+ Kinh phí hoạt động thường xuyên của Tổ nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH bao gồm: bồi dưỡng viết báo cáo, viết tham luận, bồi dưỡng hội họp, bồi dưỡng làm ngoài giờ
Dự kiến kinh phí cho hoạt động của Tổ nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH: 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng chẵn);
+ Kinh phí tổ chức Hội thảo khoa học: thực hiện tổ chức 2 cuộc hội thảo tại 2 miền Nam - Bắc. Mỗi cuộc hội thảo dự kiến khoảng 100 đại biểu, thời gian mỗi cuộc hội thảo là 2 ngày. Các khoản chi phí bao gồm: chi viết báo cáo tham luận hội thảo; chi phí đi lại, ăn nghỉ tại khách sạn nơi tổ chức hội thảo; chi phí hành chính cho việc tổ chức hội thảo.
Dự kiến kinh phí cho Hội thảo khoa học:
300.000.000 đồng/1 cuộc hội thảo X 2 cuộc hội thảo = 600.000.000 đồng (sáu trăm triệu đồng chẵn);
+ Kinh phí tuyên truyền cho đợt sửa đổi Luật BHXH bao gồm chi phí phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành, nhất là với các cơ quan tuyên truyền ở Trung ương và địa phương thực hiện đợt tuyên truyền về việc sửa đổi bổ sung Luật BHXH.
Dự kiến kinh phí cho công tác tuyên truyền: 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng chẵn)
Như vậy tổng cộng chi phí cho hoạt động sửa đổi Luật BHXH đối với ngành BHXH dự kiến là:
100 000 000 đồng + 600 000 000 đồng + 100 000 000 đồng = 800 000 000 đồng (tám trăm triệu đồng chẵn). (tám trăm triệu đồng chẵn).
Cũng như giai đoạn trước đây khi tham gia xây dựng Luật BHXH, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có những nghiên cứu nghiêm túc và có nhiều nội dung góp ý xác đáng tác động đến việc ban hành các điều khoản của Luật BHXH. Vì vậy, đối với công tác sửa đổi Luật BHXH trong thời gian tới, BHXH Việt Nam cần tiếp tục chuẩn bị tốt các nội dung đóng góp sửa đổi nhằm hoàn thiện Luật BHXH. Đây được coi là một trong nhiệm vụ quan trọng của ngành BHXH.
KẾT LUẬN
Luật BHXH là một bước phát triển cao về khung pháp lý đối với việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách BHXH ở nước ta. Kế thừa và phát huy những nội dung tiến bộ về chính sách BHXH cũng như hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHXH hợp lý giai đoạn vừa qua, Luật BHXH tiếp tục đi sâu vào đời sống xã hội, ngày càng trở thành công cụ điều tiết xã hội tích cực của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta, góp phần ổn định xã hội cũng như góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Sau hơn 3 năm thực hiện Luật BHXH, trong đó hơn 3 năm thực hiện BHXH bắt buộc, hơn 2 năm thực hiện BHXH tự nguyện và hơn 1 năm thực hiện BHTN đã đạt được những thành tựu đáng kể như: số lượng đối tượng tham gia BHXH tăng cao trong đó có gần 10 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, hơn 55 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện và gần 7 triệu người tham gia BHTN; nguồn thu vào các quỹ tăng nhanh và việc giải quyết chế độ cho người hưởng quyền lợi cũng đảm bảo kịp thời, đúng chế độ, tạo sự yên tâm, tin tưởng của người lao động vào chính sách BHXH. Tương tự như vậy, khung pháp lý và các chế tài quy định tại Luật BHXH đã đảm bảo đầy đủ hơn quyền và nghĩa vụ của các đối tác tham gia chính sách BHXH. Đặc biệt chính sách BHTN được ban hành theo Luật BHXH vào thời điểm kinh tế toàn cầu đã và đang trong giai đoạn khủng hoảng càng khẳng định tính đúng đắn và sự cần thiết của chính sách này đối với hoạt động của thị trường lao động ở nước ta.
Tuy nhiên, những quy định về nội dung của các chế độ, của công tác tổ chức thực hiện tại Luật BHXH trong thời gian qua cũng đã bộc lộ những hạn chế của nó. Vì vậy cần có những nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật BHXH. Đây là một việc làm mang tính chất thường xuyên đối với việc ban hành và tổ chức thực hiện Luật BHXH của tất cả các nước trên thế giới.
Đề án được tổ chức nghiên cứu với sự tham gia của BHXH 14 tỉnh, với sự phối hợp nghiên cứu và cập nhật thông tin của Ban thực hiện chính sách BHXH thuộc BHXH Việt Nam. Ban chủ nhiệm đề án đã tiến hành rà soát lại toàn bộ các điều khoản quy định tại Luật BHXH cũng như toàn bộ hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH như hệ thống các Nghị định của Chính phủ (12 Nghị định); các quyết định của Thủ tướng chính phủ (6 Quyết định); các Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan (20 Thông tư) và hàng chục các Quyết định hướng dẫn thực hiện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm đề án cũng thu thập các thông tin phản ánh của BHXH các tỉnh, thành phố; các Chủ doanh nghiệp cũng như người lao động là những người trực tiếp có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật BHXH để lựa chọn, tìm ra những luận cứ thực tiễn để đề xuất hoàn thiện Luật BHXH. Thực ra, chính sách BHXH là một bộ phận của chính sách xã hội , nó được ban hành và được tổ chức thực hiện trong một khuôn khổ của nền kinh tế xã hội nhất định, hơn nữa nó lại là công cụ điều tiết xã hội nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các đối tác tham gia BHXH cũng như quan hệ trên thị trường lao động. Vì vây, để có thể đưa ra những đề xuất có đầy đủ căn cứ lý luận và thực tiễn nhằm sửa đổi Luật BHXH đòi hỏi cũng phải có khoảng thời gian thực hiện nhất định và cũng phải thu thập và lựa chọn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau có liên quan đến quan hệ BHXH. Cho nên, trong khuôn khổ của Đề án, Ban chủ nhiệm đề án mới đưa ra các đề xuất mang tính thiết thực, bức bách cần sửa đổi Luật BHXH trong thời gian tới.
Vì thời gian nghiên cứu có hạn, đề án được triển khai nghiên cứu từ tháng 6/2010 đến nay tháng 11/2010, cho nên đề án sẽ khó có thể tránh khỏi những thiếu sót, Ban chủ nhiệm đề án mong nhận được những ý kiến đóng góp nhiệt tình của người đọc nhằm cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn để hoàn thiện Luật BHXH, phát huy đầy đủ vai trò của Luật BHXH trong đời sống xã hội.