Nguyên nhân của thất thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Một phần của tài liệu Giải pháp chống thất thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 37 - 41)

- Thất thu do khai sai trị giá

2.2.3.Nguyên nhân của thất thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Thất thu thuế XNK có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, có thể do các nguyên nhân mang tính chủ quan, cũng có thể do các nguyên nhân mang tính khách quan, việc tìm hiểu rõ các nguyên nhân gây ra thất thu thuế XNK là một trong những yêu cầu quan trọng để có thể đề ra được biện pháp chống thất thu thuế XNK. Có thể kể đến một số nhóm nguyên nhân cơ bản gây thất thu sau đây:

2.2.3.1. Thất thu thuế do nguyên nhân khách quan Thứ nhất, do thay đổi chính sách thuế của các quốc gia

Khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, mỗi một quốc gia thành viên đều phải thay đổi và tuân thủ các nguyên tắc đã cam kết trong quá trình hội nhập, một số chính sách phải thay đổi theo như Luật thuế Xuất khẩu, Nhập khẩu, Biểu thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu;.... cho phù hợp với tình hình phát triển của từng nước, để phù hợp và thống nhất với một số Luật khác. Đồng thời, cũng phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thống nhất đảm bảo mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo hộ sản xuất trong nước, định hướng tiêu dùng. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cũng đồng thời tạo nên những sơ hở mà các đối tượng buôn lậu, trốn thuế lợi dụng lách luật với mục đích là đưa hàng hóa nhập khẩu có mức thuế suất cao về mức thuế suất thấp, giảm tiền thuế phải nộp. Hay một số nước khi áp dụng giá tính thuế theo Hiệp định trị giá GATT, đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng để trốn thuế, qua một số hình thức như: Khai giá thấp hơn so với giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán, khai sai tên hàng của mặt hàng thực nhập, gian lận trong hàng khuyến mại, hàng phi mậu dịch. Bên cạnh đó doanh nghiệp còn lợi dụng việc ân hạn chậm nộp thuế, hay mặt hàng có thuế suất cao phải nộp thuế ngay khai giá trị thấp, nhập ồ ạt về, sau đó thay đổi số đăng ký kinh doanh bỏ trốn, mất tích; Khai sai số lượng, trọng lượng của hàng hóa; Ghi sai xuất xứ của hàng hóa với mục đích là để giảm mức thuế nhập khẩu.

Thứ hai, do ảnh hưởng môi trường kinh tế: Môi trường kinh tế là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp bởi một môi trường kinh tế thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình. Thuế là công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế, do đó để thực hiện chính sách bảo hộ, khuyến khích sản xuất trong nước và khuyến khích xuất khẩu, pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có các quy định khuyến khích hoặc hạn chế việc xuất khẩu, nhập khẩu đối với một số hàng hóa. Sự khuyến khích hoặc hạn chế này thể hiện tập trung ở biểu thuế áp dụng có tính chất phân biệt đối với các loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, do đó nếu không có những nghiên cứu cụ thể sẽ gây ra những thất thu thuế tiềm năng. Với những giai đoạn có sự thay đổi trong chính sách như vậy, cơ quan Hải quan là đơn vị thực thi việc thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sẽ căn cứ vào các văn bản quy định để tính và đề xuất các chính sách thu thuế phù hợp. Chính vì vậy môi trường kinh tế cũng ảnh hưởng đến quản lý thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.

Thứ ba, do sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật: Hội nhập kinh tế quốc tế, giúp các nước có cơ hội tiếp nhận khoa học kỹ thuật và nền công nghệ cao của các nước phát triển làm cho sự phát triển kinh tế của các nước đang phát triển có nhiều thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nó luôn có tính hai mặt, bởi do sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các nhà làm luật không lường hết tác động của các nhân tố mới nên không xây dựng được một mức thuế phù hợp khi sản phẩm mới xuất hiện, dễ gây thất thu thuế tiềm năng. Thông thường phải sau một thời gian nhất định thì các cơ quan thuế mới có thông tin đầy đủ để áp dụng mức thuế phù hợp nhất.

Thứ tư, do tác động của hội nhập kinh tế quốc tế: Hiện nay môi trường kinh doanh của một doanh nghiệp không chỉ bó hẹp ở một quốc gia mà còn trên rất nhiều nước khác nhau khi tham gia và phân công lao động. Các nước đang phát triển thường phải đối mặt với tình trạng chuyển giá, khai khống hay giảm

giá trị đầu tư với mục đích trốn thuế. Bên cạnh đó còn nhiều trường hợp lợi dụng ưu đãi quốc gia, lãnh thổ để gian lận các chứng nhận xuất xứ gây thất thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Thứ năm, do buôn lậu và gian lận thương mại: Thất thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu có nhiều nguyên nhân, song trong những nguyên nhân đó thì buôn lậu và gian lận thương mại được đánh giá là vấn đề nhức nhối nhất hiện nay của các nước. Hành vi buôn lậu thường do yếu tố lợi nhuận chi phối và thường diễn ra ở những mặt hàng có thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu cao, mặt hàng cấm xuất khẩu, nhập khẩu hay mặt hàng có thuế suất thấp nhưng mức tiêu thụ trên thị trường nội địa lớn nên dẫn tới lợi nhuận do buôn lậu cao.

Từ những khái quát trên đây về các nguyên nhân cơ bản gây ra thất thu thuế mang tính phổ biến, ở đâu có thuế thì ở đó có người cố tình trốn thuế, lậu thuế, do vậy còn thất thu thuế. Người nộp thuế khi thấy lợi ích của mình bị chia sẻ, họ luôn luôn tìm cách làm giảm số thuế phải nộp; lúc đầu các hình thức trốn thuế còn đơn giản, mang tính cơ học, càng về sau cùng với sự phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế, thì các hình thức trốn thuế được che đậy dưới những hình dạng khác nhau, ngày càng tinh vi hơn, có hệ thống hơn. Khi một dạng trốn thuế này bị phát hiện, thì người ta lại nghĩ ra một cách khác để trốn thuế. Tuy nhiên, trong điều kiện từng Nhà nước khác nhau, với mục đích khác nhau trong việc sử dụng công cụ thuế, với sự giác ngộ, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế khác nhau của các tầng lớp dân cư thì thất thu thuế diễn ra trên những mức độ, phạm vi, quy mô khác nhau và việc đưa ra các biện pháp để chống thất thu thuế là cũng tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi một quốc gia trong từng thời kỳ nhất định, đó cũng là nghệ thuật trong quản lý, điều hành của mỗi quốc gia đó.

2.2.3.2. Nguyên nhân chủ quan

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, có nhiều nguyên nhân khác ảnh hưởng đến công tác thu thuế của Hải quan . Các nguyên nhân chủ yếu là:

Thứ nhất, do sự yếu kém về nghiệp vụ của công chức Hải quan: Trình độ nghiệp vụ của cán bộ Hải quan cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế. Do sự phát triển kinh tế - xã hội, xuất hiện nhiều hình thức thương mại quốc tế, nhiều loại hàng hóa đa dạng về chủng loại, chất lượng, có thể sử dụng nhiều mục đích. Nếu trình độ nghiệp vụ của cán bộ Hải quan không đạt yêu cầu, thiếu kinh nghiệm sẽ dễ dẫn đến việc tiếp nhận đăng ký loại hình xuất nhập khẩu do doanh nghiệp đề nghị hay phân tích, phân loại, áp mã sai dẫn đến thất thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu hoặc cho doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi thuế không hợp lý. Tính liêm chính của cán bộ Hải quan đóng vai trò quan trọng trong việc chống thất thu thuế cho ngân sách. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ yếu kém dẫn đến tạo cơ hội cho hàng hóa sai quy cách nguồn gốc, chất lượng xấu thâm nhập vào thị trường. Đây chính là nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng thất thu thuế lớn nhất.

Thứ hai, do công tác kiểm tra, kiểm soát chưa tốt: Để quản lý thuế xuất khẩu, nhập khẩu đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước, thì cơ quan quản lý thuế phải xây dựng một cơ cấu tổ chức quản lý thuế phù hợp với tính chất, quy mô, trình độ phát triển của hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại nước mình. Hiệu quả công tác quản lý thu thuế phụ thuộc vào khả năng vận hành bộ máy quản lý vì tại đây tổ chức thực hiện các hoạt động của quản lý thu thuế bao gồm: xây dựng dự toán thu thuế, tổ chức thực hiện thu thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, đốc thúc thu hồi nợ thuế… Tính hiệu quả của tổ chức quản lý thu thuế xuất khẩu, nhập khẩu thể hiện ở tính chuyên nghiệp có sự chuyên môn hóa trong các khâu nghiệp vụ, bố trí đúng người đúng việc thành một dây chuyền liên hoàn từ khâu đăng ký tờ khai, kiểm tra khai báo thuế, thu thuế, thông quan, phúc tập và kiểm tra sau thông quan đảm bảo giảm tối đa thời gian thông quan cho doanh nghiệp mà vẫn thu đúng, thu đủ số thuế xuất nhập khẩu mà doanh nghiệp phải nộp. Tùy thuộc vào khối lượng công việc của từng khâu mà bố trí số

cán bộ phù hợp, nếu không sẽ bị ùn tắc, do sức ép về thời gian phải thông quan hàng hóa sẽ dễ dẫn đến sai lệch về số thuế phải thu.

Thứ ba, do ý thức tuân thủ pháp luật thuế của đối tượng nộp thuế: Chủ thể chịu sự điều chỉnh của các văn bản thuế, phải thực hiện khai báo thuế, nộp thuế chính là những đối tượng nộp thuế. Số lượng và trình độ nhận thức của đối tượng nộp thuế sẽ ảnh hưởng tới tổ chức bộ máy quản lý thuế. Có thể nhận thấy rằng nếu đối tượng nộp thuế có am hiểu về pháp luật thuế cùng với ý thức chấp hành tốt pháp luật thì chắc chắn không bao giờ có hiện tượng gian lận thuế hay chây ỳ, nợ đọng thuế dẫn đến thất thu thuế. Hay số lượng đối tượng nộp thuế nhiều, phức tạp thì cơ quan Hải quan cũng phải điều chỉnh, bổ sung số lượng cán bộ cho phù hợp để vừa đạt yêu cầu về thời gian thông quan, vừa đạt yêu cầu nhiệm vụ quản lý thuế.

Thứ tư, do đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn: Trong nền kinh tế thị trường hiện nay sự phân hóa giàu nghèo ngày càng trở nên sâu sắc. Một số người mong muốn giàu lên một cách nhanh chóng đã tham gia vào hoạt động buôn lậu, gian lận để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Những vùng nông thôn vùng núi đặc biệt khó khăn, nên gian thương đã lợi dụng người dân để vận chuyển cho họ.

Một phần của tài liệu Giải pháp chống thất thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 37 - 41)