9. Kết quả nghiên cứu
2.3.1. Kỹ năng đọc tài liệu của sinh viên
Nếu xét văn hoá đọc của từng cá nhân phải đảm bảo có đủ cả ba yếu tố thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Nếu một người có thói quen đọc, nhưng thiếu kỹ năng đọc, hiệu quả đọc không cao, thậm chí không có hiệu quả, chỉ mất thời gian vô ích. Nếu nắm vững kỹ năng đọc, nhưng không tạo được thói quen đọc, cũng chẳng thu lượm được kiến thức là bao, thiếu những kiến thức cần thiết cho cuộc sống của chính họ. Nhưng đôi khi người ta nói văn hoá đọc của mỗi cá nhân đồng nghĩa là kỹ năng đọc của họ. Điều đó nói lên tầm quan trọng của kỹ năng đọc của mỗi cá nhân.
Ví dụ như khi có một cuốn sách mới bạn thường làm gì ? Theo khảo sát cho kết quả như sau :
Biểu đồ 2.11: Cách thức đọc tài liệu của sinh viên
Từ biểu đồ trên cho thấy, khi đọc tài liệu, sinh viên có thói quen chỉ đọc lướt qua nội dung chiếm 43% và đọc lần lượt từ đầu đến cuối là 37%. Nghiên cứu các phương pháp đọc sách bao gồm đọc lướt qua, đọc từng phần, đọc toàn bộ nhưng không nghiên ngẫm, đọc nghiên ngẫm nội dung cuốn sách, đọc chủ động, đọc thụ động, đọc nông, đọc sâu,… Việc đọc lướt qua nội dung của cuốn sách giúp bạn đọc
hình thành những khái niệm và bố cục cuốn sách, nắm bắt được ý tưởng của tác giả đề cập trong đó. Đặc biệt với cách đọc này, bạn có thể bỏ qua một số đoạn hoặc trang nào đó, do đó sẽ không gây nhàm chán khi đọc so với việc đọc từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, mỗi cách đọc sách trên có thể đáp ứng cho những mục đích đọc và loại sách khác nhau từ đó quyết định cả phương hướng khai thác vấn đề trong cùng một cuốn sách. Do đó, chúng ta phải lựa chọn những cuốn sách vừa hay vừa phù hợp với công việc học tập hay làm việc của mình đồng thời nghiên cứu lựa chọn đúng phương pháp đọc để khi đọc xong chúng ta sẽ lĩnh hội được nội dung mà nó truyền tải.
Mục đích cuối cùng của kỹ năng đọc là đọc có hiệu quả cao nhất, nắm chắc nội dung cốt lõi và biết vận dung những điều đã đọc được vào cuộc sống của chính người đọc. Mỗi cuốn sách dù hay đến đâu cũng chỉ có giá trị tương đối. Nên lấy những điều sách dạy như một chỉ dẫn mang tính học thuật đã được được kiểm nghiệm, không nên rập khuôn ứng dụng những điều sách dạy vào thực tế. Vì thực tế là vô hạn trong khi kiến thức của sách là có hạn. Thực tế thay đổi không ngừng, phần lớn sách viết là chỉ có giá trị nhất định về thời gian và phạm vi áp dụng.
Ngoài xác định phương pháp đọc sách, bạn đọc cần phải rèn luyện các thao tác đọc như tập trung đọc, tích cực tư duy, tốc độ đọc, tư thế đọc, dụng cụ ghi chép, … trong đó tư thế đọc của sinh viên được thể hiện rõ nhất.
Biểu đồ 2.12: Tư thế đọc sách của sinh viên
Thống kê số liệu từ biểu đồ trên cho thấy, đối với hình thức đọc sách tại nhà, sinh viên có thói quen ngồi đọc sách tại bàn học, máy tính chiếm 47%, trong khi tại
nơi công cộng chỉ chiếm 30%. Sự khác nhau này được sinh viên lý giải do môi trường tại nhà có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, còn tại những địa điểm công cộng như hiệu sách, sạp báo hay đến cả thư viện những lúc đông sinh viên cũng không có chỗ ngồi đọc. Vì vậy mà tỷ lệ sinh viên đọc sách không sử dụng bàn học tại những nơi công cộng chiếm tỷ lệ cao (43%) và đứng đọc là 25%. Tuy nhiên, một tư thế đọc sách tại nhà của sinh viên cũng được sử dụng khá nhiều đó là nằm đọc sách chiếm 30%. Tại nhà là địa điểm thân quen của sinh viên, mọi hoạt động diễn ra thoải mái, không bị gò bó bởi bất cứu quy định nào. Tuy nhiên tư thế đọc này sẽ tác động không tốt đến người đọc bởi tư thế đọc không những ảnh hưởng đến thể chất của người đọc (mắt, cột sống, …) mà quan trọng hơn nó còn là một trong số yếu tố quyết định hiệu quả đọc sách (tư duy, trí nhớ, …). Đọc đúng tư thế là đọc tại bàn viết, ngồi thoải mái, để sách vừa tầm mắt. Tư thế này cần hình thành ngay từ khi con người biết đọc, biết viết và được sự hướng dẫn, nhắc nhở của cha mẹ, thầy cô và những người xung quanh. Việc rèn luyện này nếu được thực hiện thường xuyên sẽ trở thành thói quen và xây dựng kỹ năng đọc hiệu quả cho mỗi cá nhân người đọc.
Mỗi cuốn sách, mỗi trang giấy đều chứa đựng một bài học, ý nghĩa đặc biệt, mỗi cá nhân có những mức độ cảm thụ về một vấn đề khác nhau. Hãy hiểu nội dung mà cuốn sách truyền tải. Đọc sách là để tìm kiếm thông tin và ý nghĩa của những điều mà mình quan tâm. Do vậy, khi đọc cần cố gắng hiểu ý nghĩa, nội dung trong từng câu chữ và có thể đặt các câu hỏi rồi tự mình trả lời hoặc có thể chia sẻ với những người xung quanh nhằm giúp chúng ta phát triển tư duy, hiểu được sâu sắc những vấn đề mà người viết muốn truyền đạt.
Biểu đồ 2.13: Đối tượng được chia sẻ nội dung sau khi đọc sách của sinh viên
Từ số liệu trên biểu đồ, có 59% sinh viên sau khi đọc sách chia sẻ với bạn bè hoặc đồng nghiệp của mình, 20% chia sẻ với người thân trong gia đình, và một số sinh viên chia sẻ với thầy cô, bạn bè. Thông thường, bạn bè là những người cùng lứa tuổi, những suy nghĩ và cảm xúc đôi khi giống nhau, dễ chia sẻ và trao đổi hơn. Một vấn đề có thể được lý giải bằng nhiều cách khác nhau, mỗi người có một quan điểm riêng. Do vậy, sau khi đọc xong một cuốn sách, trước hết hãy viết lại những ghi nhớ và cảm xúc của bạn sau mỗi cuốn sách bạn đọc. Bạn có thể viết trên trang cá nhân của mình và tìm sự phản hồi từ những người bạn. Điều này cũng đưa ra những gợi ý và cung cấp thông tin về cuốn sách cho những người bạn của mình. Bạn cũng có thể tham gia một nhóm đọc, câu lạc bộ sách hoặc những diễn đàn lớn hay chia sẻ và nhận được những thông tin bổ ích về những các vấn đề văn hóa xã hội mà những cuốn sách đề cập. Bạn sẽ cảm thấy hứng thú với việc đọc sách hơn.