Mặc dù đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển làng nghề và các chính sách này đã tạo được sự chuyển đổi mạnh mẽ như: nhiều nghề truyền thống được khôi phục, nghề phi nông nghiệp mới ra đời; số hộ và số cơ sở nghề nông thôn hàng năm tăng bình quân 8,9-9,8%, có trên 1.420 hộ
thu nhập từ làng nghề; thu nhập của người làm nghề gấp 3-4 lần lao động nông nghiệp; cơ cấu lao động có bước chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp, dịch vụ, v.v... tuy nhiên, rất nhiều chính sách chưa phát huy hết tác dụng, chưa đi vào cuộc sống. Doanh nghiệp, hộ nghề và người lao động trong làng nghề chưa biết đến và chưa tiếp cận được nhiều chính sách ưu đãi của chính phủ.
a) Khó khăn chung
Văn bản pháp luật liên quan đến làng nghề cả do Trung ương và địa phương ban hành rất nhiều, tuy nhiên việc triển khai và hướng dẫn còn chậm. Chỉ có 32 tỉnh, thành ban hành các chính sách thực hiện theo Nghị định 66; 40 tỉnh, thành phê duyệt và bố trí kinh phí triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn 2020.
Việc tổ chức phân công trách nhiệm còn nhiều bất cập, chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Ở cấp trung ương Bộ Nông nghiệp được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn (Nghị định số 01/2008/NĐ-CP qui định chức năng, nhiệm vụ của bộ Nông nghiệp), tuy nhiên, ở cấp địa phương có 25/63 tỉnh, thành việc quản lý làng nghề được giao cho ngành công thương, số còn lại giao cho ngành nông nghiệp... Việc chỉ đạo điều hành phát triển ngành nghề nông thôn giao cho Sở NN-PTNT nhưng việc thống kê giá trị, sản lượng của sản xuất ngành nghề nông thôn lại thuộc Sở Công thương nên rất khó phối hợp.
Sự chồng chéo trong phân công trách nhiệm còn thể hiện ở chỗ Sở LĐ, TB& XH được giao phụ trách chương trình Đào tạo nghề theo đề án 1956, Chi cục Phát triển nông thôn cũng được giao tập huấn mô hình phát triển ngành nghề. Sở Công thương thực hiện chương trình Khuyến công trong đó có hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề; chuyển giao công nghệ và xúc tiến
thương mại, sở Nông nghiệp cũng làm xúc tiến thương mại (tổ chức hội chợ). Chính vì tiền đã ít lại rải đều cho nhiều ban ngành nên tác động của các chương trình này rất hạn chế.
Một số quy định tại Nghị định 66 như quản lý chất lượng sản phẩm làng nghề, đào tạo nhân lực làng nghề chưa có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành; Chưa có chính sách phát huy sự tham gia, liên kết giữa cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn với các nhà đầu tư và thị trường.
b) Trong lĩnh vực môi trường
Bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương đã từng bước được kiện toàn. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường chưa chặt chẽ. Do chưa xác định rõ trách nhiệm cuả Bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương trong việc quản lý môi trường làng nghề, dẫn đến tình trạng “ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm khi có sự cố môi trường xảy ra”, ví dụ Trong quản lý chất thải rắn (CTR) công nghiệp, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng đều có chức năng xây dựng, hoạch định chính sách về quản lý CTR công nghiệp, nhưng thực tế chưa rõ Bộ nào quản lý CTR công nghiệp ở các làng nghề.
Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đã được ban hành nhưng chậm được áp dụng, tính khả thi thấp, nhất là đối với các làng nghề. Chưa có hệ thống văn bản pháp luật và chế tài đủ mạnh để xử lý và buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã có những tiến bộ, nhưng việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm, đa số chưa áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật và xã hội hóa về bảo vệ môi trường
đã được quan tâm thực hiện, nhưng nội dung chưa phù hợp với thực tế nên hiệu quả thấp.
Trong một thời gian dài, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều cố gắng kiểm soát, cải thiện ô nhiễm làng nghề: Toàn tỉnh đã có 29 trên tổng số 53 cụm công nghiệp quy hoạch đi vào hoạt động, thu hút hơn 700 hộ gia đình và doanh nghiệp gia công, tái chế phế liệu. Tỉnh đã xây dựng Qui chế Bảo vệ môi trường làng nghề với nhiều giải pháp mạnh như cắt điện, ngừng cấp vốn vay đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh cũng đã hỗ trợ triển khai nhiều dự án xử lý ô nhiễm như dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại làng nghề giấy Phong Khê (công suất 5.000m3 ngày đêm), làng nghề bánh bún Khắc Niệm (công suất 400m3/ngày đêm); xây dựng 6 hệ thống xử lý khí thải lò tái chế kim loại mầu tại 3 làng nghề Văn Môn, Đại Bái, Quảng Bố; hỗ trợ 10 cơ sở sản xuất giấy tái chế tại Phong Khê áp dụng công nghệ xử lý nước thải tuần hoàn, giúp thu hồi bột và tái sử dụng 90% nước thải. Tỉnh cũng sớm thành lập Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, tiến hành quan trắc 39 điểm không khí, 53 điểm nước thải, 20 điểm nước dưới đất và đang khẩn trương triển khai mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh giai đoạn 2010 – 2015, thế nhưng hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường làng nghề tại Bắc Ninh vẫn hết sức hạn chế, tình trạng suy thoái môi trường làng nghề, các cụm công nghiệp đang có chiều hướng gia tăng.
Nguyên nhân chính là nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường của các gia đình, doanh nghiệp tại làng nghề vẫn ở mức thấp. Trong số hơn 200 cơ sở sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê, chỉ có 3 – 4 cơ sở có biện pháp xử lý môi trường sơ bộ. Hiện còn tới 600 doanh nghiệp hoạt động tại các làng nghề không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Hầu hết các cơ sở này không nộp lệ phí xử lý nước thải, nhiều cơ sở không thực hiện quyết định xử lý của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Thậm
chí, một số doanh nghiệp đã đầu tư hoặc được các dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường cũng không vận hành hoặc không vận hành thường xuyên18.
Ví dụ sau thể hiện nỗ lực không được đền đáp của tỉnh Bắc Ninh trong giải quyết ô nhiễm môi trường làng nghề.
Các mô hình xử lý nước thải làng nghề tại Bắc Ninh
Năm 2000, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất giấy Phong Khê bằng công nghệ hồ sinh học, với tổng vốn đầu tư 1.400.000 đồng. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 770.000 đồng đầu tư xây dựng hệ thống cống thoát nước và hồ sinh học. Nhưng đến nay, công trình không hoạt động được do thiếu kinh phí.
Từ năm 1999 đến 2001, Viện Cơ học đã đầu tư mô hình xử lý nước thải tại Xí nghiệp giấy Hiền Hòa công suất 150 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư là 660 triệu đồng bằng công nghệ hóa lý kết hợp lọc sinh học. Mô hình xử lý đã được đầu tư đúng yêu cầu kỹ thuật, nước thải sau khi xử lý đạt Quy chuẩn môi trường Việt Nam đối với nước thải công nghiệp. Tuy nhiên để duy trì hệ thống, Xí nghiệp phải tăng chi phí (tiền lương trả công nhân vận hành, bảo trì thiết bị...), do vậy dễ hiểu là Xí nghiệp đã không muốn vận hành. Đến nay công trình đã hư hỏng và Xí nghiệp đã tự tháo dỡ.
Dự án đầu tư cải thiện môi trường làng nghề sản xuất giấy tái chế thôn Đào Xá, xã Phong Khê do Quỹ hỗ trợ phát triển Cộng hoà Czech và CIDA phối hợp với Viện Khoa học Thuỷ lợi - Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện trong chương trình hợp tác ba bên giữa Việt Nam, Czech và Canada từ năm 2005 nhằm cải thiện môi trường hướng tới phát triển bền vững, có công suất
xử lý 120 m3 nước thải/ngày đêm bằng công nghệ tuyển nổi. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống xử lý không hoạt động do không có kinh phí vận hành.
Năm 2004 Trung tâm Đào tạo, tư vấn và Chuyển giao công nghệ thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam và Sở Tài nguyên & Môi trường Bắc Ninh hỗ trợ chuyển giao công nghệ và xây dựng hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp hóa học, có công suất 10-12 m3/giờ, bảo đảm xử lý nước thải cho 160 hộ sản xuất tại Cụm công nghiệp Đại Bái (rộng 6,2ha) với một bể xử lý nước thải. Nước thải sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn 5945-2005. Tuy nhiên, do kinh phí vận hành cao, không thu được tiền của hộ nghề, tỉnh cũng không có kinh phí dành cho vận hành nên trạm xử lý nước thải chỉ vận hành được 2 lần rồi ngừng, do vậy nước thải trong khu công nghiệp chảy tự do theo rãnh thoát nước rồi đổ ra kênh tưới tiêu thủy lợi.
Giống như Bắc Ninh, Hà Nội cũng đã rất nỗ lực trong việc đầu tư xử lý môi trường làng nghề, thế nhưng những nỗ lực này cũng không đem lại kết quả mong muốn. Nguyên nhân có cả vấn đề thị trường cho sản phẩm của ngành môi trường (nhu cầu về phân vi sinh, phân hữu cơ sản xuất từ chất thải rất thấp), kỹ thuật xử lý ô nhiễm cũng như tính công bằng của việc thực thi Luật bảo vệ môi trường trong làng nghề.
Các mô hình xử lý nước thải, chất thải làng nghề ở Hà Nội
Năm 1995-2001, huyện Hoài Đức đã đầu tư xây dựng công trình sản xuất phân hữu cơ từ bã sắn, đót và xử lý nước thải ở xã Dương Liễu trị giá gần 5 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, công trình đã bàn giao cho Công ty TNHH Mặt Trời Xanh sử dụng nhưng không phát huy được hiệu quả. Công trình được thiết kế xây dựng từ năm 1995, trên diện tích mặt bằng chỉ 5.000m2 nên công suất thiết kế, xử lý nước thải, chất thải nhỏ hơn nhiều so với lượng chất thải hiện nay. Hơn nữa, Công ty TNHH Mặt Trời Xanh cũng không tìm ra được thị trường cho sản phẩm phân bón hữu cơ nên sản xuất bị đình đốn.
Năm 2002, được sự giúp đỡ của Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), xã Minh Khai cũng hoàn thành công trình xử lý nước thải với công suất 120m3/ngày với tổng số tiền đầu tư 100 triệu đồng, nhưng khi đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, công trình đã phải "đắp chiếu" do đặt sai vị trí. Vì nằm sát khu dân cư nên mỗi khi xử lý nước thải, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, bay vào trường học và khu vực liền kề gây bức xúc trong dân.
Bên cạnh những mô hình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề không thành công nêu trên vẫn có những điểm sáng để có thể hy vọng tìm được hướng đi đúng cho bài toán ô nhiễm môi trường làng nghề, đó là mô hình xây dựng và quản lý hệ thống xử lý nước thải ở CCN làng nghề cơ kim khí Phùng Xá, nơi 34 hộ nghề tự góp vốn xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung và tự đóng góp tiền để vận hành theo hình thức xoay vòng, tuy nhiên chỉ cách đó 1 cánh đồng (huyện Phúc Thọ) những hộ cũng làm nghề tương tự và cũng gây ô nhiễm như vậy nhưng lại không phải chi cho xử lý môi trường. Điều này làm cho hộ nghề nơi đây rất bức xúc vì thấy bị thua thiệt trong khả năng cạnh tranh và rất miễn cưỡng khi phải bỏ tiền xử lý môi trường. Đây cũng là lý do vì sao các dự án chuyển giao công nghệ xử lý môi trường thuần túy thường chỉ dừng ở mức độ mô hình mà không nhân rộng được, thậm chí cũng chẳng được tiếp tục thực hiện ở những hộ được chuyển giao/được tham gia thực hiện mô hình.
Trường hợp 1: Trạm xử lý nước thải CCN làng nghề Phùng Xá (Thạch Thất)
Làng nghề cơ kim khí Phùng Xá có khoảng 700 hộ sản xuất kinh doanh sắt thép, trong đó có 34 hộ chuyên mạ cơ kim khí. Đây là khâu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất, do vậy năm 2008 theo yêu cầu của xã, các hộ này đã tự đóng tiền xây dựng trạm xử lý nước thải. Việc vận hành trạm cũng trên cơ sở tự giác và xoay vòng giữa các hộ này. Do khủng hoảng kinh tế,
trong số 34 hộ làm nghề mạ cơ kim khí tới nay chỉ còn 22 hộ đang hoạt động. Hiện nay hệ thống đã xuống cấp, nếu yêu cầu các hộ lại đóng góp để duy tu bảo dưỡng thì rất khó vì trong giai đoạn này lo vận hành đã là cố gắng rồi. Dân làng nghề Phùng Xá sẵn sàng chấp hành chủ trương bảo vệ môi trường của nhà nước nhưng cũng mong các địa phương khác cũng phải chấp hành, nếu không sẽ rất bất công cho Phùng Xá vì phải cạnh tranh không bình đẳng với những hộ không phải chi bảo vệ môi trường. (Trao đổi với ông Trần Sửu,
chủ CSSX kiêm phụ trách kỹ thuật tại trạm xử lý nước thải)
Trường hợp trạm xử lý nước thải CCN làng nghề Phùng Xá cho thấy mặc dù khó khăn nhưng không phải các CSSX ở làng nghề không thể và không muốn chi cho xử lý ô nhiễm. Bản thân các hộ làm nghề cũng ý thức được tác hại của ô nhiễm môi trường và sẵn sàng chi cho việc xử lý môi trường, tuy nhiên việc này sẽ trở nên không thể nếu nơi này làm mà nơi khác không tuân thủ. Ở đây cũng cần nhấn mạnh vai trò của cộng đồng làng nghề Phùng Xá trong việc xây dựng và thực hiện hương ước BVMT. Trường hợp Trạm xử lý nước thải Phùng Xá cũng chỉ ra rằng trong lúc khó khăn nhà nước cũng cần chung tay chia sẻ với CSSX ở làng nghề. Nếu như nhà nước hỗ trợ Phùng Xá một phần kinh phí để duy tu bảo dưỡng hay phục hồi công trình thì tin chắc rằng các CSSX ở Phùng Xá sẽ vẫn có thể tiếp tục vận hành công trình xử lý nước thải.
Từ các ví dụ nêu trên cho thấy vấn đề không chỉ là vì thiếu công nghệ hay công nghệ không phù hợp hay thiếu tiền đầu tư, mà vấn đề còn ở chỗ sự công bằng trong thực thi pháp luật và chế tài đảm bảo sự công bằng đó. Nhiều cơ sở gây ô nhiễm trong làng nghề sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ xử lý môi trường, tuy nhiên họ sẽ không trả phí nếu như những cơ sở khác cũng gây ô nhiễm nhưng lại không phải trả tiền. Để hộ đóng góp tiền đầu tư xử lý môi
trường hoặc trả tiền dịch vụ môi trường cần phải có cơ chế phù hợp và chế tài mạnh mẽ buộc tất cả các cơ sở gây ô nhiễm phải trả tiền.
Bên cạnh những dự án thí điểm chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường trong làng nghề, Chính phủ cũng đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư vào hoạt động bảo vệ môi trường, thể hiện trong Nghị định 04/2009/NĐ-CP, tuy nhiên thực tế cho thấy có nhiều lý do để nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với những ưu đãi mà Chính phủ đưa ra trong các chương trình dự án thuộc lĩnh vực môi trường, đó là:
i) Tiếp cận được những khoản ưu đãi này không dễ vì còn phụ thuộc rất nhiều vào ngân sách nhà nước. Cũng do ngân sách có hạn nên phát sinh nhiều tiêu cực. Đây là miếng lộc thánh mà để lấy được nó thì