Sở thích đọc tài liệu của sinh viên

Một phần của tài liệu Văn hóa đọc của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội (Trang 56)

9. Kết quả nghiên cứu

2.2.2. Sở thích đọc tài liệu của sinh viên

Sinh viên, là lứa tuổi đang phát triển về nhận thức, có nhu cầu đa dạng và phức tạp, nhiều hành động mang tính chủ quan. Đối với hoạt động đọc sách, báo, tài liệu của sinh viên cũng chịu nhiều tác động của tính cá nhân, sở thích của bản thân.

Biểu đồ 2.9: Sở thích lựa chọn sách, báo của sinh viên

Số liệu trên biểu đồ thống kê cho thấy sinh viên lựa chọn tài liệu nhằm phục vụ chủ yếu cho học tập, nghiên cứu chiếm 27%, các yếu tố ảnh hưởng khác như đọc sách vì được người khác giới thiệu chiếm 17%, sách của của tác giả yêu thích là 13%. Đối với sinh viên, đọc sách chính là hoạt động hàng ngày, lựa chọn các loại sách phù hợp với môn học nhằm đảm bảo việc nắm bắt các nội dung trong tài liệu. Tuy nhiên, trong xã hội thông tin ngày nay, bạn đọc rất quan tâm những tác phẩm từng đoạt giải thưởng và được đăng tải trên báo chí, truyền hình. Khảo sát cho thấy sinh viên lựa chọn sách của các tác giả nổi tiếng chiếm 13% và của Nhà xuất bản nổi tiếng là 8%, sinh viên bị thu hút bởi những cuốn sách giảm giá chiếm 4%. Điều này cũng dễ lý giải bởi khi nói đến sách là nói đến tác giả, đến tác phẩm, mà tác phẩm đến với bạn đọc là qua sự phát hiện của nhà xuất bản, của người làm sách và sự giới thiệu tận tụy của người làm phát hành. Nhưng để tác phẩm có được sức sống lâu bền lại chính là bạn đọc. Đã có lúc những người làm sách chưa dành cho bạn đọc sự chăm sóc đúng mức và chưa hiểu bạn đọc. Rồi giá thành sách làm ra chưa phù hợp thu nhập của nhiều bạn đọc đặc biệt là đối tượng sinh viên. Vì vậy, các loại sách lậu xuất hiện với giá bán rẻ hơn so với sách chính thống từ 40% đến 50%, một quyển sách nổi tiếng số lượng bản in lậu nhiều gấp mấy lần bản chính thống. Bạn đọc dễ bị hấp dẫn bởi giá thành bởi điều mong muốn của bạn đọc là sở hữu được cuốn sách yêu thích và chi phí phù hợp. Thêm vào đó, mặc dù sách là

loại hàng hóa đặc biệt, nhưng dường như ít được quảng cáo và nếu có cũng chưa có cách tiếp thị chuyên nghiệp. Vì thế chưa tạo ra được sức thu hút người mua. Những “cơn sốt” sách văn học vừa qua đã chứng minh việc quảng bá là cần thiết bởi nó khơi được sự quan tâm của cộng đồng. Hầu hết tác phẩm được giới thiệu trên báo chí, truyền hình đều có số lượng phát hành tăng đột biến. Tuy nhiên, chất lượng của tác phẩm là yếu tố quyết định làm nên sức sống lâu bền và sức lan tỏa của sách trong lòng nhiều bạn đọc. Sinh viên cần đánh giá và lựa chọn các loại tài liệu phù hợp với mục đích sử dụng, tránh việc bị thu hút theo trào lưu, bị ảnh hưởng bởi phương thức quảng cáo không xác thực.

Ngoài yếu tố về yêu cầu môn học, sinh viên là những người đang ở lứa tuổi bắt đầu hình thành nhân cách sống, mối quan hệ xã hội được dần mở rộng và họ chịu tác động của nhiều hoàn cảnh thay đổi xung quanh. Việc đọc sách vì thế cũng có thể bị ảnh hưởng, họ có xu hướng đọc các nội dung tích cực hay tiêu cực bởi tâm, sinh lý của mỗi người.

Biểu đồ 2.10: Lý do lựa chọn tài liệu của sinh viên

Từ bảng thống kê, tỷ lệ sinh viên đọc tài liệu do cảm thấy bổ ích và phù hợp với bản thân chiếm 33% và để phục vụ môn học chiếm 31%. Như vậy, tỷ lệ này cho thấy, việc phục vụ học tập vẫn được sinh viên đặt lên trước hết, đọc để thu nhận những kiến thức bổ ích, mang lại kết quả cao trong học tập. Tuy nhiên, vẫn còn một số sinh viên đọc sách phục vụ cho việc thư giãn, giải trí chiếm 25%. Đây

cũng là nguyên nhân khá bình thường với tính cách của lứa tuổi sinh viên, họ cũng có nhu cầu được giải trí sau những tiết học trên lớp. Như vậy, sinh viên đọc sách không chỉ nhằm ứng nhu cầu học tập mà còn để thỏa mãn sở thích cá nhân, khi được thỏa mãn thì sẽ làm tăng hứng thú đọc.

Một phần của tài liệu Văn hóa đọc của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)