Đây được coi là nghiệp vụ quan trọng nhất trong công tác xử lý nợ có vấn đề, bởi kết quả của nó trực tiếp là kết quả xử lý nợ có vấn đề và đem lại hiệu quả cao nhất, thiết thực nhất cho các NHTM nói chung và SHB Hà Nội nói riêng.
Trước hết, SHB Hà Nội cần rà soát lại và thống kê một cách có hệ thống toàn bộ hồ sơ tài sản bảo đảm tiền vay của các khoản nợ có vấn đề (nợ quá hạn, nợ xấu), trong đó việc xem xét tính hợp lệ, hợp pháp trong công tác xử lý nợ đã ký kết là vấn đề quan trọng nhất, qua đó có những hành động bổ sung sửa đổi cần thiết để làm nền tảng cho công tác xử lý nợ tốt nhất và chủ động nhất. Trong đó, cần tập trung xử lý đối với loại hình tài sản bảo đảm là bất động sản, đối tượng có tính chất pháp lý phức tạp nhất, khách hàng vay vốn trung dài hạn là chủ yếu và thường xuyên có những thay đổi trên giấy tờ sở hữu, sử dụng… SHB Hà Nội cần nhanh chóng cập nhật thông tin và yêu cầu khách hàng bổ sung đầy đủ các giấy tờ xin sửa đổi và quyết định sử đổi của khách hàng, tránh việc bị động trong việc xử lý tài sản và việc có ý lừa đảo, trây ỳ của khách hàng. Bên cạnh đó, việc chú trọng đánh giá hiện trạng tài sản bảo đảm của các khoản nợ có vấn đề cũng cần động thời được tiến hành, trên cơ sở đó đánh giá trị giá, khả năng thanh khoản của tài sản, rồi phân loại tài sản theo các loại, mức là cơ sở dữ liệu ngắn gọn tương ứng với các biện pháp
xử lý thích hợp.
Cụ thể đối với các tài sản bảo đảm có tính thanh khoản cao trên thị trường, có đầy đủ các điều kiện về mặt pháp lý: SHB Hà Nội cần lập kế hoạch thu nợ bằng xử lý tài sản và xếp vào biện pháp đầu tiên trong việc xử lý nợ nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc xử lý nợ.
Đối với các tài sản có tính thanh khoản, giấy tờ pháp lý hợp lệ song tính luân chuyển thấp, SHB trong thời gian tới nên áp dụng phương thức mua bán nợ. Đây là nghiệp vụ không mới, song tại SHB Hà Nội chưa được áp dụng nhiều trong thời gian vừa qua. Đối tác mua bán nợ ở đây là các công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng, trung tâm dịch vụ đấu giá…