Về nguyên tắc tất cả các lĩnh vực được xem là thuộc trách nhiệm của khu vực công mà không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng đều có thể áp dụng cơ chế đối tác công tư nếu Chính phủ thực sự muốn tư nhân tham gia cung cấp HTCS và dịch vụ công. Trong phát triển làng nghề những lĩnh vực có thể được xem là thuộc về trách nhiệm của khu vực công bao gồm: i) xây dựng HTCS làng nghề; ii) cấp nước; iii) xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; iv) chuyển giao khoa học công nghệ; v) đào tạo lao động; vi) qui hoạch vùng nguyên liệu; và vii) xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho sản phẩm của làng nghề. Đây đều là những vấn đề khó khăn mà làng nghề gặp phải, tuy nhiên những khó khăn này nhìn từ các quan điểm khác nhau có các mức độ khác nhau, ví dụ dưới lăng kính của cán bộ quản lý nhà nước thì ô nhiễm môi trường là vấn đề bức xúc nhất trong khi đó theo quan điểm của CSSX thì mặt bằng cho sản xuất, thị trường cho sản phẩm, ô nhiễm môi trường và vốn là những khó khăn nổi cộm xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp trong các làng nghề.
Trước mắt khi ngân sách nhà nước không thể đáp ứng tất cả các nhu cầu và khả năng đóng góp của doanh nghiệp và hộ nghề có hạn cần tập trung vào một số lĩnh vực có tính cấp thiết nhưng có thể thu phí như cấp nước, thu gom rác thải, nước thải, xử lý nước thải, chuyển giao công nghệ, mặt bằng sản xuất, chợ. Trong các lĩnh vực này cũng cần lựa chọn các loại hình hợp tác phù hợp để dự án có tính khả thi xét cả về khả năng chi trả của chính quyền địa phương lẫn khả năng đóng góp của người hưởng lợi.