a) Xây dựng thể chế hỗ trợ
Để có thể thúc đẩy PPP trong làng nghề, ngoài các thể chế hỗ trợ ở cấp trung ương như Ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tổ công tác liên ngành, văn phòng PPP tại Bộ Kế hoạch đầu tư, tùy thuộc qui mô dự án UBND cấp tỉnh, Thành phố phải thành lập một tổ công tác liên ngành để giúp UBND tỉnh, Thành phố trong suốt quá trình chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, quản lý và thực hiện dự án. UBND tỉnh, Thành phố cũng có thể ủy quyền cho một đơn vị trong tỉnh thực hiện dự án. Thành phần của tổ công tác liên ngành gồm đại diện Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và một số chuyên gia pháp luật, kỹ thuật, tài chính độc lập (nếu cần). Tổ công tác liên ngành có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị, tổ chức liên quan đến việc chuẩn bị, quản lý và thực hiện Dự án; Tham gia thẩm định các nội dung thuộc thẩm quyền; Tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị, quản lý và thực hiện Dự án;
Trong quá trình đấu thầu tỉnh cũng có thể thành lập tổ chuyên gia đấu thầu và đàm phán hợp đồng nhằm hỗ trợ Tổ công tác liên ngành trong các hoạt động lựa chọn Nhà đầu tư. Tỉnh/Thành phố cũng có thể thành lập Đơn vị quản lý thực hiện Dự án, thuê tư vấn khi cần để triển khai thực hiện một số nhiệm vụ có liên quan trong quá trình thực hiện Dự án.
Điều không kém phần quan trọng là tỉnh, thành phố phải xây dựng quĩ Hỗ trợ chuẩn bị dự án và có các qui chế huy động và sử dụng nguồn quĩ này một cách hiệu quả để hỗ trợ thực hiện các dự án PPP.
b) Tiêu chuẩn hóa quá trình xác định, mua sắm, giám sát dự án và quản lý hợp đồng.
Xây dựng hệ thống tiêu chí, qui trình và tổ chức đánh giá, kiểm soát chất lượng sản phẩm dịch vụ công. Thiết lập chế tài hợp lý đối với doanh
nghiệp cung ứng và cá nhân sử dụng khi họ vi phạm các qui định về cung ứng và sử dụng dịch vụ công.
c) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động dịch vụ công.
Sử dụng các cơ chế, qui chế để điều tiết, kiểm soát các doanh nghiệp và tổ chức trong cung cấp dịch vụ công theo yêu cầu. Bên cạnh vai trò kiểm tra giám sát hoạt động dịch vụ công của các cán bộ chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã, cũng cần phát huy vai trò của người dân, tổ chức xã hội, hội người tiêu dùng trong việc giám sát, đánh giá chất lượng và hiệu quả dịch vụ công. Để làm được việc này nhà nước cần phải tạo điều kiện cho người dân có thể tham gia giám sát bằng cách đưa ra qui định về giám sát cộng đồng, tạo ra kênh thu nhận ý kiến đóng góp cũng như phản hồi lại với ý kiến của người dân.
Chính quyền các cấp cũng cần phổ biến thông tin về các thực tiễn PPP tốt để các địa phương học tập kinh nghiệm và áp dụng trong thực tế.
Thực hiện cơ chế nhà nước đặt hàng cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia thực hiện dịch vụ công ích thông qua đấu thầu để lựa chọn nhà cung ứng có khả năng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích với chất lượng và giá thành hoặc mức hỗ trợ thấp nhất.
Nhà nước cần duy trì sự tham gia của mình trong vai trò hoặc là một đối tác hay bên điều phối. Điều này đặc biệt đúng khi trách nhiệm giải trình là quan trọng, vấn đề chuyển giá, thời hạn dài, hay lựa chọn qui chuẩn về xã hội quan trọng hơn chi phí. Khu vực công cần tiếp tục đặt ra qui chuẩn và giám sát an toàn sản phẩm, hiệu quả và chất lượng, và tạo ra hệ thống mà ở đó người dân có thể tiếp cận đầy đủ sản phẩm và dịch vụ họ cần.
Cuối cùng cần có sự hỗ trợ chính trị từ tầm cao và quản trị tốt, đảm bảo rằng chính phủ sẽ thực hiện các cam kết của mình dưới hình thức PPP. Hợp đồng ký kết giữa chính quyền và nhà đầu tư cần rõ ràng, minh bạch để chính quyền đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và là cơ sở cho chính quyền tận dụng hiệu quả nhất tính năng động và cạnh tranh của khu vực tư nhân, góp phần tiết kiệm các chi phí về cơ sở hạ tầng của toàn xã hội.