Trong đào tạo nghề trong thời gian qua đã có thêm rất nhiều cơ sở dạy nghề tư nhân được thành lập. Các cơ sở này rất nhanh nhạy trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng, do vậy các cơ sở này chỉ tập trung vào đào tạo những nghề có nhu cầu cao và để ngỏ nhiều lĩnh vực mà làng nghề cần, ví dụ trong làng nghề gốm sứ Bát Tràng có 1 cơ sở dạy vẽ nhưng các kỹ năng khác thì người lao động phải tự học từ các đồng nghiệp hay gia chủ. Các lớp truyền nghề, cấy nghề theo Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề chủ yếu cấy các nghề thủ công mỹ nghệ không đòi hỏi nhiều kỹ năng như mây tre đan, giỏ lục bình, ghế nhựa giả mây, v.v.
Khắc phục tình trạng này, Đề án 1956 đã phối hợp với các DN và Hiệp hội làng nghề Việt Nam tổ chức khá nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động trong làng nghề và đem lại một số kết quả tốt nhưng việc này chỉ dừng lại ở dự án thí điểm chứ chưa trở thành chính sách. Các cơ quan quản lý đề án 1956 vẫn thích được tự mình thực hiện dự án chứ chưa muốn giao cho các cơ sở ngoài công lập thực hiện cung cấp dịch vụ đào tạo nghề cho lao động nông
thôn. Để các cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập có thể phát huy thế mạnh của mình trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và lao động trong làng nghề nói riêng cần thể chế hóa việc đặt hàng cung cấp dịch vụ công theo đó tất cả các đơn vị, không phân biệt công lập hay ngoài công lập đều có quyền như nhau trong việc tham gia đặt hàng cung cấp dịch vụ công theo các chương trình, dự án phát triển của nhà nước.
3.1.3. PPP trong phát triển hạ tầng và qui hoạch không gian làng nghề
Tới nay trong phát triển hạ tầng làng nghề ở Hà Nội hầu như chưa có dự án nào thực hiện theo hình thức PPP. Đường liên xã được xây dựng bằng tiền từ ngân sách nhà nước với sự đóng góp bằng lao động và/hoặc tiền/hiện vật của người dân nơi có đường đi qua. Tương tự, đường liên thôn được ngân sách hỗ trợ một phần, phần còn lại do dân đóng góp. Tư nhân nếu có tham gia xây dựng đường thì chỉ tham gia với vai trò là nhà thầu xây dựng.
Các trạm hạ thế và hệ thống đường dây điện trong các làng nghề trước đây ở nhiều nơi do HTX đầu tư và quản lý, tuy nhiên, gần đây theo qui định toàn bộ hệ thống điện trước đây do HTX quản lý đã được chuyển trả lại cho ngành điện quản lý.
Các hệ thống cấp nước sinh hoạt và nước cho SXKD cũng chủ yếu được xây dựng bằng tiền ngân sách theo mức hỗ trợ được qui định trong thông tư liên tịch số 80/2007/TTLT-BTC-BNN hướng dẫn thực hiện Quyết định số 227/2006/QĐ-TTg và gần đây là Quyết định 366/2012/QĐ-TTg. Sau khi xây dựng xong hệ thống sẽ được quản lý, vận hành bởi các doanh nghiệp công ích.
Theo quy hoạch, trên toàn thành phố Hà Nội có 176 CCN làng nghề với tổng diện tích 1.295 ha. Đến nay, Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng 56 cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 518 ha. Hầu hết các CCN này đều do quận, huyện hoặc xã làm chủ đầu tư, kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ
thuật và dịch vụ là tiền thu từ đấu giá đất và ngân sách nhà nước cấp, rất hiếm trường hợp công ty tư nhân tham gia đầu tư vào CCN làng nghề để cung cấp mặt bằng và dịch vụ cho DN và hộ nghề. Việc thu hút tư nhân tham gia đầu tư vào các CCN làng nghề khó khăn do rất ít cơ sở SXKD trong làng nghề có khả năng trả tiền đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ.
Tại CCN làng nghề Bát Tràng sau khi xây dựng hạ tầng CCN làng nghề chủ đầu tư là UBND huyện Gia Lâm đã giao cho HTX Dịch vụ tổng hợp Bát Tràng quản lý. Ở mô hình này tư nhân chỉ tham gia quản lý CCN chứ không có đầu tư bất cứ hạng mục nào, cũng không phải trên cơ sở đấu thầu để được nhượng quyền quản lý nên vẫn chưa phải là mô hình PPP.
Tại CCN làng nghề huyện Thạch Thất, UBND xã làm chủ đầu tư, thành lập Ban quản lý CCN làng nghề, thực hiện giải phóng mặt bằng, kêu gọi doanh nghiệp và CSSX ứng vốn đầu tư hạ tầng. Như vậy hình thức này cũng không phải PPP.
Mặc dù chưa được hoàn thiện nhưng trường hợp Dương Liễu có thể xem là một trong số ít ví dụ về khả năng huy động DN tư nhân tham gia cung cấp mặt bằng cho làng nghề. Năm 2003 đề xuất CCN làng nghề Dương Liễu được huyện Hoài Đức duyệt và trình tỉnh Hà Tây nhưng khi đó huyện, xã không có vốn, tỉnh lại chưa có cơ chế giao cho DN làm chủ đầu tư nên đề xuất không được thực hiện. Đến 2008 có cơ chế giao cho DN có năng lực làm chủ đầu tư và công ty cổ phần tập đoàn Minh Dương được giao làm chủ đầu tư CCN làng nghề Dương Liễu. Theo cơ chế này DN làm chủ đầu tư sẽ đầu tư toàn bộ hạ tầng, phân lô và cho dân thuê. DN đã lập dự án và trình huyện phê duyệt nhưng không may, sau khi phê duyệt chủ trương thì lại đúng thời điểm sát nhập tỉnh nên DA phải dừng lại. Hiện nay Công ty đang hoàn tất hồ sơ để trình huyện phê duyệt và theo kế hoạch thì cuối 2012 sẽ xong, 2013 sẽ lấp đầy. Đây là dự án có thu hút tư nhân tham gia đầu tư HTCS làng nghề nhưng
vẫn thiếu điều kiện quan trọng là đấu thầu cạnh tranh để có thể được xem là dự án PPP.