Các nhân tố từ phía ngân hàng

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng Phát triển hoạt động cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (Trang 47)

CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ HOẠT ĐỘNG CHO VAY DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ CỦA NGÂN HÀNG

1.3.4.1 Các nhân tố từ phía ngân hàng

Thứ nhất, chính sách tín dụng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động cho vay của ngân hàng đối với các DNV&N. Chính sách tín dụng bao gồm các chính sách về khách hàng, quy mô, lãi suất, kỳ hạn… Khách hàng vay vốn của ngân hàng rất đa dạng, ngân hàng sẽ phân loại khách hàng truyền thống và quan trọng, khách hàng khác mà có chính sách phù hợp. Ngân hàng có các quy định về hạn mức cho vay tối đa với một khách hàng, kỳ hạn của khoản vay, chính sách lãi suất, các hạn mức kiểm soát rủi ro tín dụng, chính sách ưu đãi khách hàng, chính sách cạnh tranh… áp dụng cho từng nhóm khách hàng. Nếu một DNV&N thuộc loại khách hàng truyền thống và quan trọng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi trong cho vay của ngân hàng.

Chính sách tín dụng của ngân hàng thường thay đổi qua từng thời kỳ, phụ thuộc vào sự điều tiết vĩ mô của Ngân hàng Nhà nước và khả năng, điều kiện của bản thân các ngân hàng. Khi chính sách tín dụng được nới lỏng: hạn mức cho vay tối đa với một khách hàng được mở rộng, kỳ hạn của một khoản vay dài hơn, ngân hàng lại đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn nên chính sách ưu đãi khách hàng tốt, lãi suất phù hợp, hạn mức kiểm soát rủi ro không quá khắt khe…sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sử dụng vốn của ngân hàng. Tuy nhiên khi nền kinh tế lại phát triển quá nóng, NHNN muốn kiềm chế sự phát triển đó hoặc tình hình các doanh nghiệp hoạt động kém, ngân hàng cần phải nâng cao chất lượng tín dụng… thì chính sách tín dụng sẽ bị thắt chặt hơn, gây khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp.

Thứ hai là quy mô nguồn vốn của ngân hàng: để mở rộng hoạt động cho vay thì các ngân hàng phải có đủ vốn để cung ứng cho việc mở rộng hoạt động của mình. Quy mô nguồn vốn của ngân hàng phụ thuộc vào các yếu tố như: quy mô, tính ổn định của tiền gửi, khả năng vay mượn của ngân hàng, quy mô vốn chủ sở hữu… Quy mô vốn chủ sở hữu là một nhân tố quan trọng quyết định đến quyết định cho vay của ngân hàng. Vì theo khoản 1 Điều 18 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc NHNN: Dư nợ cho vay tối đa đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp đối với những khoản cho vay từ nguồn ủy thác của Chính phủ, của tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp khách hàng là tổ chức tín dụng khác.

Thứ ba là quy trình cho vay. Quy trình cho vay là toàn bộ quá trình từ lúc nhận hồ sơ vay vốn của khách hàng đến lúc hoàn thành công tác thu hồi và xử lí nợ. Quy trình cho vay của các ngân hàng thường được xây dựng chặt chẽ gồm nhiều bước khác nhau với quy định rõ ràng về thủ tục, giấy tờ cần thiết. Mục đích của quy trình cho vay là tạo ra tính nhất quán cho hoạt động cho vay, phòng ngừa rủi ro tín dụng. Quy trình cho vay của NHTM cần gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo an toàn và tạo ra cơ sở chắc chắn để lựa chọn những phương án đầu tư hiệu quả. Nhìn chung khách hàng thường thích quy trình đơn giản, gọn nhẹ để giảm thiểu chi phí, thời gian, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay. Các quy trình rườm rà phức tạp, không cần thiết sẽ làm giảm tính chuyên nghiệp của ngân hàng và không giúp ngân hàng mở rộng được hoạt động cho vay. Ngược lại, quy trình quá lỏng lẻo lại thường dẫn đến sơ hở, không phòng ngừa được các rủi ro gây mất an toàn tín dụng. Do đó, quy trình tín dụng cần gọn nhẹ nhưng vẫn phải đảm bảo được các nguyên tắc phòng ngừa rủi ro.

Thứ tư là trình độ cán bộ nhân viên của ngân hàng, thể hiện ở trình độ nghiệp vụ, khả năng giao tiếp, kiến thức tổng hợp, trách nhiệm với công việc, thái độ phục vụ khách hàng và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng. Cán bộ tín dụng là người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng. Thông qua các cán bộ tín dụng mà khách

hàng có mường tượng về hình ảnh của ngân hàng. Cán bộ tín dụng có trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, quan tâm đến khách hàng sẽ tạo sự tin tưởng, hài lòng cho khách hàng, thông qua đó gián tiếp tạo uy tín cho ngân hàng cũng như sự ưa thích của khách hàng với ngân hàng. Đây là nhân tố quan trọng để thu hút và giữ chân khách hàng. Nếu như ngân hàng chú trọng trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nhân sự thì chắc chắn hoạt động cho vay DNV&N sẽ phát triển hơn nữa. Thứ năm là tính đa dạng của các sản phẩm cho vay. Nếu ngân hàng phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ thuận tiện cho khách hàng DNV&N như đa dạng kì hạn vay vốn, có những hình thức cho vay phù hợp với chu kì kinh doanh, đa dạng các hình thức bảo đảm tiền vay, không nhất thiết phải có tài sản bảo đảm mà có thế dùng các hình thức khác như cho vay dựa trên dự án khả thi… thì chắc chắn các DNV&N sẽ nhận thấy được những lợi ích khi vay vốn ngân hàng và họ sẽ tìm đến. Từ đó, hoạt động cho vay DNV&N sẽ phát triển và đạt hiệu quả tốt hơn. Để có được những sản phẩm cho vay phù hợp với các DNV&N thì các ngân hàng phải quan tâm và tìm hiểu kĩ về đặc điểm của các DNV&N.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng Phát triển hoạt động cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w