Trong thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của làng nghề trong phát triển kinh tế - xã hội của nông thôn, Chính phủ đã đưa ra một số chính sách dành riêng cho làng nghề nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phát triển làng nghề. Các chính sách này được thể chế hóa trong các nghị định và quyết định sau:
- Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
- Quyết định 2636/2011/QĐ-BNN-CB: Phê duyệt Chương trình bảo tồn & phát triển làng nghề;
- Quyết định 1206/2012-TTg: Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012 - 2015 trong đó dự án 1 nhằm mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng;
Bên cạnh các Nghị định và Quyết định này các Bộ, ban, ngành và địa phương cũng đã ban hành rất nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện. Danh mục các văn bản hướng dẫn thực hiện các nghị định và quyết định này nêu trong Phụ lục .
a) Chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn
Các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn thời gian qua thể hiện trong Nghị định số 66/2006/NĐ-CP (trước đó là Quyết định 132/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) và tập trung vào một số nội dung cụ thể như bảo tồn và phát triển làng nghề, khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn, xử lý môi trường và đưa ra một số ưu đãi về mặt nguyên tắc cho các cơ sở ngành nghề nông thôn như đầu tư, tín dụng, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP Nhà nước có Chương trình và dành kinh phí từ ngân sách hỗ trợ chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề. Ngoài ra Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, có cơ chế hỗ trợ các dự án bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn. Để khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng làng nghề và ngoài hàng rào các cụm cơ sở ngành nghề nông thôn. Các cơ sở ngành nghề nông thôn có dự án đầu tư có hiệu quả được tạo điều kiện thuận lợi về giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất tại các cụm cơ sở ngành nghề nông thôn; Các cơ sở ngành nghề nông thôn di dời ra khỏi khu dân cư đến địa điểm quy hoạch được ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất và hỗ trợ kinh phí để di dời.
b) Chương trình bảo tồn & phát triển làng nghề
Chương trình được phê duyệt trong Quyết định 2636/2011/QĐ-BNN- CB đưa ra mục tiêu đến 2015 thu nhập phi nông nghiệp tăng từ 2-4 lần so với sản xuất thuần nông; kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15-17%; giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề; bảo tồn 30-40 làng nghề truyền thống; phát triển 50-70 làng nghề mới và làng nghề gắn với du lịch.
Nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề đã được xây dựng trong đó có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề và đất đai. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề; ưu tiên các làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các tuyến điểm phát triển làng nghề gắn với du lịch, thực hiện chính sách ưu đãi trong thuế đất, chuyển nhượng, thế chấp, quyền về sử dụng đất; giá thuê đất ở mức thấp nhất và miễn tiền thuê đất cho các cơ sở ngành nghề nông thôn; đặc biệt là nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc và các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống cần phải bảo tồn.
Gắn với giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ bảo tồn và phát triển làng nghề, theo Quyết định nói trên, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân, chuyên gia nước ngoài truyền tay nghề, kinh nghiệm, bí quyết sản xuất các nghề thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về việc làm.
Các dự án đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển làng nghề được hưởng các ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể là được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế có liên quan khác theo quy định để đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực bảo tồn, phát triển làng nghề ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và khôi phục, bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống.
Nguồn vốn thực hiện chủ yếu được lồng ghép từ các chương trình, dự án như Chương trình giảm nghèo, Chương trình 135, Chương trình nước sạch nông thôn, Chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao KHCN phục vụ phát triển KTXH nông thôn miền núi giai đoạn 2011-2015 tại quyết định số 1831/2010/QĐ-TTg, Đề án đào tạo nghề 1956. Các ưu đãi về tín dụng thực hiện theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển làng nghề được hưởng ưu đãi đầu tư theo qui định tại Nghị định 61/2010/NĐ-CP.
c) Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường
Chương trình được phê duyệt trong Quyết định số 1206/2012/QĐ-TTg đặt ra mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 47 làng nghề đang bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng thông qua việc điều tra, đánh giá, xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm, xây dựng phương án xử lý và cải thiện môi trường, cụ thể: Đối với các làng nghề phải xử lý theo hướng vẫn duy trì hoạt động sẽ xem xét, hỗ trợ xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải tập trung, hỗ trợ một phần cho việc xử lý chất thải từ các hộ, cơ sở SX; Đối với các làng nghề có những công đoạn sản xuất cần phải di dời vào khu sản xuất tập trung, sẽ hoàn thiện quy hoạch, xem xét hỗ trợ xây dựng HTCS bảo vệ môi trường tại khu SX tập trung và di dời các hộ/CSSX ra khỏi làng; hỗ trợ chuyển đổi sang ngành nghề không gây ô nhiễm; xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường sau khi di dời… Kinh phí thực hiện 2,420 tỷ đồng trong đó ngân sách trung ương 1,420 tỷ, ngân sách địa phương 700 tỷ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân 300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 2012-2015.