PPP trong phát triển thị trường cho sản phẩm làng nghề

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chính sách và giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển làng nghề trên địa bàn hà nội (Trang 59)

Hạn chế lớn nhất của các doanh nghiệp, CSSX kinh doanh trong làng nghề là khả năng tiếp cận vốn, tìm kiếm thị trường, khả năng sáng tạo mẫu mã, công nghệ mới. Sự khó khăn trong tiếp cận vốn khiến quy mô sản xuất của các làng nghề nhỏ và mang tính thời vụ, ăn xổi dẫn đến tình trạng phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, làm cho các làng nghề không thể bứt phá, xây dựng những thương hiệu có uy tín.

Việc không tạo dựng được thương hiệu khiến năng lực tiếp cận các thị trường lớn, thị trường mới rất hạn chế, phần lớn sản phẩm thủ công mỹ nghệ đều phải xuất qua khâu trung gian. Khả năng sáng tạo mẫu mã mới phù hợp với gu thẩm mỹ của các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Đông... lại rất hạn chế nên chỉ thực hiện chức năng gia công thay vì có được những sản phẩm thủ công đúng nghĩa, mang bản sắc văn hóa dân tộc, độc đáo.

Để các làng nghề phát triển, cần có nhiều giải pháp đồng bộ trong đó quan trọng nhất là tự các cơ sở sản xuất ở làng nghề phải biết liên kết với nhau để thành những cơ sở, những doanh nghiệp mạnh ngay trên địa bàn. Từ đó có thể bước ra thị trường và theo sát được nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, Nhà nước với các chính sách, nguồn vốn của mình cần chú trọng đến các doanh nghiệp lớn, đồng thời chăm sóc các doanh nghiệp nhỏ, các cơ sở sản xuất ở làng nghề. Chỉ khi nào Nhà nước quan tâm thích đáng hỗ trợ phát triển thành phần kinh tế tư nhân ở làng nghề thông qua chính sách thông thoáng, nguồn vốn dễ tiếp cận, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo nghề, giúp đỡ giải quyết ô nhiễm môi trường... thì các làng nghề mới phát triển được như mong muốn.

Mô hình các CSSX ở làng nghề liên kết với doanh nghiệp quốc doanh xây dựng và quản lý Chợ gốm sau đó chuyển sang hình thức thuê tài sản trong Trường hợp “Chợ gốm làng cổ Bát Tràng” cho thấy sức mạnh nội lực của làng nghề khi biết cùng nhau liên kết. Đây có thể xem là một hình thức PPP trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho sản phẩm của làng nghề.

Trường hợp 5: Chợ gốm làng cổ Bát Tràng

Chợ gốm làng cổ Bát Tràng được nhân dân làng gốm và công ty cổ phần Gốm sứ Bát Tràng hợp tác xây dựng từ năm 2004. Công ty có đất còn dân đóng góp tiền để xây dựng gần 100 kiot trong khuôn viên trụ sở công ty. Sau khi bàn bạc về diện tích và giá cả dân làng gốm ứng trước 50% để công ty xây dựng chợ. Sau khi hoàn thành xây dựng và bàn giao công trình dân làng thanh toán nốt số tiền còn lại dưới dạng hợp đồng cho thuê kiot trong vòng 5 năm. Tại thời điểm đó số tiền thuê kiot lớn gấp 3-4 lần số tiền đầu tư xây dựng chợ. Theo cam kết trong hợp đồng thời gian đầu công ty phối hợp với bà con chợ gốm lập Ban quản lý chợ và cung cấp điện nước đầy đủ. Sau một thời gian hoạt động không hiệu quả công ty đã giải tán ban quản lý, cắt điện nước và trao lại chợ cho dân tự quản. Bà con trong chợ tự tập hợp lại thành lập Ban quản lý và làm đơn xin cấp lại điện nước với cơ quan chức năng. Tới nay chợ gốm làng cổ Bát Tràng đã trở thành nơi giới thiệu và buôn bán sản phẩm gốm sứ của làng và là điểm đến không thể thiếu của khách du lịch trong và ngoài nước khi tới Hà Nội.

Trường hợp Chợ gốm làng cổ Bát Tràng hàm ý rằng CSSX trong làng nghề có thể hợp tác với nhà nước để đầu tư xây dựng chợ và quản lý khai thác nhằm giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại cho sản phẩm làng nghề. Đây có thể được xem là một dạng PPP trong xúc tiến thương mại cho sản phẩm của làng nghề. Khu vực công trong trường hợp này là doanh nghiệp nhà nước - công ty cổ phần Gốm sứ Bát Tràng và khu vực tư là các cơ sở sản xuất

kinh doanh gốm sứ trong làng nghề Bát Tràng được đại diện bởi HTX sản xuất thương mại và dịch vụ chợ gốm làng cổ Bát Tràng. Tuy nhiên mối quan hệ hợp tác này sớm tan rã và trở thành hình thức cho thuê tài sản, nhưng vẫn đạt được mục đích là nơi giới thiệu và giao thương sản phẩm của làng nghề và là điểm hấp dẫn du khách.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chính sách và giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển làng nghề trên địa bàn hà nội (Trang 59)