Môi trường kinh doanh

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu Việt Nam (Trang 28)

Môi trường kinh doanh có ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Nói đến môi trường kinh doanh của một nước là phải nói đến hệ thống pháp luật và chính sách của nước đó. Sự gia nhập và rút lui dễ dàng khỏi thị trường của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá sự thông thoáng của môi trường kinh doanh. Các yếu tố xã hội như: an

ninh trật tự cũng có ảnh hưởng mạnh đến môi trường kinh doanh. Ngoài ra các yếu tố về văn hoá, phong tục tập quán...cũng là những yếu tố không thể thiếu được khi xem xét môi trường kinh doanh của một nước.

Thực tế cho thấy, năng lực cạnh tranh của hàng nông sản xuất khẩu ra thị trường thế giới không chỉ đơn thuần do doanh nghiệp tạo ra. Để chiếm lĩnh được thị trường thế giới cần có môi trường kinh doanh thông thoáng do Nhà nước tạo ra, hỗ trợ cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá. Để tạo ra môi trường kinh doanh, Nhà nước thường sử dụng các luật và chính sách về thương mại, thuế, lãi suất, tỷ giá nhằm mục tiêu giảm chi phí sản xuất, sử dụng việc chi ngân sách cho đầu tư nghiên cứu khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, bằng sử dụng hệ thống luật pháp, chính sách, cơ chế điều chỉnh quan hệ kinh doanh và điều chỉnh việc gia nhập cũng như rút lui khỏi thị trưòng.

Trong quá trình tự do hoá thương mại, các quốc gia thường sử dụng các công cụ bảo hộ khác nhau để đảm bảo cho hàng hoá của mình có đủ năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả ngoài nước, trong đó chính sách tài chính, tiền tệ có vai trò đặc biệt quan trọng. Các công cụ thường được các nước sử dụng là thuế xuất- nhập khẩu hàng hoá, chính sách tỷ giá hối đoái.

Việc sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái để điều chỉnh hoạt động xuất nhập khẩu là vô cùng quan trọng. Duy trì tỷ giá theo hướng đề cao giá trị đồng nội tệ sẽ có tác dụng khuyến khích nhập khẩu. Ngược lại, thực hiện tỷ giá theo hướng hạ thấp giá trị đồng nội tệ sẽ khuyến khích việc xuất khẩu, tăng năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Đối với hàng hoá nông sản ngoài những yếu tố kể trên còn có tác động của yếu tố tự nhiên khiến cho chính bản thân hàng hoá tạo nên sức cạnh tranh của nó, đó là những sản phẩm được nuôi trồng trong điều kiện tự nhiên, thích hợp với đất đai thổ nhưỡng. Bởi vì, sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng rất nhiều vào yếu tố tự nhiên như đất đai, khí hậu, nhiệt độ, ánh sáng v.v...Chính những điều kiện tự nhiên này là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng cũng như tính đặc trưng của sản phẩm.

Đối với nông sản xuất khẩu, ngoài yêu cầu chất lượng, hình thức, bao bì....có tính vượt trội so với hàng hoá khác cùng loại trên thị trường, và phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, còn có thêm yếu tố sạch do người tiêu dùng yêu cầu.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của nông sản xuất khẩu Việt Nam (Trang 28)