CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG CHO VAY DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ CỦA NGÂN HÀNG
1.2.2.1 Theo hình thức cấp tín dụng
Cho vay trực tiếp từng lần: là hình thức cho vay khá phổ biến của ngân hàng đối với các khách hàng không có nhu cầu vay thường xuyên, không có đủ điều kiện để được cấp hạn mức thấu chi. Một số khách hàng sử dụng vốn chủ sở hữu và tín dụng thương mại là chủ yếu, chỉ khi có nhu cầu thời vụ hay mở rộng sản xuất đặc biệt mới vay ngân hàng. Do đó vốn từ ngân hàng chỉ tham gia vào một giai đoạn ngắn của chu kỳ sản xuất kinh doanh.
Mỗi lần vay khách hàng phải làm đơn và trình ngân hàng phương án sử dụng vốn vay. Thông qua quá trình phân tích, ngân hàng sẽ ký kết hợp đồng cho vay, xác định quy mô khoản vay, thời hạn giải ngân, thời hạn trả nợ, lãi suất và các điều kiện đảm bảo khác nếu cần. Trong quá trình giải ngân, ngân hàng sẽ kiểm soát việc sử dụng vốn vay của khách hàng có đúng với mục đích như đã trình hay không. Nếu xuất hiện dấu hiệu vi phạm hợp đồng, ngân hàng có thể thu nợ trước hạn hoặc chuyển nợ quá hạn. Nghiệp vụ cho vay từng lần khá đơn giản, ngân hàng có thể kiểm soát từng món vay riêng biệt, và tiền cho vay dựa vào giá trị của tài sản đảm bảo.
Cho vay theo hạn mức: đây là nghiệp vụ tín dụng theo đó ngân hàng thỏa thuận cấp cho khách hàng hạn mức tín dụng. Hạn mức tín dụng có thể tính cho cả kỳ hoặc cuối kỳ, đó là số dư tối đa tại thời điểm tính. Đối với hạn mức trong kỳ, khách hàng có thể thực hiện vay trả nhiều lần, song dư nợ không được vượt quá hạn mức tín dụng. Một số trường hợp ngân hàng quy định hạn mức cuối kỳ, nghĩa là dư nợ trong kỳ có thể lớn hơn hạn mức nhưng đến cuối kỳ, khách hàng phải trả nợ để
đảm bảo dư nợ cuối kỳ không được vượt hạn mức.
Hạn mức tín dụng được cấp trên cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhu cầu vốn và nhu cầu vay vốn của khách hàng. Mỗi lần vay, khách hàng chỉ cần trình bày phương án sử dụng vốn vay, nộp các chứng từ chứng minh đã mua hàng hoặc dịch vụ và nêu yêu cầu vay. Sau khi kiểm tra tính hợp lệ và hợp pháp của chứng từ ngân hàng sẽ phát tiền vay cho khách hàng.
Đây là hình thức cho vay thuận tiện với những khách hàng vay mượn thường xuyên, vốn vay tham gia thường xuyên vào quá trình sản xuất kinh doanh. Trong nghiệp vụ này, ngân hàng không ấn định trước ngày trả nợ mà khi khách hàng có thu nhập thì ngân hàng mới thu nợ. Do đó tạo chủ động quản lý ngân quỹ cho khách hàng. Tuy nhiên, do các lần vay không tách biệt thành các kỳ hạn nợ cụ thể nên ngân hàng khó kiểm soát hiệu quả sử dụng từng lần vay. Thông thường lãi suất của hình thức cho vay theo hạn mức sẽ cao hơn lãi suất của cho vay từng lần vì ngân hàng lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng tiền cho khách hàng.
Cho vay luân chuyển: là nghiệp vụ cho vay dựa trên luân chuyển của hàng hóa. Doanh nghiệp khi mua hàng có thể thiếu vốn cần vay ngân hàng, và phải trả nợ ngân hàng khi doanh nghiệp bán hàng. Đầu năm hoặc quý, người vay phải làm đơn xin vay luân chuyển. Ngân hàng và khách hàng thỏa thuận với nhau về phương thức vay, hạn mức tín dụng, các nguồn cung cấp hàng hóa và khả năng tiêu thụ. Hạn mức tín dụng có thể được thỏa thuận trong một năm hoặc vài năm. Đây không phải là thời hạn hoàn trả mà là thời hạn để ngân hàng xem xét lại mối quan hệ với khách hàng ,quyết định có cho vay nữa hay không, tùy thuộc vào quan hệ của khách hàng và ngân hàng cũng như tình tình tài chính của khách hàng.
Việc cho vay là dựa trên luân chuyển của hàng hóa nên cả khách hàng và ngân hàng đều phải nghiên cứu kế hoạch luân chuyển hàng hóa để dự đoán dòng ngân quỹ trong thời gian tới. Khi vay, khách hàng chỉ cần gửi đến ngân hàng các chứng từ hóa đơn nhập hàng và số tiền cần vay. Ngân hàng cho vay và trả cho người bán. Theo hình thức này, giá trị hàng hóa mua vào là đối tượng được ngân
hàng cho vay, và thu nhập bán hàng là nguồn để chi trả cho ngân hàng.
Hình thức này thường được áp dụng với các doanh nghiệp thương nghiệp hoặc doanh nghiệp sản xuất có chu kỳ tiêu thụ ngắn ngày, có quan hệ vay trả thường xuyên với ngân hàng. Cho vay luân chuyển rất thuận tiện cho khách hàng, thủ tục đơn giản, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ gặp rủi ro thu hồi vốn nếu doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ do không quy định rõ ràng thời hạn của khoản vay.
Cho vay trả góp là hình thức tín dụng trong đó ngân hàng cho phép khách hàng trả gốc làm nhiều lần trong thời hạn tín dụng đã thỏa thuận. Loại hình này thường được áp dụng cho các khoản vay trung và dài hạn, tài trợ cho tài sản cố định hoặc hàng lâu bền.
Ngân hàng thường cho vay trả góp đối với người tiêu dùng thông qua hạn mức nhất định. Ngân hàng sẽ thanh toán cho người bán lẻ về số hàng hóa mà khách hàng đã mua trả góp. Các cửa hàng bán lẻ nhận ngay tiền sau khi bán hàng từ phía ngân hàng và làm đại lý thu tiền cho ngân hàng, hoặc khách hàng trả trực tiếp cho ngân hàng. Đây là hình thức tín dụng tài trợ cho người mua nhằm khuyến khích tiêu thụ hàng hóa.
Cho vay trả góp có rủi ro cao do khách hàng thường thế chấp bằng hàng hóa mua trả góp, khả năng trả nợ phụ thuộc vào thu nhập đều đặn của người vay. Nếu người vay mất việc, ốm đau, thu nhập giảm sút thì khả năng thu nợ của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Chính vì rủi ro cao nên lãi suất cho vay thường là lãi suất cao nhất trong khung hình lãi suất cho vay của ngân hàng.
Thấu chi là nghiệp vụ cho vay qua đó ngân hàng cho phép người vay được chi vượt trên số dư tiền gửi thanh toán của mình đến một thời hạn nhất định và trong khoảng một thời gian xác định. Giới hạn này là hạn mức thấu chi. Các khoản chi quá hạn mức thấu chi sẽ chịu lãi suất phạt và bị đình chỉ sử dụng hình thức này. Thấu chi dựa trên cơ sở thu và chi của khách hàng không phù hợp về thời gian và quy mô. Do vậy, hình thức cho vay này tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng
trong quá trình thanh toán: chủ động, nhanh chóng, kịp thời. Đây là hình thức cho vay ngắn hạn, linh hoạt, thủ tục đơn giản, phần lớn là không có đảm bảo, có thể cấp cho cả doanh nghiệp và cá nhân để trả lương, chi các khoản phải nộp, mua hàng…. Hình thức này nhìn chung chỉ sử dụng đối với những khách hàng có độ tin cậy cao, thu nhập đều đặn và kỳ thu nhập ngắn .
Cho vay hợp vốn: hay còn gọi là cho vay đồng tài trợ là hình thức cấp tín dụng thông qua việc tham gia tài trợ vốn của từ hai tổ chức tín dụng trở lên, trong đó có một tổ chức tín dụng đứng ra làm đầu mối. Việc cho vay hợp vốn thực hiện theo quy định của Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng và Quy chế đồng tài trợ của các tổ chức tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Hình thức cho vay này thường áp dụng đối với những dự án quy mô lớn, một ngân hàng không đủ khả năng cho vay đồng thời cũng không thể chịu đựng được rủi ro khi dự án không thành công. Vì vậy khi nhận được dự án vay vốn, ngân hàng này liên kết với nhiều ngân hàng khác để cùng tài trợ cho dự án.
Ngoài các phương thức trên, ngân hàng có thể cho vay theo các phương thức khác mà pháp luật không cấm, phù hợp với các quy định tại các Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng, điều kiện kinh doanh của tổ chức tín dụng và đặc điểm của khách hàng vay. Ví dụ như cho vay theo dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các dự án đầu tư phục vụ đời sống, cho vay gián tiếp ( tức là ngân hàng cho vay thông qua các tổ chức trung gian tổ, đội, nhóm như nhóm sản xuất, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ....