CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG CHO VAY DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ CỦA NGÂN HÀNG
1.2.3.3 Chính sách lãi suất cho vay
Ngân hàng có các mức lãi suất cho vay khác nhau tùy theo kỳ hạn, tùy theo các loại tiền, và tùy theo loại khách hàng. Khi thỏa thuận về lãi suất cho vay, ngân hàng phải tính đến rủi ro, lãi suất hòa vốn, lãi suất cạnh tranh trên thị trường.
Lãi suất có thể cố định trong suốt kỳ hạn cho vay; hoặc biến đổi tùy theo thay đổi của lãi suất tham chiếu, hoặc của chỉ số làm cơ sở điều chỉnh lãi suất; hoặc kết hợp có điều chỉnh lãi suất sau một khoảng thời gian nhất định. Lãi suất cho vay có thể chịu giới hạn của lãi suất trần, bị tác động bởi lãi suất tái chiết khấu do ngân hàng nhà nước quy định, hoặc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Lãi suất cho vay do ban giám đốc ngân hàng thông qua và cần được phổ biến đến mọi cán bộ tín dụng, bao gồm lãi suất cơ bản và lãi suất bình quân đối với các kỳ hạn, các ngành, và lĩnh vực chủ yếu. Chính sách lãi suất cần chỉ rõ các bộ phận cơ bản cấu thành nên lãi suất tín dụng như lãi suất nguồn, chi phí khác, rủi ro, thuế, và tỷ lệ lợi nhuận tối thiểu… và các nhân tố chính tác động đến các bộ phận đó. 1.2.3.4 Thời hạn cho vay
Các giới hạn về thời hạn luôn được các nhà quản lý ngân hàng quan tâm, bởi kỳ hạn liên quan đến thanh khoản và rủi ro ngân hàng, cũng như chu kỳ kinh doanh của người vay. Chính sách thời hạn phải giải quyết mối quan hệ thời hạn của nguồn và thời hạn tài trợ. Từ đó ngân hàng xác định kỳ hạn nợ cụ thể đảm bảo cân bằng kỳ hạn trung bình.
Kỳ hạn nợ liên quan đến tính toán các nguồn thu của khách hàng có thể dùng để trả nợ. Chính sách xác định cụ thể kỳ hạn nợ, và tăng số lần trả nợ trong kỳ sẽ tăng mật độ luồng tiền vào, giảm kỳ hạn tín dụng trung bình, song sẽ tăng chi phí thu nợ của ngân hàng.