THỰC TRẠNG HỢP TÁC CÔNG TƯ TRONG PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ Ở HÀ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chính sách và giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển làng nghề trên địa bàn hà nội (Trang 49)

dù không phải là trọng tâm nghiên cứu của Luận văn, nhưng để có cái nhìn toàn diện về các chính sách và giải pháp khuyến khích PPP trong phát triển làng nghề ở nước ta nói chung và ở Hà Nội nói riêng, chương này cũng sẽ điểm qua các chính sách phát triển làng nghề hiện hữu, có liên hệ với việc vận dụng các chính sách đó ở các địa bàn được khảo sát.

3.1 THỰC TRẠNG HỢP TÁC CÔNG TƯ TRONG PHÁT TRIỂNLÀNG NGHỀ Ở HÀ NỘI LÀNG NGHỀ Ở HÀ NỘI

Trong phát triển làng nghề ở Hà Nội tới nay hầu như chưa có dự án nào được đầu tư theo cơ chế PPP. Nhà nước có nhiều chính sách và chương trình, dự án hỗ trợ phát triển làng nghề, tuy nhiên các chương trình, dự án này chủ

yếu sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ một lần cho các doanh nghiệp và các hộ nghề và chỉ mang tính chất mô hình trình diễn, sau khi dự án kết thúc hầu hết khó nhân rộng, thậm chí không được tiếp tục áp dụng hay vận hành ở ngay tại nơi nó được trình diễn. Trong các DA này các DN, CSSX tham gia cũng phải đóng góp hoặc bằng tiền, hoặc bằng công hoặc bằng hiện vật nhưng họ không có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ công khi nhận được hỗ trợ của các chương trình, DA này mà chỉ đơn thuần tham gia với tư cách là người hưởng lợi.

Mặc dù vậy, cũng có những dự án, chương trình có sức lan tỏa như dự án chuyển đổi công nghệ từ lò than sang lò gas trong sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng, hay dự án “Chương trình Khí sinh học cho Ngành Chăn nuôi Việt Nam”, v.v. Những dự án này mặc dù không có sự ràng buộc giữa nhà nước với khu vực tư thông qua cơ chế hợp đồng nhưng đã có những yếu tố của một dự án PPP, đó là có cả chính phủ và tổ chức phi chính phủ tham gia cung cấp dịch vụ công. Ngoài ra, không chờ hỗ trợ của chính phủ, một số CSSX trong làng nghề cũng đã tự mình đầu tư để cung cấp dịch vụ mà lẽ ra thuộc trách nhiệm của nhà nước như thu gom rác thải, xử lý nước thải, cấp nước, hay xúc tiến thương mại cho sản phẩm làng nghề.

3.1.1 PPP trong bảo vệ môi trường làng nghề

Tình trạng ô nhiễm ở nhiều làng nghề đang ngày càng nghiêm trọng với đủ loại: ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, khói bụi, tiếng ồn. Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất mang tính tự phát, quy mô sản xuất nhỏ, sử dụng công nghệ thủ công lạc hậu, chắp vá, mặt bằng sản xuất chật chội, các hộ trong làng nghề đều tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, ý thức của người dân làng nghề còn kém, chưa hiểu rõ mức độ nguy hiểm ô nhiễm môi trường do chính họ gây ra nên việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải, chất thải và nước thải không được quan tâm. Các chất thải rắn phát sinh trong quá trình sản xuất thường được đổ tùy tiện mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó lại

thiếu một cơ chế quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng của nhà nước, chưa có những chế tài đủ mạnh đối với những hộ gây ô nhiễm môi trường và cũng chưa kiên quyết loại bỏ những làng nghề gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng môi trường làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng rất nhiều mô hình xử lý môi trường đã được triển khai ở các làng nghề. Bên cạnh các mô hình thí điểm hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề ở cấp hộ, rất nhiều mô hình xử lý nước thải ở mức độ tập trung hơn, ví dụ mô hình xử lý nước thải tại làng nghề chế biến nông sản xã Dương Liễu, xã Minh Khai của Hà Nội.

Trong lĩnh vực môi trường làng nghề, mô hình tổ tự quản, HTX thu gom rác cũng có thể được xem là một hình thức thu hút đầu tư tư nhân khá thành công:

Đội vệ sinh xã Dương Liễu gồm 12 người do Phụ nữ tự quản làm nhiệm vụ thu gom rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình và khơi thông cống rãnh chống ách tắc trong mùa vụ. Mỗi năm xã khoán cho đội vệ sinh 350 triệu đồng. Khoản tiền này được trích từ nguồn thu phí rác thải sinh hoạt với mức 20 ngàn đồng/khẩu/năm cộng thêm hỗ trợ của HTX Nông nghiệp 50 triệu đồng/năm. Ngoài ra ngân sách xã mỗi năm chi thêm 100 triệu đồng. Mức phí môi trường áp dụng đối với hộ nghề từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng/hộ/năm. Một tuần 2 lần rác được thu gom từ các xóm tới điểm tập kết, khi đủ 2-3 xe thì gọi HTX Thành Công đến lấy.

Về phần mình, huyện Hoài Đức ký hợp đồng với HTX Thành Công chở rác của cả huyện tới chỗ chôn lấp theo qui định của thành phố. Kinh phí do huyện trả, xã cứ báo lên khối lượng rác thải, phòng TNMT chịu trách nhiệm điều phối. Huyện cũng dành kinh phí để cung cấp xe gom rác đẩy tay cho các xã. Tại mỗi xã rác được tập kết đến một điểm nhất định. Khi gom được khoảng 2-3 xe xã gọi HTX Thành Công đến chở. Mỗi năm huyện phải

trả cho HTX Thành Công khoảng 8-9 tỷ đồng tiền vận chuyển rác. Đây có thể được xem là mô hình hợp đồng PPP cung cấp dịch vụ hiệu quả mà cơ quan nhà nước không phải đầu tư xe vận chuyển rác tới nơi chôn lấp hoặc xử lý cũng như không phải quản lý và trả lương cho nhân viên vận chuyển rác.

Trong chuyển giao công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đã có một số dự án khá thành công, ví dụ dự án chuyển đổi công nghệ từ lò than sang lò gas trong sản xuất gốm sứ ở làng nghề Bát Tràng, hay dự án khí sinh học do chính phủ Hà Lan và một số tổ chức quốc tế tài trợ. Các dự án này có thể được xem là dự án PPP ở chỗ cả hai dự án này đều huy động được tư nhân và các tổ chức phi chính phủ tham gia cung cấp dịch vụ công, đó là chuyển giao công nghệ cải tiến thân thiện môi trường trong các làng nghề (trường hợp lò gas trong sản xuất gốm sứ) và công nghệ biogas (trường hợp dự án khí sinh học). Cả hai dự án này đều đào tạo được đội ngũ thợ, hỗ trợ thành lập một số doanh nghiệp ở các địa phương và huy động họ cung cấp dịch vụ chuyển giao công nghệ lò gas và xây hầm biogas. Vai trò của nhà nước trong các dự án này thể hiện ở cam kết cho vay vốn ưu đãi để DN, CSSX hay hộ dân có thể đầu tư công nghệ mang lại lợi ích cho chính mình và cộng đồng.

Trường hợp 3: Chuyển đổi từ lò than sang lò gas cải tiến ở Bát Tràng

Trước đây, mỗi ngày làng nghề Bát Tràng tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn... Để giải quyết bài toán phát triển bền vững, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu triển khai dự án "Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam". Dự án đã giúp các DN chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại. Công nghệ lò gas cải tiến đã giúp giảm tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm tới 30%, tăng tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn chất lượng lên 95-98% so với 60-70% trước kia và hạn chế ô

nhiễm môi trường. Trong dự án này nhà nước xây dựng mô hình trình diễn, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ cho các DN, CSSX gốm sứ được vay vốn để chuyển đổi công nghệ, tư nhân được tạo điều kiện về quĩ đất để lắp đặt hệ thống gas cung cấp cho các hộ sản xuất gốm sứ. Dự án cũng giúp cho một số công ty tư nhân nâng cao năng lực để có thể thiết kế, chế tạo, lắp đặt và chuyển giao công nghệ lò gas nung gốm cải tiến. DA có sức lan tỏa rất lớn. Đến nay, Bát Tràng đã có trên 400 hộ sử dụng lò nung gốm bằng gas. Doanh thu của xã Bát Tràng hiện đạt 400 tỷ đồng/năm, bình quân 22 triệu đồng/người, lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ.

Dự án chuyển đổi từ lò than sang lò gas cải tiến trong sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng là một trong số ít ví dụ về mô hình PPP thành công trong chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở làng nghề. Trong DA này, nhà nước ngoài việc xây dựng mô hình, tuyên truyền vận động các CSSX trong làng nghề chuyển đổi công nghệ còn tích cực hỗ trợ kỹ thuật để giúp một DN địa phương xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên có thể chuyển giao công nghệ đồng thời hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các DN, các CSSX trong làng nghề chuyển đổi công nghệ nên dự án có sức lan tỏa lớn và cả cộng đồng làng nghề được hưởng lợi.

Khác với trường hợp chuyển đổi công nghệ ở Bát Tràng, ở Phùng Xá (Thạch Thất) chỉ có 1 hộ tâm đắc với nghề tự mày mò học hỏi và “ăn cắp” công nghệ. Hộ này cũng đã và đang chuyển giao công nghệ cho một số nơi khác nhưng vì phải tự lực nên sức lan tỏa của mô hình còn hạn chế. Trường hợp chuyển đổi lò than sang lò điện trong sản xuất dây thép mạ kẽm ở Phùng Xá cho thấy nếu muốn mọi người cùng chuyển đổi nhà nước phải hỗ trợ giống như đã từng hỗ trợ các CSSX ở làng nghề Bát Tràng chuyển đổi từ lò than sang lò gas cải tiến và ngành công thương phải lắp đặt hệ thống điện hạ thế đủ khỏe để phục vụ SX công nghiệp. Đây là cách làm khôn ngoan, ít tốn

kém và hiệu quả vì nhà nước sẽ chỉ phải chi tiền hỗ trợ lãi suất mà lại đạt hai mục đích đó là giải được bài toán môi trường và tăng hiệu quả kinh tế cho làng nghề.

Trường hợp 4: Chuyển đổi từ lò than sang lò điện trong sản xuất dây thép mạ kẽm ở Phùng Xá

Tại làng nghề Phùng Xá (Thạch Thất) cách đây 3 năm xưởng sản xuất dây thép mạ kẽm Trần Sửu đã chuyển đổi từ lò than sang lò điện, làm giá thành giảm được một nửa. Nếu đốt than như trước kia chi phí cho 1 kg thép là khoảng 500-550đ/kg còn dùng lò điện chỉ mất 250đ/kg (ủ mềm dây thép). Mức tiêu thụ điện năng của 1 lò điện loại 02 tấn là 55 - 60kw/h chạy trong vòng 7 giờ. Gia nhiệt tới 780oC rồi lò tự tắt (sử dụng maiso để gia nhiệt).

Xét về môi trường thì lò điện hơn hẳn lò than vì không bụi khói hơi than, độ nóng và tiếng ồn. Lò này chỉ dùng cho sản xuất dây thép bởi đặc trưng của nghề này là phải nung cho dây thép mềm để dễ chế tác sang công đoạn khác. Công nghệ của đại học Bách khoa, dân làng nghề học lỏm nhau rồi về tự chế tác, nhưng tính năng không thua kém.

Vận hành lò điện đơn giản hơn lò than nhiều vì không phải thao tác đưa than vào lò và phân bố nhiệt, do vậy không cần thợ lành nghề; không cần người trông nom khi lò đang chạy bởi hệ thống sẽ tự ngắt khi đủ nhiệt lượng yêu cầu; không có tiếng ồn hay khói, bụi. Vận hành lò than phải có một thợ cả nhiều kinh nghiệm, có sức khỏe tốt để đưa đẩy than và thao tác nhanh thì mới chịu nổi sức nóng của lò, lại phải chăm lo khi lò đang chạy vì nếu lơ là sẽ bị sống hoặc cháy (tức là chỗ thì quá nhiệt hay thiếu nhiệt). Bễ thổi gió vào lò có tốc độ quay là 2800 vòng/phút gây nên tiếng rít khá lớn. Lò điện có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác, có thể mang từ Nam ra Bắc được nhưng lò than thì không.

Lò điện không tốn nhiều diện tích, mỗi lò chỉ cần 04m2 trong khi lò than cần đến 12m2. Nguồn điện tại Phùng Xá tạm thời là đủ vì phần lớn bà con chạy lò vào giờ thấp điểm từ 22h đêm đến 04h sáng. Giá điện vào giờ thấp điểm chỉ có dưới 900đ/kwh.

Giá thành của một lò điện có công suất là 02 tấn cũng phải 160 triệu. Trong khi xây 1 lò than có công suất gấp đôi là 04 tấn chỉ hết 130 triệu nên khi đang ổn định lò than mà sang lò điện biết là rẻ hơn về chi phí sản xuất, nhưng bà con còn dè dặt.

Bài học rút ra từ các trường hợp nghiên cứu điển hình nêu trên là:

 Trong lĩnh vực môi trường khâu thu gom rác thải sinh hoạt trong làng nghề hoàn toàn có thể áp dụng cơ chế PPP trong đó nhà nước chỉ phải hỗ trợ một phần kinh phí, phần còn lại được bù đắp từ thu phí người sử dụng. Đối tác tư nhân phù hợp nhất trong lĩnh vực này là các HTX môi trường vì có cơ cấu bộ máy quản lý gọn nhẹ, sử dụng nhân công giá rẻ là người địa phương đồng thời là xã viên HTX, gồm cả thương binh, phụ nữ, người yếu thế trong cộng đồng.

 Để cho việc chuyển giao các công nghệ thân thiện môi trường trong các làng nghề thành công cần phải phát triển và/hoặc lựa chọn áp dụng các công nghệ vừa có thể giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhưng quan trọng hơn cả là công nghệ đó phải góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm giá thành như trong trường hợp chuyển đổi từ lò than sang lò gaz ở Bát Tràng, nếu không thì dù cho nhà nước có hỗ trợ toàn bộ chi phí để xây dựng mô hình trình diễn như trong các trường hợp xử lý nước thải ở làng nghề giấy Phong Khê, làng nghề đúc đồng Đại Bái, làng nghề chế biến nông sản Dương Liễu; hút bụi gỗ và sơn ở làng nghề gỗ Đồng Kỵ, thì các mô hình này chẳng bao lâu sau cũng sẽ chết yểu.

 Để có thể nhân rộng các mô hình chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường nhà nước cũng cần hỗ trợ cho các CSSX trong làng nghề vay vốn, nếu không thì dù có biết là công nghệ mới tốt hơn cũng rất ít người dám mạnh dạn vứt bỏ công nghệ cũ.

 Nhà nước cũng cần hỗ trợ các CSSX đầu tư, vận hành, duy tu bảo dưỡng các hệ thống xử lý môi trường trong làng nghề vì các phần đông các CSSX trong làng nghề còn nhỏ và chưa đủ sức để tự trang trải toàn bộ phí bảo vệ môi trường.

 Chế tài bảo vệ môi trường phải được thực thi nghiêm túc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tính công bằng đối với những người tuân thủ pháp luật.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu chính sách và giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển làng nghề trên địa bàn hà nội (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(147 trang)
w