Điều kiện phát triển dịch vụ bổ sung trong khách sạn

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ bổ sung trong các khách sạn tại Hà Nội (Trang 32)

1.3.4.1. Điều kiện về cơ chế chính sách của Nhà nước

Điều kiện cơ chế chính sách được biểu hiện ở đường lối phát triển du lịch cùng với hệ thống các chính sách, biện pháp đồng bộ để đạt được mục tiêu phát triển du lịch. Có như vậy mới tạo ra sự thống nhất trong xã hội, với các ban ngành liên quan trong việc phối kết hợp và hành động định hướng, tạo điều kiện cho phát triển du lịch.

Nhà nước có cơ chế chính sách huy động mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư phát triển du lịch để đảm bảo du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước đảm bảo phát triển du lịch với tốc độ cao, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế cạnh tranh của đất nước, phải có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, có khả năng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, hệ thống các doanh nghiệp thật sự phát triển.

Quan điểm của Đảng nhấn mạnh: "phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước; nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Hoạt động du lịch phải đồng thời đạt hiệu quả trên nhiều mặt: kinh tế, chính trị, văn hoá, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy

truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc và nhân phẩm con người Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá thế giới, góp phần thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước". Du lịch được đặt đúng vị trí mà nó cần có hơn trong thời kỳ đổi mới và xu hướng của nền kinh tế thị trường. Đảng chú trọng tới cả hoạt động đầu tư cho du lịch, bảo đảm an ninh du lịch, khai thác các nguồn lực trong du lịch và đổi mới trong công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ du lịch và đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng có chính sách phát triển văn hoá, giải trí, phù hợp với điều kiện thực tế và thuần phong mỹ tục của Việt Nam, tạo tiền tố thuận lợi cho hoạt động kinh doanh dịch vụ bổ sung, đặc biệt là các dịch vụ văn hoá và giải trí.

1.3.4.2. Điều kiện về kinh tế – xã hội – văn hoá

Trước hết phải khẳng định rằng, kinh tế phát triển sẽ cho phép chúng ta phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật: đường xá, phương tiện vận chuyển,…tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các khách sạn.

Kinh tế phát triển sẽ kích thích cả cung và cầu du lịch. Điều kiện sống cao hơn, áp lực công việc lớn hơn, con người đòi hỏi nhu cầu cao hơn về nghỉ ngơi giải trí. Cũng chính sự phát triển của nền kinh tế mà con người có nhu cầu cao về sự chuyên môn hoá. Điều này thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển.

Điều kiện văn hoá - xã hội là yếu tố để tổ chức và kinh doanh dịch vụ tại các khách sạn. Điều kiện văn hoá - xã hội thuận lợi hay khó khăn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh khách sạn nói chung và kinh doanh dịch vụ bổ sung nói riêng. Các hiện tượng như dịch bệnh, nạn chèo kéo đeo bám khách, vệ sinh môi trường…có thể ảnh hưởng không tốt tới hiệu quả kinh doanh của khách sạn. Ngược lại, các hoạt động biêủ diễn nghệ thuật, các

chương trình từ thiện nếu được tổ chức tại các khách sạn sẽ tăng doanh thu cho khách sạn…

1.3.4.3 Nguồn nhân lực

Nguyên tắc cơ bản của quản trị chất lượng dịch vụ đã chỉ rõ con người giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình hình thành chất lượng dịch vụ. Vì vậy, để ổn định và nâng cao chất lượng dịch vụ, các khách sạn cần áp dụng các biện pháp thích hợp để huy động hết tài năng cũng như tâm huyết của người lao động. Mặt khác cũng phải thấy rằng, hoạt động kinh doanh khách sạn đòi hỏi dung lượng lao động sống lớn và mang tính đặc thù cao. Sản phẩm của khách sạn là chủ yếu là dịch vụ, rất khó cơ giới hoá và tự động hoá đồng thời có chuyên môn hoá cao; thời gian phục vụ lại phụ thuộc vào khách hàng và trải dài 24/24 giờ trong ngày…Vì vậy, nhân tố con người là điều kiện quyết định đến chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách khi lựa chọn dịch vụ của khách sạn.

1.3.4.4. Khả năng tài chính

Kinh doanh khách sạn và dịch vụ bổ sung trong khách sạn đòi hỏi dung lượng vốn đầu tư nhất định và phụ thuộc một số yếu tố:

- Vị trí đất xây dựng khách sạn (là những khu đất có giá trị thương mại cao) và diện tích của lô đất (phù hợp để khai thác loại hình dịch vụ bổ sung nào: sông, nước, đồi, núi…)

- Chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật: phòng tập đa năng, khu vui chơi giải trí, phòng hội thảo, phòng karaôkê, trung tâm hội nghị, triển lãm, chữa bệnh…

- Chi phí giành cho mua sắm máy móc, trang thiết bị: trang thiết bị phòng massage và sauna, hệ thống trang âm…

Khả năng này không những phụ thuộc vào nguồn tài chính sẵn có mà còn phụ thuộc vào tình hình kinh doanh, các chỉ tiêu tài chính hàng năm như

tỷ lệ thu hồi vốn, lợi nhuận của khách sạn. Nếu khả năng tài chính của khách sạn không dồi dào thì khó có điều kiện để đầu tư mở rộng các loại dịch vụ bổ sung, khi không nâng cao chất lượng dịch vụ thì khó có khả năng nâng cao hiệu quả kinh doanh.

1.3.4.5. Cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ

Yếu tố kỹ thuật công nghệ có ảnh hưởng sâu sắc đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách sạn, tạo ra lợi thế cạnh tranh của mình. Ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong ngành khách sạn là công nghệ thông tin. Máy tính, điện thoại tạo ra cho các nhân viên đại lý du lịch, khách sạn và du khách có thể tiến hành đặt chỗ một cách nhanh chóng, tin cậy và đơn giản trên phạm vi toàn thế giới. Một số công nghệ khác có thể rút gọn được quá trình thanh toán, phục vụ việc tổ chức hội nghị, hội thảo: Internet, Fax, EMS, điện thoại, máy chiếu …

Kiến trúc, trang thiết bị khách sạn và các dịch vụ bổ sung trong khách sạn cũng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các yếu tố công nghệ. Trang thiết bị của khách sạn phản ánh chất lượng dịch vụ mà khách sạn cung cấp cho du khách. Hạng khách sạn càng cao đòi hỏi thiết bị phải hiện đại từ thang máy, điều hoà nhiệt độ, điện thoại, ti vi, máy vi tính nối mạng tốc độ cao, trang thiết bị hội thảo, bồn tắm, bể bơi, khu thể thao, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ văn phòng, giặt là, vui chơi giải trí... Đây chính là các yếu tố hữu hình phản ánh chất lượng dịch vụ. Nó chuyển thành thông điệp mạnh mẽ tới khách hàng là sẽ được phục vụ với chất lượng cao, đáp ứng tối đa nhu cầu khi họ lưu trú tại khách sạn.

Một phần của tài liệu Kinh nghiệm đẩy mạnh hoạt động kinh doanh dịch vụ bổ sung trong các khách sạn tại Hà Nội (Trang 32)