CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG CHO VAY DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ CỦA NGÂN HÀNG
1.2.1 Khái niệm hoạt động cho vay của ngân hàng thương mạ
Ngân hàng là một tổ chức tài chính quan trọng nhất trong nền kinh tế. Ngân hàng gồm nhiều loại, tùy thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng, trong đó ngân hàng thương mại thường chiếm tỷ trọng lớn nhất về quy mô tài sản, thị phần và số lượng ngân hàng. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về định nghĩa Ngân hàng, một định nghĩa được sử dụng khá phổ biến là theo quan điểm của Peter S.Rose : “Ngân hàng là loại hình tổ chức tài chính cung cấp một danh mục các dịch vụ tài chính đa dạng nhất – đặc biệt là tín dụng, tiết kiệm và dịch vụ thanh toán – và thực hiện nhiều chức năng tài chính nhất so với bất kỳ một tổ chức kinh doanh nào trong nền kinh tế”.
Tín dụng là một hoạt động lâu đời và quan trọng bậc nhất của các Ngân hàng thương mại. Đó là một hình thức vận chuyển vốn gián tiếp thông qua một trung gian là Ngân hàng thương mại. Theo Luật các tổ chức tín dụng, các Ngân hàng thương mại có thể cấp tín dụng cho cá nhân, tổ chức thông qua các hình thức cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bảo lãnh, bao thanh toán và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác. Trong đó thì hoạt động cho vay vẫn là hoạt động chủ yếu của cấp tín dụng.
Trong quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng ban hành kèm quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã định nghĩa: “Cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng giao cho khách hàng sử dụng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích và thời gian nhất định theo thoả thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi”. Cho vay thường chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản của phần lớn các Ngân hàng thương mại. Nó mang lại lợi nhuận lớn cho ngân hàng nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều rủi ro như rủi ro về lãi suất, rủi ro thanh khoản, rủi ro về kỳ hạn… mà nếu không có sự quản lý tốt thì sẽ
ảnh hưởng đến sự hoạt động lâu dài và bền vững của Ngân hàng.