Trong những năm qua, ngành dịch vụ của Thủ đô đã có sự chuyển biến tích cực, thích ứng và mở rộng thị trường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và đời sống của cư dân. Các ngành dịch vụ từng bước được đổi mới công nghệ, phương thức phục vụ, phát huy tiềm năng, tạo một bước chuyển biến quan trọng, tích cực trong cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Hà Nội đang phấn đấu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp.
Khu vực dịch vụ giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động thủ đô. Công ăn việc làm trong các ngành dịch vụ hàng năm tăng cả về số lượng và tỷ trọng trong nền kinh tế. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn Hà Nội hiện nay là khoảng 65% (số liệu tổng kết năm 2006). Trong những năm tới cùng với quá trình đô thị hoá và sự phát triển của thủ đô thì dịch vụ sẽ là nơi giải quyết công ăn việc làm cho lao động từ ngành nông nghiệp chuyển sang.
Hiện nay đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn thành phố đã có sức hấp dẫn nhất đối với không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà còn cả nhà đầu tư trong nước. Bởi vì lợi nhuận mà lĩnh vực này mang lại thường nhanh và hơn các lĩnh vực khác.
Về chuyển dịch cơ cấu dịch vụ: trong 3 năm từ 2003 – 2006, chuyển dịch cơ cấu dịch vụ trên địa bàn diễn ra nhanh. Nguyên nhân là do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan về nhận thức, về chính sách quản lý, đầu tư thúc đẩy phát triển…trong cơ cấu nội ngành dịch vụ cũng có sự chuyển dịch rõ rệt, một số ngành dịch vụ chuyển dịch khá như: bán buôn bán lẻ, vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch, tài chính…Tốc độ tăng trưởng bình quân về giá trị sản xuất các dịch vụ cao, ước tính trên 10%, đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Các ngành dịch vụ trên địa bàn đã không ngừng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu dùng các sản phẩm dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống xã hội, cải thiện đời sống cuả nhân dân. Nhiều sản phẩm dịch vụ đã có năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.