9. Kết quả nghiên cứu
3.4.2. Giáo dục ý thức đọc tài liệu cho sinh viên
Sách là sản phẩm của xã hội văn minh, sự ra đời của sách chứng tỏ một bước tiến quan trọng của xã hội loại người. Ngày nay, chúng ta có truyền thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác giúp con người tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ và nhanh chóng. Tuy nhiên, dù xã hội có phát triển đến đâu, có
thêm nhiều hơn nữa các phương tiện truyền đạt thông tin hiện đại, nhưng sách vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống. Đọc sách là một hoạt động có tính chất văn hoá của người đọc. Đọc sách gì và đọc như thế nào cũmg là một phương diện của văn hoá mà chúng ta vẫn gọi là văn hoá đọc. Ngày nay, vì có quá nhiều và quá sẵn những hình thức tiếp nhận thông tin tiện lợi và hiện đại dẫn đến việc nhiều người coi thường vai trò của sách và “lười” đọc sách hơn. Do vậy, việc giáo dục ý thức đọc sách cho mọi người, đặc biệt là sinh viên đóng vai trò rất quan trọng và cấp thiết hiện nay. Việc giáo dục văn hóa đọc cho sinh viên không những cần có sự quan tâm của Nhà trường, Thư viện mà còn sự phối hợp, ủng hộ của các cơ quan, tổ chức xã hội khác.
Trước hết, với các tổ chức ngoài nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động thu hút sinh viên tham gia như Ngày hội sách và văn hóa đọc, Triển lãm sách, Hội chợ sách, … nhằm nâng cao ý thức đọc sách của sinh viên, nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc giáo dục và hình thành nhân cách con người. Từ đó, khuyến khích đọc và hình thành thói quen đọc - tạo nền tảng quan trọng cho việc tự học, học tập suốt đời. Khuyến khích các nhà sách xây dựng khu vực đọc sách và khu vực giới thiệu sách mới để định hướng, giới thiệu và phục vụ công chúng.
Thế giới hiện đại đang báo hiệu sự chuyển đổi của tài liệu in sang tài liệu điện tử cũng làm cho nhận thức về văn hóa đọc thay đổi. Hiện nay, bạn đọc nhanh chóng tiếp cận với các phương tiện điện tử như điện thoại di động, Ipad, hay sách điện tử Kindle, …thông qua mạng Internet. Tất cả các phương tiện này đều hỗ trợ việc khai thác thông tin một cách nhanh chóng, đầy đủ và cập nhật thường xuyên. Tuy nhiên bạn đọc cần có kỹ năng xử lý thông tin trên Internet bởi nhiều thông tin đưa ra không đảm bảo tính chính xác, kết quả tìm kiếm lớn. Do vậy, Thư viện cần tổ chức hướng dẫn sinh viên khai thác thông tin trên các phương tiện khác nhau, đào tạo kiến thức thông tin và giáo dục ý thức sử dụng thông tin đúng đắn, hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi và mục đích sử dụng.
Ngoài ra, văn hóa đọc sách của sinh viên còn thể hiện ở văn hóa ứng xử với tài liệu của cá nhân đó. Đó là việc tiếp xúc với tài liệu, thái độ bảo quản và cách sắp xếp tài liệu của mỗi bạn đọc. Để nâng cao ý thức giữ gìn tài liệu, Trung tâm TT-TV
cần xây dựng quy chế sử dụng thư viện đầy đủ, chặt chẽ và dân chủ đối với mọi đối tượng sử dụng thư viện. Đặt biệt về các hành vi làm hư hại tài liệu thư viện như làm bẩn, làm rách hoặc cắt xé trang tài liệu, … Trung tâm cần đưa ra các hình thức phạt một cách cụ thể và nghiêm ngặt nhằm nâng cao ý thức bảo vệ tài liệu của bạn đọc, tránh làm tổn hại đến tuổi thọ của sách.