QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VIETTEL CAMPUCHIA

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của công ty Viettel Campuchia - Những bài học kinh nghiệm (Trang 46)

2.1 QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VIETTEL CAMPUCHIA CAMPUCHIA

Mặc dù thành lập năm 1989 nhưng mãi đến ngày 15.10.2004, Viettel (TCT viễn thông quân đội) mới chính thức khai trương dịch vụ điện thoại di động với đầu số 098. Tuy lúc bấy giờ các đại gia về dịch vụ di động như Vinaphone, Mobifone đang chiếm lĩnh thị trường nhưng sự ra đời của dịch vụ di động Viettel đã góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng, đem lại sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường thông tin di động Việt Nam. Sự có mặt của Viettel tại thị trường viễn thông trong nước đã phá thế độc quyền của VNPT trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông, kéo theo sự xuất hiện và phát triển của nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông khác và thổi bùng lên cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thị trường này.

Ngay tại thời điểm năm 2005, khi thị trường viễn thông tại Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ và hứa hẹn, mặc dù khả năng thành công của Viettel trong nước còn đang bị hoài nghi, ban lãnh đạo Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel đã lên kế hoạch phát triển kinh doanh dịch vụ viễn thông ra nước ngoài. Ban lãnh đạo của Viettel tại thời điểm đó đã nhận định rằng việc phát triển kinh doanh dịch vụ viễn thông ra nước ngoài là nhiệm vụ tất yếu, là định hướng để Viettel phát triển mạnh mẽ và bền vững. Quan niệm của ban lãnh đạo Viettel là “một tổ chức luôn ổn định là một tổ chức chết, và một tổ chức luôn đợi ổn định việc này mới tính đến làm việc khác thì sẽ bị lỡ mất cơ hội”. Hơn nữa, Lúc đó, Việt Nam đang trên đường đàm phán và nhiều khả năng sẽ gia nhập WTO trong thời gian ngắn (và thực tế đã chứng minh đúng như vậy). Như vậy, trước sau gì thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải kinh doanh trong một môi trường quốc tế. Do đó, việc Viettel sớm đầu tư ra nước ngoài là tự tạo ra cơ hội để cọ sát, đúc rút kinh nghiệm để tự hoàn thiện mọi

mặt, tăng cường sức cạnh tranh của tổ chức, sẵn sàng cho một “cuộc chiến” toàn cầu ngay trên sân nhà ở lĩnh vực viễn thông sẽ diễn ra trong một tương lai không xa. Nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về các thị trường mục tiêu, Viettel lựa chọn con đường phát triển kinh doanh viễn thông ra nước ngoài là nhắm vào các thị trường các nước đang phát triển, nơi mà mảnh đất dịch vụ viễn thông vẫn còn được bỏ ngỏ chưa được khai thác nhiều. Trong số các thị trường mục tiêu mà Viettel nhắm đến, với những lợi thế về địa lý, quan hệ chính trị và những điểm tương đồng về xã hội, Campuchia được xác định là một trong những bước đi đầu tiên mà Viettel hướng ra thị trường quốc tế. Đây vừa là một bước đi nhằm phát triển, mở rộng thị trường kinh doanh, đồng thời cũng là một bước đệm mang tính chất học hỏi, thử nghiệm để Viettel vượt ra khỏi phạm vi khu vực, vươn tới các thị trường mới mẻ hơn, xa hơn.

Tháng 5/2006, Viettel đầu tư 100% vốn thành lập Viettel Campuchia. Đây là dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên của Viettel. Cũng giống như khi bắt đầu gia nhập thị trường viễn thông ở Việt Nam, dịch vụ đầu tiên mà Viettel lựa chọn khi đầu tư vào Campuchia là dịch vụ VoIP, đây là dịch vụ vẫn còn độc quyền ở đất nước này (do đó khi Viettel đầu tư vào sẽ nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ Campuchia). Hơn nữa, đây là dịch vụ ít phải đầu tư cơ sở hạ tầng nhất và khả năng thu lời cũng cao nhất. Sau đúng 2 tháng nhận được giấy phép (ngày 10/8/2006, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho phép Viettel thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ VoIP tại Campuchia), Viettel đã chiếm tới gần 20% thị trường điện thoại quốc tế tại Campuchia, một thị trường có tới gần 10 giấy phép VoIP. Trên cơ sở những kinh nghiệm từ khi triển khai dịch vụ VoIP, Viettel lại tiếp tục nghiên cứu thị trường và quyết định sẽ đầu tư thêm hai dịch vụ nữa là di động (sử dụng công nghệ GSM) và Internet. Và đến ngày 29/11/2006, Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia đã cấp phép cho Viettel cung cấp dịch vụ di động trong thời hạn 30 năm và cung cấp dịch vụ kết nối Internet (IXP) và dịch vụ truy nhập Internet (ISP) trong thời hạn 35 năm.

Đến tháng 2/2009, sau hơn 1 năm xây dựng, mạng di động Metfone (đầu tư khoảng 30 triệu USD) của Viettel Campuchia chính thức được khai trương. Khi đó, Viettel đã phát triển trên 1.700 trạm thu phát sóng di động (BTS) và triển khai gần

10.000 km cáp quang, phủ khắp các quốc lộ, các tỉnh, thành, trung tâm huyện, vươn ra cả vùng biên giới, vùng sâu vùng xa của đất nước này [1;26, p.20]. Tính đến thời điểm hiện nay, Viettel Campuchia vẫn đang là nhà cung cấp mạng viễn thông lớn nhất Campuchia, đứng đầu cả về hạ tầng truyền dẫn, số lượng thuê bao và doanh thu tại thị trường này.

2.2 PHÂN TÍCH NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA VIETTEL CAMPUCHIA 2.2.1 Cạnh tranh trên thị trƣờng viễn thông Campuchia

2.2.1.1 Tổng quan về thị trường viễn thông Campuchia

Campuchia là một nước nằm ở khu vực Đông Nam Á, có diện tích 181 nghìn km2, đường biên giới trên bộ tiếp giáp với Thái Lan, Việt Nam và Lào và có đường biển dài trông ra vịnh Thái Lan. Dân số Campuchia tính đến năm 2009 là 14,7 triệu người, số người trong độ tuổi lao động là 8,8 triệu. Độ tuổi bình quân của dân số là 23. Dân thành phố chiếm 20% tổng dân số cả nước [35]. Campuchia là nước nghèo và kém phát triển, năm 2010 GDP đạt 11,6 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 835 USD [29]. Cơ sở hạ tầng viễn thông của Campuchia vốn rất kém phát triển lại bị phá hủy hầu như hoàn toàn dưới thời Khơ me đỏ. Trong khuôn khổ của chương trình trợ giúp Campuchia phục hồi sau chiến tranh, năm 1990 Liên Hợp Quốc đã tài trợ 21,5 triệu USD cho dự án tái lập lại mạng truyền dẫn quốc gia, bao gồm: 54 trạm vệ tinh mặt đất, (sử dụng vệ tinh PALAPA), 33 PABXs, 4000 đường điện thoại cố định, và hệ thống quản trị mạng [26, p 7-8]. Hệ thống đường điện thoại cố định được đầu tư xây dựng với sự hỗ trợ của nước ngoài chủ yếu chỉ đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ cho thủ đô Pnom Penh. Tỷ lệ thâm nhập là rất thấp và tốc độ tăng trưởng là không đáng kể. Tính tới năm 2008, tổng số thuê bao dịch vụ cố định chỉ đạt con số là 40.000. Tuy nhiên, năm 2009 và 2010 đã chứng kiến xu hướng đi lên khá mạnh của thị trường với số thuê bao đạt tương ứng là 54.200 và 60.000 (Bảng 2.1)

Trái với sự phát triển trì trệ của thị trường viễn thông cố định, việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông với công nghệ số hóa đã được triển khai với những bước phát triển nhảy vọt.

Bảng 2.1. Một số chỉ số chủ yếu của thị trƣờng viễn thông Campuchia

(2008-2010)

2008 2009 2010

Dịch vụ cố định

Tổng số thuê bao 40.000 54.200 60.000

Tăng trưởng hàng năm 5% 26% 11%

Mức thâm nhập/dân số 0,3% 0,36% 0,40%

Mức penetration/hộ gia đình 1,5% 2,0% 2,2%

Internet

Tổng số thuê bao 16.000 34.000 175.000

Tăng trưởng hàng năm 10% 112% 514%

Mức thâm nhập/dân số 0,1% 0,2% 1,19%

Mức thâm nhập/hộ gia đình 0,5% 1,3% 1,7%

Dịch vụ di động

Tổng số thuê bao 3,9 triệu 7,9 triệu 9,9 triệu

Tăng trưởng hàng năm 56% 103% 25%

Mức thâm nhập/dân số 28% 54% 67%

Nguồn: Budde Communication Pty Ltd (2009), p.1-2; Bill Thompson (2011), Cambodia & Laos Telecommunications Report Q2 2011,www.fastmr.com

Áp dụng công nghệ không dây (vô tuyến) đã giúp Campuchia triển khai nhanh chóng mạng viễn thông, thay thế mạng cố định bị tàn phá sau 20 năm chiến tranh. Được đưa vào khai thác cuối năm 1992, chỉ trong 1 năm, số thuê bao điện thoại di động đã vượt quá số thuê bao cố định. Sự tăng trưởng vượt trội của dịch vụ di động cùng với sự trì trệ của dịch vụ cố định trong suốt thời kỳ dài dẫn đến dịch vụ di động áp đảo hoàn toàn thị trường viễn thông Campuchia, chiếm hơn 99% dịch vụ điện thoại trong cả nước [26, p.5]. Đây cũng là phân đoạn thị trường có mức tăng trưởng cao nhất, với tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 50%/năm. Tính đến cuối

năm 2010, số thuê bao điện thoại di động ước đạt tới con số 9.9 triệu, chiếm 67% trên tổng số 14,7 triệu dân (Bảng 2.1).

Bên cạnh sự phát triển nhảy vọt của các mạng di động, WLL (Wireless Local Loop-vòng vô tuyến nội hạt) là sự lựa chọn tốt cho việc mở rộng tiếp cận viễn thông, giúp cung ứng nhanh một lượng giới hạn các dịch vụ cố định (limited number of fixed-line services) trong điều kiện kết cấu hạ tầng cố định còn yếu kém. Tuy nhiên, tiềm năng của công nghệ này vẫn chưa được Campuchia khai thác triệt để.

Sự phát triển của dịch vụ Internet ở Campuchia cũng bị “hiện tượng di động” làm cho lu mờ. Trong một thời gian khá dài tỷ lệ sử dụng Internet (internet take-up rate) luôn duy trì ở mức hết sức thấp. Theo tiêu chí này, Campuchia được xếp vào một trong số các nước có mức thâm nhập Internet thấp nhất trong khu vực. Sự yếu kém của cơ sở hạ tầng cố định là một nguyên nhân chủ yếu cản trở việc triển khai dịch vụ Internet dial-up và ADSL. Thị trường Internet bắt đầu có sự thay đổi kể từ năm 2007 khi các dịch vụ không dây băng thông rộng bắt đầu xuất hiện. Giai đoạn này thị trường chứng kiến sự nổi lên của một loạt các nhà khai thác quan tâm tới hình thức băng thông rộng đặc biệt là WiMAX. Đến đầu năm 2010, số lượng sử dụng dịch vụ Internet dựa trên sự gia tăng thâm nhập băng thông rộng đã tăng lên đáng kể. Số liệu trong bảng 2.1 cho thấy, năm 2010 tốc độ tăng trưởng số thuê bao Internet (ước tính) đạt mức kỷ lục là 514%. Tuy nhiên, mức thâm nhập chung của dịch vụ Internet vẫn còn rất thấp (1,19% trên tổng số dân).

2.2.1.2. Các đối thủ cạnh tranh

a) Thị trường điện thoại cố định

Như đã đề cập ở trên, thị trường điện thoại cố định của Campuchia do hạn chế về kết cấu hạ tầng nên việc mở rộng tương đối khó khăn. Số thuê bao tăng chậm làm cho thị trường kém hấp dẫn không thu hút các nhà khai thác và cung ứng dịch vụ trong và ngoài nước tham gia. Bộ Bưu chính và Viễn thông Campuchia (MPTC) là cơ quan nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về bưu chính và viễn thông. Telelcom Cambodia là nhà khai thác viễn thông chính của đất nước hoạt động dưới quyền của MPTC. Công nghệ WLL được coi là thành tố quan trọng trong chiến

lược của Campuchia nhằm triển khai mạng cố định quốc gia. Trong thập kỷ cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, MPTC đã rất nỗ lực trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực WLL. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực, chiến lược WLL đã không mang lại kết quả mong đợi. Camshin (Cambodia Shinawatra Co Ltd) là công ty 100% vốn của Thái Lan được thành lập năm 1992 sử dụng công nghệ WLL nhằm triển khai nhanh các dịch vụ viễn thông cơ bản. Camshin đã thành lập liên doanh với MPTC để cung cấp dịch vụ WLL. Cho đến cuối năm 2000, liên doanh này cũng chỉ cung cấp được 7000 dịch vụ WLL, 90% trong số đó là tại Phnom Penh. Camintel là công ty thứ hai cung cấp dịch vụ WLL với số dịch vụ cung ứng đạt 1000 và tất cả đều thuộc khu vực thủ đô. Tại thị trường không nhiều đối thủ cạnh tranh này, Viettel, chỉ sau hơn 1 năm chính thức đi vào khai thác với việc ứng dụng công nghệ WLL đã chiếm tới 80% thị phần điện thoại cố định của Campuchia [52].

b) Thị trường điện thoại di động

Trái ngược với thị trường điện thoại cố định, mức độ cạnh tranh trên thị trường di động của Campuchia là cực kỳ gay gắt. Với mức thâm nhập 28% năm 2008, thị trường viễn thông di động Campuchia là mảnh đất đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 5 năm cuối thập kỷ 2000, thị trường này đã thu hút nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới thực hiện các khoản đầu tư mới, tạo nên sự phát triển hết sức sôi động tại phân khúc thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng của Campuchia. Diễn biến của quá trình phù hợp với chủ trương của nhà nước Campuchia. Theo tuyên bố của phát ngôn viên của thủ tướng Hun Sen, Eang Sophalleth, Campuchia mở rộng cửa chào đón và ủng hộ các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực viễn thông vì sự đóng góp quan trọng của nó cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Ông cũng nhấn mạnh, chính sách thị trường tự do sẽ đem lại lợi ích cho dân chúng và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài, dịch vụ viễn thông của Campuchia sẽ được hoàn thiện trong khi giá cả sẽ giảm xuống [47] .

Với chủ trương trên của chính phủ, tính đến đầu năm 2011 Campuchia cấp 11 giấy phép kinh doanh mạng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó 9 mạng đã đi vào khai thác (kể cả Viettel). Dưới đây luận văn sẽ giới thiệu tổng quan các đối thủ cạnh tranh của Viettel trên thị trường di động. Số liệu về các công ty đối thủ cạnh tranh bao gồm 5 công ty đã hoạt động trên thị trường viễn thông Campuchia trước Viettel và 3 công ty cùng gia nhập thị trường với Viettel năm 2009.

1/. Cambodia GSM (Mobitel)

Hoạt động dưới nhãn hiệu Mobitel, CamGSM Limited là công ty liên doanh giữa công ty Milicom International Cellular SA của Lúc Xem Bua (sở hữu 58,4%) và Tập đoàn Hoàng gia (sở hữu 41,6%). Tập đoàn Hoàng Gia là một conglomerat kinh doanh đa dạng và năng động nhất Campuchia. Chủ tịch và giám đốc điều hành là Neak Oknha Kith Meng, thư ký của Thủ tướng Hun Sen. Được thành lập với tư cách một công ty cổ phần đầu tư chiến lược, Tập đoàn Hoàng gia đã nhanh chóng mở rộng kinh doanh sang rất nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm: viễn thông, truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm, khu nghỉ mát ở bờ biển, giáo dục, bất động sản, thương mại và nông nghiệp…

CamGSM đã khởi động mạng GSM 900 đầu tiên của Campuchia vào năm 1997, trở thành nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất nước và duy trì vị trí dẫn đầu cho đến năm 2009 với thị phần đạt trên 70%. Đến cuối năm 2000, Mobitel đã tiến hành mở rộng mức độ bao phủ mạng đến tất cả các tỉnh của Campuchia, tuy nhiên thực tế mới chỉ phủ được 70%. Để tăng công suất và dịch vụ mạng, đầu những năm 2000 Mobitel đã đầu tư hơn 90 triệu USD. Năm 2007, Mobitel đã ký hợp đồng trị giá 150 triệu USD với Alcatel-Lucent, theo đó Alcatel cung cấp hạ tầng hỗ trợ cho việc mở rộng dịch vụ di động 3G ra vùng nông thôn nhằm phục vụ cho 3 triệu thuê bao ước tính sẽ đạt được trong vòng 4 năm. (Mobitel đã thường xuyên phải đối đầu với việc theo kịp nhu cầu mà luôn vượt quá công suất phục vụ) [26, p.16-17]. Tháng 8 năm 2009, Milicom đã bán toàn bộ hoạt động kinh doanh (trong đó bao gồm cổ phần khống chế tại Mobitel) với giá 346 triệu USD choTập đoàn Hoàng Gia và Mobitel trở thành công ty viễn thông 100% vốn địa phương [48].

2./ Camshin (Cambodia Shinawatra Co Ltd). Hoạt động dưới nhãn hiệu Mfone từ năm 2007.

Camshin là công ty con do công ty Thái Lan – Shin Corporation Public Company Ltd đầu tư 100% vốn. Sau 5 năm kể từ khi thành lập (năm 1992), năm 1997 Camshin đã được kéo dài thời hạn kinh doanh tại Campuchia từ 15 năm thành 35 năm và được phép đưa dịch vụ GSM 1800 vào khai thác. Năm 1998, Camshin ký hợp đồng với Siemens AG về thiết lập mạng, cung cấp hệ thống chuyển mạch, các nhà trạm, hệ thống kiểm tra và quản trị dự án. Đến cuối năm 1999 công ty đã chiếm được thị phần đáng kể của thị trường viễn thông phát triển hết sức nhanh

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của công ty Viettel Campuchia - Những bài học kinh nghiệm (Trang 46)