian qua đã tạo ra những khó khăn nhất định. Trong đó, nhiều trường hợp đã không đáp ứng được thời hạn trả nợ do hàng tồn kho cộng thêm kỳ hạn vay vốn ngắn đã tạo ra sức ép cho doanh nghiệp. Ngân hàng cần có những gói sản phẩm có thời gian giải ngân linh hoạt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp tập trung toàn lực vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngân hàng cũng nên kết hợp các dịch vụ ưu đãi ngân hàng khác đi kèm với các sản phẩm cho vay để làm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm như: ưu đãi lãi suất tiền gửi, giảm thiểu phí liên quan đến thủ tục, phí đăng ký…
Ngân hàng còn khá bị động trong việc chờ đợi doanh nghiệp tìm đến với mình, chưa chủ động tìm kiếm khách hàng. Cần tập trung triển khai nghiên cứu thị trường nhất là thị trường mục tiêu. Trong đó, Techcombank phải xác định một cách chính xác nhu cầu của những khách hàng mục tiêu để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của họ nếu phát sinh. Đối với DNV&N, Ngân hàng cần nắm bắt nhu cầu bổ sung vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh hay nhu cầu vốn để đổi mới trang thiết bị công nghệ nhằm mở rộng sản xuất để sẵn sàng tư vấn, cho vay nếu họ muốn. Phát hiện đồng thời thoả mãn tối đa nhu cầu của khách hàng là chìa khoá đem sự thành công cho thương hiệu Techcombank khi phải cạnh tranh với các thương hiệu khác. Mặt khác, nếu làm được như vậy, ngân hàng sẽ xây dựng được mối quan hệ lâu dài với khách hàng, tạo ra kênh phân phối ổn định – khách hàng truyền thống đem lại lợi nhuận thường xuyên cho Ngân hàng.
Một biện pháp để nâng cao công tác phát triển sản phẩm đó là nâng cao trình độ đội ngũ phát triển sản phẩm cho vay DNV&N. Ngân hàng cần đào tạo định kỳ cho các nhân viên phát triển sản phẩm các kiến thức về thị trường, sự biến đổi của sản phẩm, thấy được các điểm mạnh của Techcombank so với các ngân hàng khác… Một đội ngũ nhân viên hiểu biết tốt, đào tạo bài bản sẽ tạo ra những sản phẩm tốt và khi triển khai sản phẩm mới đạt được kết quả như mong đợi.