Thực trạng triển khai chính sách, giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chính sách và giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển làng nghề trên địa bàn hà nội (Trang 98)

2.3.1. Thực trạng triển khai chính sách, giải pháp thúc đẩy hợp tác côngtư trong phát triển làng nghề tư trong phát triển làng nghề

Như đã phân tích ở trên, trên phạm vi cả nước những dự án có hình thức giống như dự án PPP chủ yếu chỉ có trong lĩnh vực HTCS giao thông, năng lượng, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường. Quyết định 71/2010/QĐ- TTg về thí điểm đầu tư theo cơ chế đối tác công tư được ban hành cách đây

hơn 2 năm và việc thí điểm đầu tư theo cơ chế PPP mới chỉ dừng lại ở khâu chuẩn bị, chưa có dự án nào được thực hiện.

Trong Quyết định 71/2010/QĐ-TTg tiêu chí đầu tiên đặt ra để lựa chọn dự án thí điểm là tiêu chí qui mô dự án, chính vì vậy, trong số các dự án đề xuất có 4 dự án giao thông trong các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, 3 dự án cấp điện, 1 dự án sân bay, 2 dự án bệnh viện, 4 dự án cấp nước, 3 dự án cảng sông, và 3 dự án hạ tầng đô thị khác. Tất cả các dự án này đều rất lớn và không có dự án nào dành cho làng nghề hay liên quan đến làng nghề.

Trong làng nghề ngay cả các dự án HTCS như điện, đường, trường, trạm cũng có qui mô rất nhỏ, mức sống của người dân lại thấp, thu ngân sách của địa phương không đủ bù chi, phải dựa vào cân đối bổ sung từ trung ương nên khả năng thu phí để hoàn vốn những dự án đầu tư ở làng nghề là rất khó. Chính vì vậy cho đến nay chưa có dự án nào theo đúng nghĩa PPP trong làng nghề, cũng chưa có chính sách và giải pháp nào được đưa ra nhằm thúc đẩy PPP trong làng nghề, chỉ có chính sách khuyến khích xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công trong làng nghề. Thực ra đối với làng nghề nếu xã hội hóa được việc cung cấp dịch vụ công theo đúng nghĩa thì cũng gần giống như hợp tác công tư rồi, tuy nhiên trong nhiều trường hợp chính sách này lại biến tướng sang thành xã hội hóa nguồn thu.

Mặc dù không triển khai Quyết định 71/2010/QĐ-TTg trong làng nghề nhưng các địa phương vẫn đang tích cực khuyến khích xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công trong đó một số có thể xem là các dự án PPP trong làng nghề.

Ở hầu hết các tỉnh khảo sát nhiều giải pháp đã được áp dụng để xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực như quản lý môi trường (thu gom rác thải, xử lý nước thải), chuyển giao công nghệ, HTCS (cấp nước, chợ), v.v. trong các làng nghề.

Trong lĩnh vực môi trường, thực tế tiền thu phí vệ sinh của các hộ gia đình không đủ để trang trải chi phí thu gom rác chứ chưa nói đến vận chuyển tới nơi chôn lấp hay xử lý nên ngoài việc thu phí vệ sinh từ các hộ gia đình, chính quyền các cấp đều phải dành một phần ngân sách để chi cho công tác thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Hàng năm huyện Hoài Đức đều cố gắng cân đối ngân sách để dành kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường. Khoản tiền này tăng theo cấp số nhân trong vài năm trở lại đây. Nếu như năm 2006, kinh phí sự nghiệp môi trường của huyện chỉ đạt 30 triệu đồng, thì đến năm 2007 đã tăng lên 700 triệu đồng, năm 2008 là 3,2 tỷ đồng; năm 2009, huyện tiếp tục bố trí 3,2 tỷ đồng, thành phố hỗ trợ 1,5 tỷ đồng và đến năm 2010, kinh phí sự nghiệp môi trường trích từ ngân sách huyện đã đạt trên 4 tỷ đồng.

Các tỉnh ký hợp đồng với DN, HTX thu gom, vận chuyển rác thải trong đó có rác thải ở các làng nghề. Đến nay, theo số liệu điều tra không đầy đủ, cả nước có 173 HTX môi trường. Việc đầu tư xe ô tô để chở rác và thuê người thu gom, vận chuyển là trách nhiệm của khu vực tư. Nhà nước không phải chịu trách nhiệm trả lương, bảo hiểm cho người lao động, cũng không phải đầu tư xe, thùng rác.

Trường hợp 2: Hợp tác xã môi trường Thành Công

HTX Môi trường Thành Công được thành lập năm 2000 với các hoạt động chính là thu gom, vận chuyển, xử lý rác, phế thải. Mỗi ngày HTX thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý khoảng 700 tấn rác trên địa bàn quận Thanh Xuân, 3 xã thuộc huyện Từ Liêm và 3 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất. Đồng thời HTX cũng nhận khoán công tác vệ sinh môi trường ở Trung tâm Hội nghị quốc gia, xung quanh sân vận động thể thao Quốc gia Mỹ Đình, một phần Đại lộ Thăng Long, đường 70, đường 32. HTX đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý rác thải với quy mô 2ha tại

Sơn Tây với quy trình hiện đại, khép kín. HTX tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho 1.500 xã viên là lao động nhàn rỗi của địa phương với mức lương từ 3,5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng. Với hình thức HTX môi trường Nhà nước không phải đầu tư vốn, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động BVMT mà vẫn xã hội hóa được 70% các hạng mục VSMT. HTX cũng thực hiện tốt trách nhiệm xã hội với việc thu nhận hơn 100 thương binh vào làm việc với những ưu đãi đặc biệt.

Trong lĩnh vực HTCS một số giải pháp xã hội hóa đã được áp dụng như giao cho HTX hay tư nhân quản lý và bảo trì những chợ nào có thể có lãi trên cơ sở đấu thầu. Chợ xã Dương Liễu, chợ cổ làng gốm Bát Tràng là những ví dụ về xã hội hóa thành công việc quản lý và bảo dưỡng HTCS chợ phục vụ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm của làng nghề.

Trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ vai trò của nhà nước một mặt là xây dựng mô hình thí điểm và tạo điều kiện để DN, hộ nghề và người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hiện thực hóa và nhân rộng mô hình thí điểm, mặt khác đào tạo và hỗ trợ thành lập các cơ sở chuyển giao công nghệ trong các làng nghề.

2.3.2 Các yếu tố ảnh hưởng đến việc triển khai chính sách, giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển làng nghề

Các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách và giải pháp thúc đẩy PPP trong phát triển làng nghề chính là:

- Khuôn khổ pháp lý và thể chế có thể hỗ trợ cho việc thực hiện các chính sách và giải pháp thúc đẩy PPP của nhà nước. Đó là hệ thống các văn bản pháp luật đồng bộ, ổn định lâu dài với những văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể, rõ ràng.

- Có sự cam kết mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo trong việc đảm bảo đủ nguồn lực cần thiết bao gồm tài lực và nhân lực để thực hiện chính sách.

- Thông tin.

- Điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng làng nghề.

Hiện tại, hệ thống các văn bản pháp luật về PPP chưa đầy đủ, cũng không đồng bộ. Quyết định 71 có thể nói là văn bản pháp lý duy nhất về cơ chế thí điểm PPP nhưng hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Văn bản này cũng chưa ổn định và sẽ là đối tượng điều chỉnh trong thời gian sắp tới.

PPP là lĩnh vực rất mới đối với Việt Nam nên nhận thức và năng lực của đội ngũ cán bộ từ trung ương tới địa phương liên quan đến vấn đề này còn rất hạn chế. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện chính sách và giải pháp thúc đẩy PPP trong làng nghề. Do thiếu hiểu biết nên nhiều người sẽ ngại trách nhiệm và không muốn thay đổi phương thức đầu tư truyền thống.

Chính phủ đã có cam kết khá mạnh về thúc đẩy áp dụng thí điểm PPP trong cung cấp HTCS và dịch vụ công, thể hiện ở việc thành lập Tổ công tác liên ngành về PPP bao gồm 26 thành viên từ các Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Xây dựng, Công thương, Ngân hàng nhà nước Việt Nam và kế hoạch nâng cấp Tổ công tác lên cấp thứ trưởng do một thứ trưởng Bộ KHĐT làm tổ trưởng. Đặc biệt, mới đây, ngày 29/10/2012 Ban Chỉ đạo về đầu tư PPP do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban được thành lập để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, triển khai thực hiện mô hình đầu tư theo hình thức PPP hiện đang cần đẩy mạnh sau 2 năm thực hiện thí điểm.

Khác với cấp trung ương, ở cấp tỉnh, huyện và xã hầu như chưa thấy có động thái nào. Nhiều cán bộ cấp tỉnh thậm chí còn chưa bao giờ nghe nói tới PPP, nói chi đến cán bộ cấp huyện và xã. Điều này cũng dễ hiểu vì thực ra Quyết định 71 được ban hành với mục tiêu thí điểm thu hút đầu tư của tư

nhân vào xây dựng kết cấu hạ tầng qui mô lớn nên hầu như các dự án được đề xuất là ở cấp Bộ và ở cấp tỉnh.

Thông tin là yếu tố quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành ở tất cả các cấp. Việc thực hiện bất cứ chính sách, giải pháp nào nhằm thúc đẩy PPP trong làng nghề đều gắn liền với yếu tố thông tin. Thông qua thông tin các mệnh lệnh thực hiện chính sách được truyền tới người có liên quan một cách rõ ràng. Thông tin không đầy đủ có thể dẫn đến việc người thực hiện hiểu nhầm và không rõ chính xác yêu cầu họ phải làm gì, như thế nào. Kết quả là những hướng dẫn thực hiện nếu không được chuyển tải hay bị chuyển tải sai lệch hay mập mờ, không nhất quán có thể tạo ra trở ngại nghiêm trọng đối với việc thực hiện chính sách.

Khi mệnh lệnh rõ ràng, nhất quán và được chuyển tải chính xác thì việc thiếu nguồn lực sẽ gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Nguồn lực bao gồm nhân lực và vật lực, ví dụ có đủ người được trang bị để thực hiện thông tin phù hợp và đầy đủ về quá trình thực hiện, thẩm quyền đảm bảo rằng chính sách được thực hiện như dự kiến và các phương tiện như đất đai, trang thiết bị, nhà xưởng có thể cần thiết cho việc thực hiện chính sách thành công. Thông tin nhanh hay chậm, chất lượng hay không phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Sự phát triển của phương tiện thông tin giúp cho dân chúng nhanh chóng có thông tin để có thể tham gia bàn luận, đánh giá và lựa chọn những quyết định chính trị đúng đắn; ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều kiện kinh tế, mặt bằng dân trí, ý thức pháp luật, thói quen và lối sống theo pháp luật của cộng đồng dân cư cũng là những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến việc thực hiện chính sách, giải pháp thúc đẩy PPP. Việc qui định nộp phí thu gom rác thải, phí quản lý chợ, v.v. hay qui định người gây ô nhiễm phải trả tiền là đúng nhưng thu bao nhiêu là đủ, thông qua hình thức

nào (thuế hay phí), v.v. phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế, mặt bằng dân trí, văn hóa và ý thức pháp luật của người dân và cộng đồng làng nghề.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chính sách và giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển làng nghề trên địa bàn hà nội (Trang 98)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(147 trang)
w