Trang bị kiến thức thông tin cho sinh viên

Một phần của tài liệu Văn hóa đọc của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội (Trang 97)

9. Kết quả nghiên cứu

3.4.1.Trang bị kiến thức thông tin cho sinh viên

Ngày nay, khi đề cập đến kiến thức thông tin, người ta quan tâm đến các khả năng ở người dùng tin trong việc:

- Hình thành và biểu đạt được nhu cầu thông tin

- Lựa chọn, xác định được các nguồn/hệ thống thông tin có thể đáp ứng nhu cầu tin: Kiến thức thông tin sẽ giúp trả lời câu hỏi có thể đáp ứng được nhu cầu tin ở đâu?

- Kỹ năng khai thác các nguồn, hệ thống thông tin tự động hoá : Kiến thức thông tin sẽ giúp trả lời câu hỏi có thể đáp ứng được nhu cầu thông tin nhờ các kỹ năng nào?

- Khai thác, sử dụng một cách hợp lý các nguồn/hệ thống thông tin : Kiến thức thông tin giúp trả lời câu hỏi thông tin nào cần được sử dụng và hành vi sử dụng như thế nào được coi là hợp lý?

Như vậy, Kiến thức thông tin (KTTT) bao gồm kiến thức về nhu cầu và yêu cầu tin, khả năng xác định, định vị, đánh giá, tổ chức và sáng tạo, sử dụng có hiệu quả và truyền thông tin tới các địa chỉ. Đây là điều kiện đầu tiên để tham gia có hiệu quả vào xã hội thông tin và là một phần trong quyền cơ bản của con người được học tập suốt đời.

Cần hiểu rõ rằng kiến thức thông tin không chỉ đơn thuần là những kỹ năng cần thiết để tìm kiếm thông tin một cách hiệu quả, nó bao gồm cả những kiến thức về các thể chế xã hội và các quyền lợi do pháp luật quy định liên quan đến việc truy cập các nguồn thông tin. Đây có lẽ là mảng kiến thức cần phải được đặc biệt nhấn mạnh trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi mà vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ đang trở thành vấn đề toàn cầu.

Ngoài ra, kiến thức thông tin gắn liền với khả năng nghiên cứu độc lập và học tập suốt đời. Có nghĩa là, người có kiến thức thông tin là người có khả năng tiếp cận và áp dụng tri thức một cách tích cực, chủ động, hiệu quả trong từng phạm vi hoạt động cụ thể của mình.

Sự bùng nổ thông tin là một tiền đề quan trọng cho sự ra đời của kiến thức thông tin. Dễ dàng nhận thấy ngày nay việc xuất bản hoặc công bố một tài liệu dưới dạng in ấn hay điện tử đã trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bao giờ. Các nguồn thông tin nở rộ, đặc biệt là Internet, và thế giới thông tin trở nên hết sức phức tạp. Ưu điểm của điều này là việc người dùng tin có nhiều lựa chọn hơn đối với các nguồn thông tin, dễ dàng tiếp cận các nguồn tin hơn. Tuy nhiên, mặt trái của nó lại hết sức đáng ngại. Người dùng tin luôn phải tự đặt ra câu hỏi: thông tin này có đáng tin cậy không? có phù hợp với vấn đề của họ không? phải tổ chức những nguồn thông tin đó như thế nào đây? Không dễ để trả lời những câu hỏi trên nếu như thiếu sự hiểu biết về thế giới thông tin, tức là thiếu kiến thức thông tin.

Về mặt cấu trúc, có một sự tương đồng thú vị giữa kiến thức thông tin và kiến thức, kỹ năng mà người cán bộ nghiên cứu cần phải có khi tiến hành công việc nghiên cứu. Nếu như kiến thức thông tin là một tổng hòa của các khối tri thức và kỹ

năng liên quan đến việc xác định nhu cầu thông tin, định vị nguồn tin, thẩm định nguồn tin, tổ chức nguồn tin, sử dụng nguồn tin thì quy trình nghiên cứu cũng phải trải qua những bước tương tự.

Nội dung của KTTT bao gồm các thành phần như sau : - Nắm bắt nhu cầu và yêu cầu tin của người dùng - Xác định, định vị thông tin

- Đánh giá thông tin - Tổ chức thông tin - Sáng tạo thông tin

- Sử dụng có hiệu quả thông tin

- Truyền thông tin tới các địa chỉ cần thiết

Sinh viên hiện nay đang học tập trong môi trường giáo dục hiện đại, linh hoạt, họ trở thành trung tâm của quá trình dạy và học. Họ chủ động tiếp nhận tri thức và sáng tạo ra tri thức mới. Việc trang bị KTTT cho sinh viên trở nên ngày càng quan trọng, nó giúp cho họ chủ động tiếp cận các nguồn thông tin, tri thức mới thông qua khả năng xác đinh nhu cầu tin, đánh giá và sử dụng thông tin một cách hiệu quả. Thư viện là môi trường quan trọng nhất giúp người dùng tin khai thác hiệu quả nguồn lực thông tin, kể cả tài liệu in ấn và tài liệu điện tử với hỗ trợ của các công cụ tra cứu thông tin.

Trước thực trạng về kỹ năng tìm kiếm thông tin cũng như việc đánh giá và sử dụng thông tin của sinh viên ĐHQGHN chưa mang lại hiệu quả cao cho quá trình học tập và nghiên cứu, Nhà trường và thư viện cần đưa ra những biện pháp cụ thể :

Trước hết, Nhà trường và Thư viện cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng nguồn tư liệu. Đây là điều kiện vừa để nâng cao chất lượng hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên, vừa là chất xúc tác để phát triển kiến thức thông tin trong đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu khoa học. Bởi nếu như nguồn tư liệu hỗ trợ nghiên cứu phong phú và đầy đủ, cán bộ nghiên cứu sẽ có điều kiện để triển khai các công trình có chất lượng và tính khả thi. Điều này cũng sẽ tác động rất tích cực đến thói quen sử dụng thông tin của các nhà nghiên cứu, đơn giản là vì họ đã thấy được lợi ích thiết thực từ việc sử dụng thư viện và các tài nguyên của nó. Trên thực tế, sự nghèo nàn thông tin tại thư viện cũng như các

phòng tư liệu cũng là một trong những nguyên nhân kéo theo sự cẩu thả và thiếu chính xác trong không ít công trình nghiên cứu.

Vấn đề tiếp theo là cần phải tập trung nâng cao trình độ cán bộ thư viện - người trực tiếp tham gia thiết kế, giảng dạy chương trình KTTT cho sinh viên. Trong kỷ nguyên của công nghệ thông tin hiện nay, ngoài việc nắm bắt các kiến thức chuyên môn nghiệp vụ thư viện, cán bộ thư viện cần được đào tạo về các chương trình phần mềm và kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng giao tiếp và hỗ trợ sinh viên sử dụng thư viện, quản lý tri thức và sàng lọc các nguồn thông tin. Vai trò của cán bộ thư viện là mang lại cho sinh viên cơ hội phát triển chiến lược toàn diện để đáp ứng nhu cầu xác định, truy cập, đánh giá thông tin dưới dạng in hay điện tử. Việc cung cấp cho sinh viên mọi thông tin mà họ cần về thư viện và cách tìm kiếm thông tin là rất cần thiết, tuy nhiên cán bộ thư viện rèn luyện cho sinh viên kỹ năng phân tích và phê phán bằng việc khuyến khích họ tự hỏi, trao đổi và đưa ra ý kiến nhằm làm cho sinh viên nhận thức được đó là một quá trình học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để áp dụng khi gặp phải bất kỳ bài tập nào hay nhiệm vụ nào trong quá trình học tập và công tác.

Ngoài cán bộ thư viện, với sự hỗ trợ từ các cán bộ giảng dạy và những người làm công tác tư vấn kỹ năng học tập cho sinh viên có vai trò then chốt trong thành công của các chương trình tập huấn kiến thức thông tin. Họ có nhiệm vụ hỗ trợ sinh viên trong những vấn đề này trong quá trình nghiên cứu, phân tích có phê phán và phản ánh của sinh viên. Sinh viên được học về kĩ năng nghiên cứu, tư duy phê phán và kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng nhận diện và thể hiện nhu cầu tin, phân tích và tổng hợp thông tin, trình bày thông tin, kĩ năng trích dẫn và lập danh mục tài liệu tham khảo. Hơn nữa, sinh viên cũng được nắm bắt về bản quyền và sở hữu trí tuệ, đạo đức trong việc sử dụng thông tin, vấn nạn đạo văn và hậu quả của nó.

Để xây dựng và đào tạo KTTT cho toàn bộ sinh viên ĐHQGHN, Nhà trường và Thư viện cần phối hợp với đơn vị đào tạo Tin học của trường biên soạn tài liệu về KTTT cho người dùng tin đặc biệt là sinh viên. Đồng thời, đưa KTTT trở thành một môn học trong quá trình đào tạo kết hợp với môn học khác. Với chương trình học này sẽ tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp thu kiến thức mới trong việc thu thập thông tin, đánh giá sự phù hợp của thông tin, suy nghĩ một cách có phê phán và biết

nhận xét, phê phán, tư duy độc lập, tự tin, có khả năng đánh giá và sử dụng thông tin một cách hữu ích trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Mô hình liên kết phát triển KTTT này chứng tỏ là một cách làm hiệu quả trong việc làm cho sinh viên tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm thông tin và tài liệu thư viện trong quá trình học tập của bản thân.

Một hoạt động cần đẩy mạnh trong việc bồi dưỡng KTTT cho sinh viên hiện nay đó là tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế. Mục đích hết sức quan trọng của vấn đề này là: từng bước đổi mới tư duy nghiên cứu trong cán bộ nghiên cứu khoa học Việt Nam. Đối với phương pháp đào tạo mới hiện nay là lấy sinh viên làm trung tâm, thông qua các hình thức giảng dạy dựa trên tài nguyên thông tin và học theo phương pháp “giải quyết vấn đề”. Tất cả những phương pháp học tập trên đòi hỏi học viên phải có tính tự lập cao trong nghiên cứu, khả năng tương tác một cách hết sức linh hoạt và chủ động với các nguồn thông tin. Chính điều này đã tạo ra một lực lượng lao động, trong đó có các nhà nghiên cứu khoa học, có sự hiểu biết rất sâu sắc về thông tin, có khả năng làm việc hết sức sáng tạo và hiệu quả. Chưa kể đến hiệu quả về mặt kinh tế và khoa học, việc hợp tác nghiên cứu quốc tế sẽ là điều kiện tốt để các nhà khoa học Việt Nam cập nhật thêm những kiến thức mới về phương pháp nghiên cứu và kiến thức thông tin.

Như vậy, kiến thức thông tin vừa là phương tiện để con người tận dụng được mọi lợi thế mà xã hội dành cho họ, đồng thời lại là chỉ số quan trọng phản ánh trình độ và khả năng thích ứng của mỗi cá nhân, cộng đồng trong xu thế phát triển hiện nay. Trong quá trình học tập, nghiên cứu, sinh viên cần biết cách vận dụng sự hiểu biết, tri thức có sẵn để giải quyết các nhiệm vụ mà thực tiễn đặt ra. Muốn vậy, trước hết, cần biết cách tìm kiếm các thông tin phản ánh các tri thức đó, tức là biết cách khai thác, sử dụng các nguồn/hệ thống thông tin và biết rõ trách nhiệm đối với việc khai thác sử dụng thông tin.

Một phần của tài liệu Văn hóa đọc của sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội (Trang 97)