Khái niệm rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hạn chế rủi ro tín dụng tại Chi nhánh NHNoPTNT Phúc Yên giai đoạn 2008 đến 2010 (Trang 25)

Có nhiều quan niệm về rủi ro tín dụng có thể dẫn ra sau đây:

Theo khái niệm cơ bản nhất, rủi ro tín dụng là khả năng khách hàng được cấp tín dụng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đối với Ngân hàng, gây tổn thất cho Ngân hàng; đó là khả năng khách hàng không trả hoặc không trả đầy đủ, đúng hạn cả gốc, lãi và phí cho Ngân hàng.

Tại khoản 1, điều 2 quyết định 493/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNNVN, đề cập khái niệm “rủi ro tín dụng trong hoạt động Ngân hàng của TCTD là khả năng xảy ra tổn thất trong hoạt động Ngân hàng của tổ chức tín dụng do khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình theo cam kết”

Rủi ro tín dụng theo định nghĩa của Uỷ ban Basel: “Rủi ro tín dụng là rủi ro phát sinh tổn thất kinh tế do khách hàng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết”.

Có thể có nhiều cách khác nhau để định nghĩa về rủi ro tín dụng, song các quan niệm về rủi ro tín dụng đều hội tụ với nhau về bản chất đó là: Rủi ro tín dụng là khả năng (xác xuất) xảy ra những thiệt hại về kinh tế mà NHTM phải gánh chịu do khách hàng được cấp tín dụng không thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết với ngân hàng. Rủi ro tín dụng có thể gây tổn thất về tài chính cho NHTM đó là làm giảm thu nhập ròng và giảm giá trị thị trường của vốn; trong trường hợp nghiêm trọng sẽ dẫn tới thua lỗ, nếu ở mức độ cao hơn có thể dẫn đến phá sản.

Cần phải có sự phân biệt giữa hai thuật ngữ được đề cập trong các khái niệm về rủi ro tín dụng đó là rủi ro và tổn thất. Khi ta hiểu rủi ro tín dụng theo nghĩa xác xuất là khả năng khách hàng không thực hiện đúng cam kết, khả năng này có thể xảy ra, có thể không xảy ra; khi rủi ro tín dụng xảy ra, khách hàng thực sự không thực hiện được cam kết, số tiền mà Ngân hàng không thu hồi được thì được hiểu là tổn thất Ngân hàng phải gánh chịu. Trong nội dung về quản trị rủi ro, Basel II cũng đề cập đến khái niệm tổn thất dự kiến (expected loss – EL) và tổn thất ngoài dự kiến (unexpected loss – UL). Theo đó, tổn thất dự kiến được coi là chi phí hoạt động kinh doanh của Ngân hàng, nó thường được tính vào giá của khoản tín dụng và được bù đắp bằng nguồn dự phòng. Tổn thất ngoài dự kiến mới thực sự là rủi ro tín dụng, cần tính toán cụ thể để dự phòng về vốn tự có.

Trên thực tế, sẽ rất dễ bị nhầm lẫn và hiểu đồng nhất giữa giá trị tổn thất với khái niệm rủi ro tín dụng. Sự nhầm lẫn này sẽ tác động bất lợi đến hoạt động hạn chế rủi ro tín dụng, trong đó ảnh hưởng lớn nhất đến tính chủ động trong các biện pháp quản lý rủi ro. Đơn cử, xuất phát từ quan niệm chỉ khi khoản vay phát sinh quá hạn mới có rủi ro và việc trích lập quĩ dự phòng rủi ro dựa trên cơ sở những khoản nợ quá hạn, chứ không đánh giá trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trên cơ sở mức độ xác xuất xảy ra nợ quá hạn, sẽ dẫn đến tình trạng: Thứ nhất, những khoản cho vay mà theo xác xuất thực sự có rủi ro sẽ không được trích lập; Thứ hai, làm mất

tính chủ động trong việc hạn chế rủi ro tín dụng, mức độ đáp ứng của nguồn vốn bù đắp rủi ro sẽ rất hạn chế, trong những trường hợp có cú sốc thì Ngân hàng sẽ rất khó khăn trong việc chống đỡ rủi ro; Thứ ba, nó làm cho Ngân hàng không thể hiểu và đánh giá đúng mức độ rủi ro của mình, mặc dù trên thực tế có những Ngân hàng có nợ quá hạn rất thấp, nhưng danh mục tín dụng lại rủi ro rất lớn vì tập trung quá nhiều dư nợ vào nhóm khách hàng hay ngành rủi ro phá sản cao. Đây chính là luận cứ xây dựng chính sách phân loại nợ, chủ động trích lập quỹ dự phòng và sử dụng quỹ này trong quá trình hạn chế RRTD.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hạn chế rủi ro tín dụng tại Chi nhánh NHNoPTNT Phúc Yên giai đoạn 2008 đến 2010 (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(99 trang)
w