a). Tiêu chí phản ánh hiệu quả tăng trưởng kinh tế [37]
- Tiêu chí phản ánh mối quan hệ giữa giá trị sản xuất (GO) với giá trị gia tăng (VA)
Tốc độ tăng trưởng GDP nhỏ hơn tốc độ tăng trưởng GO phản ánh nền kinh tế “tăng trưởng nhờ gia công”, khi đó nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào nguồn hàng hóa trung gian nhập khẩu từ bên ngoài. Điều đó, phản ánh nền kinh tế mang tính bị động lớn và luôn có nguy cơ bị tắc nghẽn. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng của GO cao hơn GDP chứng tỏ sự gia tăng ngày càng cao của chi phí trung gian, làm cho tỷ trọng phần chi phí trung gian (IC) trong GO ngày càng cao và kết quả là phần giá trị gia tăng (VA) trong GO giảm đi, như vậy, hiệu quả tăng trưởng sẽ thấp.
- Tiêu chí phản ánh hiệu quả sử dụng lao động (năng suất lao động)
Năng suất lao động xã hội tính bằng GDP theo giá thực tế (hoặc giá so sánh) chia cho tổng số lao động đang làm việc, phản ánh hiệu quả của tăng trưởng ở góc độ sử dụng lao động sống. Khi năng suất lao động thấp và tăng chậm, thì chẳng những hạn chế tăng trưởng GDP, mà còn chứng tỏ giá trị thặng dư tạo ra thấp, ảnh hưởng đến tích lũy, tái đầu tư để mở rộng cũng như nâng cao mức sống.
- Tiêu chí phản ánh hiệu quả sử dụng vốn
Suất đầu tư tăng trưởng (hệ số ICOR) thể hiện mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và đầu tư, tức là hiệu suất sử dụng vốn và thể hiện bằng hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với tốc độ tăng trưởng GDP. Tức là để tạo ra một đơn vị đầu ra tăng trưởng thì phải cần bao nhiêu đơn vị đầu vào của vốn đầu tư. Theo lý thuyết, nếu tỷ lệ này cao chứng tỏ chi phí về vốn cho tăng trưởng cao, hiệu quả sử dụng vốn thấp. Và ngược lại, nếu hệ số này thấp thì chi phí vốn cho tăng trưởng thấp hay hiệu suất sử dụng vốn cao.