Đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Một phần của tài liệu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông hồng và duyên hải đông bắc đến năm 2020 tầm nhìn 2030 (Trang 40)

II. HIỆN TRẠNG VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÙNG (2000 2011)

8.Đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Để đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh của ngành du lịch, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành là một yêu cầu cấp bách đòi hỏi sự nỗ lực không những của riêng ngành du lịch, mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo. Mấy năm gần đây do tốc độ tăng trưởng du lịch cao (cả về số lượt khách, doanh thu, cơ sở vật chất kỹ thuật...), việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển. Các cơ sở đào tạo ở cả ba cấp đại học - trung học - dạy nghề còn ít và phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Ở các địa phương chưa có cơ sở đào tạo, việc đào tạo nhân lực du lịch còn gặp nhiều khó khăn, số lao động có trình độ đại học chuyên ngành du lịch tại các tỉnh khác còn rất hạn chế. Các cơ sở kinh doanh du lịch tự tổ chức đào tạo tại chỗ bằng cách thuê giáo viên hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo. Hình thức đào tạo tại chỗ trước mắt chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu đào tạo tay nghề ở trình độ sơ cấp cho nhân viên phục vụ. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật buồng, bàn, bar và lễ tân, hướng dẫn viên du lịch. Còn các cán bộ quản lý, kỹ thuật... phần lớn được cử đi học ở các cơ sở đào tạo chính quy tại Hà Nội.

- Về chương trình đào tạo: Mặc dù số lượng các chương trình đào tạo tại cơ sở đào tạo rất đa dạng, phong phú nhưng hiện vẫn chưa có chuẩn trình độ đào tạo và chương trình khung làm căn cứ để các trường xây dựng giáo trình. Vì vậy các học viên sau khi đào tạo ra trường khó xác định trình độ tay nghề hoặc trình độ quản lý thực tiễn, do vậy khi đi xin việc làm thì các doanh nghiệp kinh doanh du lịch sử dụng lao động lại phải mất thời gian đào tạo lại cho sát thực với công việc của doanh nghiệp họ. - Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo: Trang thiết bị cho các trường còn thiếu đồng bộ và lạc hậu đặc biệt là các trang thiết bị giảng dạy và học tập đặc biệt là các thiết bị giảng dạy cho sinh viên các trường môn tiếng Anh cơ sở và tiếng Anh chuyên ngành du lịch cho các sinh viên..

- Về cơ sở đào tạo: Vùng ĐBSH & DHĐB là nơi tập trung khá nhiều cơ sở đào tạo về du lịch, bao gồm các hệ đại học và trên đại học, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Theo thống kê về các trường đại học, cao đẳng và trung cấp hiện đang cung cấp các khóa đào tạo về du lịch, nhà hàng, khách sạn, trên địa bàn vùng hiện có 12 trường đại học và 12 trường cao đẳng có chương trình đào tạo về các lĩnh vực thuộc du lịch. Ngoài ra còn có các cơ sở đào tạo khác như trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp có đào tạo nghiệp vụ du lịch. Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch phần lớn tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các thành phố lớn. Các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Vĩnh Phúc không có cơ sở đào tạo ngành du lịch. (Bảng phụ lục 10)

Một phần của tài liệu quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông hồng và duyên hải đông bắc đến năm 2020 tầm nhìn 2030 (Trang 40)