Đặc trưng của dạy học theo nhóm nhỏ

Một phần của tài liệu VẬN DỤNG DẠY HỌC THEO NHÓM NHỎ TRONG GIẢNG DẠY MÔN KỸ NĂNG SỐNG TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ VÀ QUẢN TRỊ SONADEZI, TỈNH ĐỒNG NAI (Trang 44)

8. NHỮNG GIÁ TRỊ ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN

1.4.2.Đặc trưng của dạy học theo nhóm nhỏ

Xuất phát từ khái niệm và quan điểm của các nhà nghiên cứu, đặt ra cho người nghiên cứu vấn đề cần quan tâm là xác định tiếp cận dạy học theo nhóm với góc độ nào? Phương pháp hay hình thức tổ chức dạy học? Để nhận diện rõ vấn đề này, cần trở lại với các dấu hiệu cơ bản của hai khái niệm “Phương pháp” và “Hình thức tổ chức” dạy học.

Phương pháp dạy học:

Theo nghĩa rộng nhất, phương pháp là cách đạt tới mục đích, tức là tổng hợp những thủ thuật và thao tác dùng để đạt đến mục đích. Từ đó cho thấy: Phương pháp dạy học là cách thức hoạt động phối hợp thống nhất của giáo viên và sinh viên trong quá trình dạy học được tiến hành dưới vai trò chủ đạo của giáo viên nhằm thực hiện tối ưu mục tiêu và nhiệm vụ dạy học. [1, tr.25]

Nói rõ hơn: Phương pháp dạy học là hệ thống những con đường, cách thức dạy và học của thầy và trò.[8, tr.24]; chịu sự qui định, chi phối ảnh hưởng của mục đích, nội dung dạy học, của thầy, trò và các điều kiện, phương tiện dạy học.

Từ các quan điểm trên cho thấy, các dấu hiệu cơ bản của “phương pháp dạy học”: - Là con đường, cách thức hoạt động học tập nhằm đạt được mục đích dạy học. - Phản ánh hình thức vận động của nội dung dạy học.

Do vậy, phương pháp dạy học là cách thức đặc thù để tổ chức tốt mối quan hệ giữa ba thành tố cơ bản của quá trình dạy học: thầy – trò – tri thức nhằm thực hiện các nhiệm vụ dạy học.

Hình thức tổ chức dạy học:

Trong các tài liệu nghiên cứu, khái niệm “hình thức” được giải thích như là “vỏ bên ngoài”, là hình dáng, tất cả những gì bộc lộ ra bên ngoài của một nội dung nào đó; là hệ thống, cách thức tổ chức,… Khái niệm “tổ chức” được hiểu như là một sự sắp xếp và sự liên hệ qua lại giữa các yếu tố trong một hệ phức hợp nào đó; là một trật tự xác định trước cả về ý nghĩa chức năng và ý nghĩa cấu trúc.

Do vậy, hình thức tổ chức dạy học là “cách tổ chức sắp xếp và tiến hành công việc dạy học” (R. A. Nhiza mốp). Theo các tác giả Lưu Xuân Mới, Nguyễn Thị Bích Hạnh…: “Hình thức tổ chức dạy học ở bậc đại học là sự biểu hiện bên ngoài của hoạt động được phối hợp chặt chẽ của giảng viên và sinh viên, được tiến hành theo một trật tự và chế độ nhất định…”[19, tr.266]. Theo đó, mỗi hình thức dạy học được xác định tùy thuộc vào các yếu tố:

- Chế độ làm việc; Thành phần sinh viên; Thời gian và địa điểm - Dạng hoạt động của sinh viên và phương pháp chỉ đạo của giáo viên.

PPDH DHTNN HTTCDH

Từ các quan điểm trên, tác giả Hà Thị Đức nêu lên những dấu hiệu mà dạy học theo nhóm có được:

- Thứ nhất:

+ Phản ánh cách thức trao đổi thông tin giữa thầy và trò,

+ Phản ánh cách thức điều khiển hoạt động nhận thức của thầy đối với trò, + Phản ánh sự vận động của quá trình nhận thức của sinh viên nhằm đạt đến

mục đích học tập,

+ Phản ánh sự vận động của nội dung học tập đã được qui định.

Với những ý nghĩa phản ánh này, cho thấy dạy học theo nhóm thuộc phạm trù phương pháp dạy học.

- Thứ hai, có các dấu hiệu:

+ Hình thức làm việc của thầy và trò trong điều kiện lớp học được chia thành nhiều nhóm nhỏ,

+ Cách sắp xếp, tổ chức các yếu tố cấu thành quá trình dạy học trở nên một chỉnh thể chặt chẽ, phù hợp với mục đích, nội dung, phương pháp dạy học, + Được tiến hành trong không gian và thời gian xác định.

Với những dấu hiệu này thì DHTN thuộc phạm trù HTTCDH. Do vậy, tiến sĩ Hà Thị Đức cho rằng, dạy học theo nhóm là phần nằm giao nhau giữa phạm trù phương pháp và phạm trù hình thức tổ chức dạy học. Nói cách khác, “dạy học theo nhóm vừa là phương pháp dạy học vừa là hình thức tổ chức dạy học”. Điều này, có thể nhận thấy qua hình 1.4.

Hình 1.4: Vị trí giao nhau giữa PPDH

VÀ HTTCDH của DHTN

Tóm lại, dựa vào cơ sở các lý luận

nêu trên và do đặc điểm riêng của đề tài, người nghiên cứu đồng ý với lập luận của tiến sĩ Hà Thị Đức nhưng chủ yếu tiếp cận DHTN dưới góc độ phương pháp dạy học, tuy nhiên cũng không bỏ qua góc độ hình thức tổ chức của nó.

Thực chất dạy học theo nhóm là một trường hợp đặc biệt nằm trong nhóm các phương pháp dạy học tích cực, hướng vào người học. Do vậy, đặc trưng cơ bản của dạy học theo nhóm thể hiện ở chỗ các hoạt động riêng biệt của cá nhân sinh viên được tổ chức lại và liên kết với nhau trong một hoạt động, mục tiêu chung nhằm thực hiện các nhiệm vụ học tập. Đồng thời, trong quá trình liên kết đó sẽ hình thành và tích hợp các quan hệ thầy – nhóm – trò, giúp cho người học lĩnh hội tri thức cách tốt nhất. Điều này được biểu diễn ở hình 1.5.

Hình 1.5: Biểu diễn các đặc trưng của DHTNN

Học sinh: Chủ thể học tập mang tính tích cực, sáng tạo:

Chủ động tham gia nhóm, tiếp thu tri thức bằng việc góp phần của cá nhân; tham gia hoạt động

tích cực ở một phần hay toàn bộ các giai đoạn học tập được biểu hiện ở các mặt: - Hoạt động cá nhân (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Trong nhóm học tập, học sinh đặt mình vào các tình huống cụ thể từ thực tiễn sinh động và suy nghĩ, tìm tòi ra cách thức giải quyết mới, tri thức mới bằng các hành động. Đồng thời, trong quá trình tìm ra tri thức mới, sinh viên cũng khám phá ra phương cách để đạt được chúng. Nhờ vậy, người học có thể vận dụng tri thức cách linh hoạt, sáng tạo vào những tình huống khác nhau của thực tiễn. Đó là chìa khóa giúp cho người học bước vào xã hội sau này.

- Hợp tác với các học sinh khác

Trong nhóm, tri thức mang tính cá nhân do học sinh tự tìm ra, sẽ được trở thành tri thức khoa học khi thông qua con đường trao đổi, hợp tác với các thành viên khác. Khi tiếp cận tình huống, học sinh tự đặt mình vào để tìm hiểu, trình bày và bảo vệ quan điểm, đồng thời lắng nghe ý kiến của các thành viên khác và tỏ thái độ, quan điểm đúng sai… từ đó rút ra bài học bản thân.

- Hợp tác với giáo viên

Trong tiến trình học nhóm, học sinh thông qua sự tích cực tiếp nhận các hướng dẫn của thầynhư: cách xử lý, giải quyết vấn đề; chủ động trình bày thắc mắc… sẽ học được cách ứng xử, cách phân tích, tổng hợp những ý kiến khác nhau để đi đến kết luận. Dựa vào kết luận của thầy, sinh viên sẽ kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh kiến thức ban đầu của mình.

- Học sinh tự kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh

Khi tự tìm hiểu, học sinh khám phá ra kiến thức. Ban đầu, các kiến thức này có thể chưa chính xác, chưa khoa học nhưng thông qua trao đổi, tranh luận với nhóm, sẽ thêm lần nữa tự điều chỉnh, hoàn thiện tri thức, đồng thời hoàn chỉnh cách học, cách giải quyết.

Do vậy, tham gia học tập theo nhóm, học sinh thực sự là chủ thể sáng tạo do tính tích cực, chủ động được thể hiện và duy trì trong suốt tiến trình học tập.

Nhóm học tập: là môi trường, phương tiện giúp phát triển nhân cách

HỌC SINH THẦY

NHÓM HT

Theo lý thuyết hoạt động, chính hoạt động lao động là phương tiện phát triển con người. Trong hoạt động học tập, nhân cách của sinh viên cũng dần được định hình và phát triển. Nhưng không dừng lại ở mức độ mang tính cá nhân mà các hoạt động cá nhân luôn được đặt trên bình diện hoạt động cùng nhau, mang tính xã hội, tập thể. Chỉ khi có sự tương tác giữa các chủ thể trong hoạt động mới diễn ra quá trình xã hội hóa cá nhân.

Nhóm học tập là nơi diễn ra sự tương tác, giao nhau giữa các yêu cầu của xã hội, nhà trường đến từng cá nhân và các phản hồi ngược lại. Nói rõ hơn, nhóm học tập là nơi cụ thể hóa những yêu cầu, những chuẩn mực tổng quát của xã hội và nhà trường, làm cho chúng phù hợp với từng cá nhân. Do vậy, nhóm học tập là nơi diễn ra quá trình xã hội hóa cách đặc biệt. Khi tham gia nhóm, một mặt, cá nhân lĩnh hội được các chuẩn mực, giá trị xã hội, mặt khác lại góp phần làm phong phú thêm các chuẩn mực và giá trị đó. Mặt khác, nhóm học tập còn tạo điều kiện cho học sinh so sánh, đối chiếu với người khác, từ đó có sự tự đánh giá, điều chỉnh và có thể thích ứng với hoàn cảnh.

Trong nhóm học tập, thông qua nỗ lực riêng, mỗi cá nhân được cọ sát, đối chiếu giữa các quan điểm cá nhân khác nhau, và rút ra chân lý sau cùng. Đây mới thực sự là nguồn ngọn của sự tiến bộ. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ giữa các thành viên, người mạnh giúp người yếu, và người yếu hỗ trợ cho người mạnh được thêm phong phú. Đấy cũng là động lực khích lệ sự thăng tiến cá nhân. Hơn nữa, qua học nhóm, người học được khơi gợi trí thông minh, sáng tạo; mặt khác nhóm là môi trường có thể huy động được sức mạnh trí tuệ của số đông, của tập thể, của cộng đồng. Nhờ sự tranh luận, trao đổi, tính chủ quan trong tri thức của cá nhân sẽ dần nhường chỗ cho tính khách quan, khoa học và chính những tri thức này sẽ trở thành tiền đề để hình thành một cấu trúc trí tuệ tốt, có giá trị hữu dụng về sau.

Như vậy, học tập nhóm, hợp tác nhóm là phương tiện tốt giúp cho học sinh hòa nhập, nhưng không hòa tan vào thực tiễn cuộc sống. Nhóm học tập nếu được tổ chức tốt sẽ là môi trường thuận lợi, một phương tiện hữu ích giúp hình thành và phát triển nhân cách và trí tuệ.

Thầy giáo – người đạo diễn, tổ chức và hướng dẫn

Cơ sở lý luận và thực tiễn dạy học cho thấy, dạy học theo nhóm không làm lu mờ vai trò của người thầy. Chính thầy giáo là người khởi xướng, biên đạo, tổ chức và hướng dẫn trong từng thao tác vận hành nhóm của học sinh

Trước tiên, thầy giáo giúp học sinh tự tìm đến với kiến thức mới thông qua sự chuẩn bị tiến trình hoạt động cho nhóm, xây dựng và dự trù tình huống… Từ chỗ chỉ truyền đạt kiến thức, thầy trở thành người hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên đến với kiến thức, chân lý. Đồng thời, qua cách xử lý tình huống, thầy giáo còn dạy sinh viên cách

giải quyết vấn đề, cách cư xử và dần đạt tới sự trưởng thành nhân cách. Do vậy, vai trò và quan hệ của thầy giáo trong dạy học nhóm khác với kiểu dạy học truyền thống. Thay đổi kiểu quan hệ thầy - trò - một chiều bằng quan hệ trò – trò là chính yếu. Lúc này, thầy là người hỗ trợ gần gũi với tính tinh xảo, độc đáo và giàu lòng nhân từ. Đồng thời, thầy còn là gương mẫu của người sáng tạo, đầy trách nhiệm.

Thầy sẽ là người vừa kích thích sinh viên hoạt động nhóm, vừa can thiệp đúng lúc khi sinh viên bị chệch hướng trong thảo luận, tìm tòi hoặc gợi ý khi nhóm bị bế tắc…. Khi nhóm có vấn đề khó khăn về tri thức, thầy đóng vai trò là trọng tài khoa học. Các kết luận và cách xử lý tình huống của thầy sẽ là chuẩn mực có tính khái quát và chắc chắn về mặt khoa học. Đó là cơ sở tin cậy để sinh viên so sánh, đánh giá và rút ra bài học sau cùng.

Tựu trung, với trình độ học vấn và đức độ, thầy là người tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp cho hoạt động học tập của nhóm và của từng học sinh được phát huy tối đa và đem lại hiệu năng cao nhất.

Một phần của tài liệu VẬN DỤNG DẠY HỌC THEO NHÓM NHỎ TRONG GIẢNG DẠY MÔN KỸ NĂNG SỐNG TẠI TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ VÀ QUẢN TRỊ SONADEZI, TỈNH ĐỒNG NAI (Trang 44)