Kinh nghiệm xây dựng NHĐT tại Mỹ 23

Một phần của tài liệu Xây dựng mô hình Ngân hàng đầu tư tại Việt Nam Luận văn thạc sĩ (Trang 32)

Trước tiên, Mỹ thành lập các NHĐT bằng việc lấy hai hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán nợ và chứng khoán vốn làm nghiệp vụ kinh doanh chính. Từ đó, các NHĐT này đã xây dựng được mối quan hệ tốt với các tập đoàn công nghiệp và thương mại lớn của Mỹ.

Sau chiến tranh thế giới II, các nhà đầu tư tổ chức tham gia nhiều hơn vào thị trường tài chính với việc xuất hiện các quỹ tương hỗ và quỹ hưu trí. Các NHĐT này gặt hái thêm nhiều thành công từ hoạt động môi giới sau khi có sự gỡ bỏ các qui định về phí môi giới chứng khoán vào giữa những năm 1970. Từ đây, bảo lãnh phát hành và môi giới trở nên hai hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận ổn định nhất cho các ngân hàng này.

Những năm 1980 và 1990, do cạnh tranh khốc liệt, doanh thu từ hoạt động môi giới sụt giảm, các NHĐT Mỹ mở rộng sang hoạt động tự doanh, điều này đồng thời cũng giúp tái cấu trúc lại ngành NHĐT.

Vào năm 1994, các NHĐT Mỹ thua lỗ nặng do chịu ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất cơ bản của các Ngân hàng trung ương. Để phản ứng lại, các ngân hàng này tìm đến các mảng kinh doanh mới nhằm né tránh sự biến động của thị trường. Vào thời gian này, bùng nổ dân số trẻ và gia tăng các quỹ hưu bổng đem đến cơ hội cho hoạt động quản lý tài sản. Các NHĐT của Mỹ càng năng động hơn khi sau năm 1996, họ chuyển hướng phát triển để đáp ứng làn sóng mua bán, sáp nhập và phát hành lần đầu ra công chúng của các công ty công nghiệp truyền thông và công nghệ cao, đồng thời không ngừng mở rộng hoạt động kinh doanh của mình sang các nước châu Âu, các thị trường mới nổi tại châu Á. Điều này giúp các ngân hàng Mỹ có thể đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, cung cấp nhiều hơn các sản phẩm và dịch vụ đa dạng cho các khách hàng toàn cầu của mình. Tuy nhiên, việc mở rộng này cũng đánh đổi bởi chi phí kinh doanh cao hơn, đặc biệt là các chi phí nhân sự cao tạo áp lực cho toàn hệ thống.

Sau sự sụp đổ của các tập đoàn Enron, Worldcom và các công ty dot.com, các NHĐT Mỹ cũng chịu những mất mát nặng nề. Đạo luật Sarbanes – Oxley Bill ra đời, đồng thời các NHĐT Mỹ cũng tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. Một số đã tách

mảng kinh doanh quản lý tài sản ra các công ty con vì lợi nhuận của các quỹ hưu bổng không như mong đợi.

Như vậy, sau hơn 50 năm phát triển mạnh mẽ, lịch sử NHĐT Mỹ cho thấy họ luôn năng động trong việc sáng tạo ra các sản phẩm và phân khúc thị trường mang lại lợi nhuận cao, đồng thời luôn biết cách để thay đổi chiến lược và thích nghi với các biến động của thị trường. Đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và vươn đến các thị trường tiềm năng, sáng tạo ra các sản phẩm & dịch vụ tài chính đa dạng, đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng là bản chất của các NHĐT.

Một phần của tài liệu Xây dựng mô hình Ngân hàng đầu tư tại Việt Nam Luận văn thạc sĩ (Trang 32)