Thất thu thuế qua gian lận trị giá tính thuế

Một phần của tài liệu Giải pháp chống thất thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 84)

- Thất thu do khai sai trị giá

3.2.2. Thất thu thuế qua gian lận trị giá tính thuế

Trị giá tính thuế là một trong các yếu tố quan trọng xác định mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải nộp. Để làm giảm số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải nộp, các doanh nghiệp XNK đã thực hiện các hành vi gian lận bằng cách tự ý hoặc thông đồng với người bán điều chỉnh trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu về mức thấp nhất có thể trên hợp đồng mua bán (contract) và trên hoá đơn thương mại (invoice). Các hình thức gian lận qua giá tính thuế gây nên hiện tượng thất thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ở Việt Nam trong thời gian qua diễn ra tương đối phổ biến với các hình thức khác nhau như:

Thứ nhất, gian lận điều kiện áp dụng trị giá giao dịch: Để được xác định

trị giá tính thuế theo trị giá giao dịch, doanh nghiệp phải khai báo có đáp ứng được 4 điều kiện hay không? Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp thường không chú ý việc khai báo các điều kiện này hoặc khai báo sai các điều kiện áp dụng trị giá giao dịch. Ví dụ : Doanh nghiệp có mối quan hệ đặc biệt (công ty mẹ - công ty con) nhưng không khai báo hay doanh nghiệp không được quyền định đoạt hàng hoá nhưng khai báo là được quyền định đoạt hàng hoá. Thực chất, một số doanh nghiệp Việt Nam chỉ là đại lý phân phối hàng hoá theo chỉ định hoặc nhập khẩu theo sự uỷ thác của một số doanh nghiệp trong nước khác nên doanh nghiệp nhập khẩu chỉ là người đứng ra nhập hộ hưởng hoa hồng dịch vụ.

Thứ hai, gian lận các khoản phải cộng: Doanh nghiệp khai báo thiếu các khoản phải cộng như phí hoa hồng, phí môi giới; phí FO; phí bảo hiểm đường biển; phí vận chuyển từ kho hàng nước xuất khẩu đến cảng xuất khẩu; phí bản quyền…Ví dụ: Doanh nghiệp mua hàng hoá theo điều kiện C&F và không khai báo khoản bảo hiểm hàng hoá. Thực tế doanh nghiệp có mua bảo hiểm nhưng không khai báo. Phí bảo hiểm thường là trị giá nhỏ nên ảnh hưởng không nhiều đến số liệu tính thuế. Tuy nhiên với các lô hàng đặc biệt lớn (như hàng nhập cả tàu, hàng rời…) thì gian lận trị giá thông qua phí bảo hiểm cũng là một con số đáng kể.

Thứ ba, gian lận các khoản phải trừ: Việc gian lận khoản phải trừ chủ yếu là việc doanh nghiệp lợi dụng chính sách chiết khấu, giảm giá. Thực tế của việc giảm giá (chủ yếu là mặt hàng ô tô, xe máy) là doanh nghiệp Việt Nam mua gom hàng và hợp thức hoá giảm giá theo số lượng. Ví dụ 1: Doanh nghiệp là đại lý độc quyền phân phối, khi ký hợp đồng đại lý có quy định số lượng tiêu thụ tối thiểu trong một năm phải đáp ứng là điều kiện của đại lý (nghĩa là một năm phải nhập đạt số lượng qui định mới được là đại lý độc quyền phân phối) nhưng khi ký hợp đồng nhập khẩu từng chuyến lại có khoản giảm giá theo số lượng có phù hợp thông lệ thương mại không?

Mặt khác, trong thời gian qua, khi xác định trị giá Hải quan chưa có quy định về xác định trước trị giá tính thuế, xác định trị giá đối với các trường hợp chuyển giá. Quy định về “trị giá tính thuế đến cửa khẩu đầu tiên” chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Một số nội dung mang tính kỹ thuật như phí bản quyền, phí giấy phép, trị giá phần mềm, khoản giảm giá, tham vấn,… còn chung chung, khó hiểu, chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn cho thực hiện. Hệ thống cơ sở dữ liệu còn nghèo nàn, đa số chỉ dựa vào thông tin do doanh nghiệp khai báo, độ tin cậy thấp. Việc chỉ sử dụng nguồn thông tin do doanh nghiệp khai báo như hiện nay để kiểm tra trị giá khai báo, tham vấn và xác định trị giá vô hình dung đã “hợp thức hóa” cho tình trạng gian lận thương mại. Như vậy, tình trạng gian lận qua giá vẫn tiếp diễn và ngày càng tinh vi, phức tạp hơn như khai báo là hàng khuyến mại đối với hàng không phải là hàng khuyến mại; Dựa vào các mức giá tại danh mục quản lý rủi ro, danh mục mặt hàng trọng điểm để khai báo thấp dần trị giá thực thanh toán; khai báo giá thành phẩm, sản phẩm nguyên chiếc thấp hơn so với nguyên vật liệu chính cấu thành; Không khai báo tiền bản quyền, phí giấy phép; Khai báo thấp trị giá hàng xuất khẩu đối với hàng xuất khẩu có mức thuế cao…

Thứ tư, gian lận giá tính thuế qua giả mạo giấy tờ giao dịch.

Trên cơ sở các qui định của Hiệp định trị giá GATT /WTO, Việt Nam đã xây dựng hệ thống văn bản pháp qui xác định trị giá tính thuế theo trị giá giao

dịch bằng Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 06 tháng 06 năm 2002 và Thông tư số 118/2003/TT-BTC ngày 8 tháng 12 năm 2003. Mặc dù đã đáp ứng cơ bản các nội dung yêu cầu của Hiệp định trị giá GATT /WTO, song có một số điều khoản chưa thực sự phù hợp với các cam kết của WTO, đặc biệt khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO, do vậy Nghị định số 155 đã được thay thế bởi Nghị định số 40/2007/NĐ-CP, ngày 13 tháng 06 năm 2007. Việc áp dụng Hiệp định trị giá GATT /WTO đã tạo bước ngoặt cơ bản cho hệ thống xác định trị giá tính thuế hiện hành ở Việt Nam, một mặt vừa đảm bảo tính công bằng về nghĩa vụ thuế và thực hiện cam kết quốc tế, mặt khác tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Tuy nhiên, trong thời gian qua có khá nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách này để gian lận thuế qua trị giá tính thuế dưới các hình thức sau:

+ Khai báo thấp trị giá đối với những mặt hàng có thuế suất cao, những mặt hàng nhạy cảm.

+ Khai báo trị giá của các lô hàng nhập khẩu giống hệt, tương tự thấp hơn trị giá giao dịch thực tế.

+ Khai thấp trị giá đối với lô hàng nhập “thử”, tức nhập để thăm dò thái độ của cơ quan Hải quan sau đó nhập khẩu ồ ạt liên tục trong một khoảng thời gian ngắn theo mức giá thấp đã khai báo trước đó.

+ Giảm giá bằng thủ đoạn tháo rời hàng nguyên chiếc thành linh kiện hoặc nguyên liệu nhập khẩu, được thực hiện bằng cách lập nhiều công ty khác nhau hoặc móc nối giữa các công ty với nhau và mỗi công ty nhập khẩu một bộ phận cấu thành của hàng nguyên chiếc về các cửa khẩu khác nhau trong các thời điểm khác nhau để tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan.

+ Khai tăng trị giá tính thuế so với trị giá thực tế của hàng hoá nhập khẩu để tăng vốn đầu tư và chuyển “lậu” lợi nhuận ra nước ngoài, hình thức này thường được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá dưới hình thức tiếp nhận đầu tư từ nước ngoài như các Công ty đa quốc gia, Công ty mẹ - con...

Ngoài ra, trong những năm gần đây khi Nhà nước áp dụng chính sách thuế suất nhập khẩu linh kiện ô tô thấp thì việc lợi dụng chính sách này để chuyển giá đã diễn ra khá phổ biến, như khai tăng giá trị của linh kiện phụ tùng đầu vào bằng hoặc cao hơn giá trị của sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu kinh doanh hoặc nhập khẩu bộ linh kiện không đồng bộ, thiếu một vài chi tiết, gây khó khăn cho cơ quan Hải quan trong việc xác định trị giá tính thuế hoặc lợi dụng quy định về hàng khuyến mại, hàng bảo hành để gian lận thuế. Chẳng hạn, tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, kể từ khi triển khai thực hiện trị giá GATT đến nay qua thống kê cho thấy phần lớn các doanh nghiệp đều có giá khai báo không đúng so với giá thực tế mua bán. Tính đến hết ngày 30 tháng 10 năm 2006 toàn Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn có 15.342 tờ khai hàng nhập khẩu thuộc diện nghi ngờ về trị giá khai báo trên tổng số gần 25.000 tờ khai nhập khẩu áp dụng trị giá GATT (chiếm trên 60%). Trong đó kiểm tra và đã phát hiện số tờ khai sử dụng thủ đoạn gian lận khai tăng trị giá là 35 tờ khai, mặt hàng vi phạm chủ yếu là máy móc, thiết bị công nghiệp, vật tư xây dựng công trình, nguyên liệu sản xuất, thiết bị y tế, giáo dục; Số tờ khai sử dụng thủ đoạn gian lận khai giảm trị giá là 1864 tờ khai, mặt hàng vi phạm chủ yếu ôtô, xe máy, hàng tiêu dùng, hàng gia dụng, điện máy, điện tử, thiết bị trang trí nội thất, bộ linh kiện xe gắn máy; Số tờ khai sử dụng thủ đoạn gian lận mô tả sai hàng hoá nhập khẩu là 24 tờ khai, mặt hàng vi phạm chủ yếu là điều hoà nhiệt độ, máy giặt, tủ lạnh, hoá chất, thiết bị chính xác.

Một phần của tài liệu Giải pháp chống thất thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)