Nhu cầu và các hình thức PPP trong phát triển làng nghề

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chính sách và giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển làng nghề trên địa bàn hà nội (Trang 118)

a) Nhu cầu hợp tác trong đào tạo nghề

Trong đào tạo nghề nhu cầu hợp tác công tư rất cao. Cơ chế thị trường gần đây đã giúp tạo ra rất nhiều cơ sở đào tạo nghề tư thục. Mặc dù chính phủ đã có chính sách khuyến khích các cơ sở ngoài công lập tham gia đào tạo nghề (Nghị định 53 và Nghị định 69) tuy nhiên những ưu đãi đưa ra trong các chính sách này còn rất khiêm tốn, trong nhiều trường hợp còn không tiếp cận được. Những cơ sở này phải tự hạch toán chi phí nên xu hướng là chỉ đào tạo những ngành có nhu cầu cao, và chỉ tập trung ở những nơi có nhiều khách hàng sẵn sàng trả tiền, bỏ lại một khoảng trống lớn là lao động từ khu vực nông thôn, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, những người không có khả năng chi trả để theo học nghề có thể mang lại cho họ nguồn thu nhập cao và ổn định.

Để giải quyết vấn đề công bằng xã hội nhà nước rất cần thu hút những cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập này vào dạy nghề cho những đối tượng yếu thế trong xã hội vì một mình hệ thống các trường công lập không kham nổi nhiệm vụ này. Ngoài ra, nhà nước cũng cần các cơ sở dạy nghề đào tạo cả những ngành mà xã hội có ít nhu cầu nhưng lại cũng rất cần thiết. Về phần mình DN cũng rất cần hợp tác với nhà nước để có thể mở rộng đối tượng đào tạo để khai thác hết tiềm năng của mình.

Bên cạnh việc hợp tác với các cơ sở dạy nghề nhà nước cũng rất cần hợp tác với DN để thực hiện đào tạo nghề có địa chỉ, đảm bảo cho người học

sau khi học xong sẽ có việc làm ổn định, góp phần tăng hiệu quả của các Chương trình hỗ trợ đào tạo nghề.

b) Nhu cầu hợp tác trong giải quyết vấn đề môi trường

Vấn đề ô nhiễm môi trường trong các làng nghề ngày càng nghiêm trọng nhưng một mình nhà nước không thể kham nổi, vì vậy Chính phủ đã ban hành một loạt các văn bản pháp luật thể hiện rõ quyết tâm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề như Luật bảo vệ môi trường, chương trình MTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Chính phủ một mặt đưa ra cơ chế khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ môi trường, mặt khác qui định các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, v.v..

Tương tự, một mình các CSSX và DN trong làng nghề cũng không có đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do sản xuất trong làng nghề có qui mô nhỏ, chủ yếu là tận dụng. Đây cũng là lĩnh vực không hấp dẫn tư nhân đầu tư vì không có khả năng thu hồi vốn. Đó là lý do phải hợp tác công tư để giải quyết vấn đề môi trường đang là nỗi nhức nhối trong các làng nghề.

Nhu cầu hợp tác công tư trong giải quyết vấn đề môi trường ở làng nghề rất cao còn bởi vì sản xuất trong các làng nghề, đặc biệt là làng nghề tái chế kim loại, giấy, chế biến nông sản thực phẩm chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu, cũ kỹ, chắp vá, với mức tiêu hao nguyên liệu/nhiên liệu cao và không thân thiện với môi trường. Để giải quyết vấn đề môi trường, một trong những biện pháp hữu hiệu là thay thế công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường bằng công nghệ cải tiến thân thiện với môi trường thế nhưng các CSSX trong làng nghề chủ yếu có qui mô nhỏ, tận dụng mặt bằng và lao động gia đình, kinh doanh theo kiểu lấy công làm lãi, vốn không nhiều nên khả năng tự đầu tư đổi mới công nghệ rất hạn chế. Nếu nhà nước không hỗ trợ thì nhiều cơ sở sẽ vẫn chỉ sản xuất theo kiểu tận dụng. CSSX trong các làng nghề này rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước để có thể đổi

mới công nghệ, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu và qua đó giảm giá thành đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trường hợp chuyển đổi từ lò than sang lò điện trong sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng và trường hợp chuyển đổi từ lò than sang lò điện trong sản xuất dây thép mạ kẽm ở Phùng Xá là những ví dụ minh họa rất sống động về tầm quan trọng của hợp tác công tư trong chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường. Một bên có sự hợp tác thì sức lan tỏa rất mạnh và chỉ sau một thời gian ngắn bộ mặt của làng nghề thay đổi hoàn toàn: kinh tế phát triển, ô nhiễm môi trường giảm hẳn, làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Bên kia không có sự hợp tác thì hộ nghề tự mày mò chuyển đổi và dẫu cho trong làng nhiều hộ khác cũng rất mong muốn được hưởng lợi ích như hộ đã đổi mới công nghệ trong làng họ nhưng họ cũng vẫn ngần ngại phần vì tiếc của khi phải bỏ đi những máy móc vẫn còn dùng được nhưng phần quan trọng hơn là vì có muốn cũng không có vốn mà chuyển đổi.

Các doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng rất cần có sự hỗ trợ của nhà nước để có thể nghiên cứu ứng dụng và cải tiến công nghệ giúp cho doanh nghiệp SXKD hiệu quả hơn đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chính sách và giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển làng nghề trên địa bàn hà nội (Trang 118)