Bài học về thuê bao ảo

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của công ty Viettel Campuchia - Những bài học kinh nghiệm (Trang 92)

Nhìn lại thị trường dịch vụ viễn thông tại Việt Nam hiện nay, tính đến thời điểm hết Quý 1 năm 2011, theo thống kê của Wireless Intelligence có khoảng 120 triệu thuê bao di động, trong đó có khoảng 14 triệu thuê bao trả sau và khoảng 106 triệu thuê bao trả trước. Trong khi đó, tổng dân số Việt Nam đến thời điểm hiện nay chỉ vào khoảng gần 90 triệu dân. Như vậy, tỷ lệ thuê bao di động trên đầu người tại Việt Nam (tính cả trẻ nhỏ và người già) là khoảng 1,3 thuê bao trên đầu người. Mặc dù có một số lượng không nhỏ khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông sở hữu 2 số điện thoại hoặc thậm chí 3, 4 số hoặc nhiều hơn nhưng điều này cũng không phải là lý do giải thích số lượng thuê bao di động tại Việt Nam lại vượt xa tổng dân số. Nguyên nhân của sự chênh lệch này chính là tình trạng phát sinh các thuê bao ảo, là các thuê bao mới theo hình thức trả trước, theo các chính sách khuyến mại và thu hút khách hàng của các nhà mạng, được sở hữu số tiền trong tài khoản lớn hơn nhiều so với số tiền bỏ ra để đăng ký sử dụng các thuê bao này. Hiện tượng các hãng kinh doanh viễn thông bán bộ SIM kit với số tiền trong tài khoản nhiều gấp 2, gấp 3 số tiền mua bộ kit, dẫn đến tình trạng khách hàng không mua thẻ cào nạp vào tài khoản của số điện thoại đang sử dụng mà chuyển sang mua bộ các bộ kit khuyến

mại này để tiết kiệm chi phí sử dụng điện thoại. Việc bán bộ kit khuyến mại như vậy giúp nhà mạng giải quyết ngay trước mắt được vấn đề doanh thu, kích thích được người tiêu dùng sử dụng sim của mình nhưng lại dẫn đến những yếu tố tiêu cực. Thường thì các khách hàng mua bộ kit khuyến mại này, sau khi sử dụng hết số tiền trong tài khoản là bỏ sim đó đi và chuyển sang mua bộ kit khuyến mại khác. Tình trạng này gây ra nhiều yếu tố tiêu cực cho nhà cung cấp dịch vụ như: Tốn kém trong việc đầu tư mua mới bộ sim kit, khó khăn trong việc quản lý, chăm sóc khách hàng, tăng chi phí quản lý (mỗi sim kích hoạt xong đều phải được quản lý, theo dõi trên hệ thống) và làm cạn kiệt nhanh chóng tài nguyên kho số điện thoại. Riêng Viettel tính đến hết Quý 1 năm 2011 có khoảng 38,8 triệu thuê bao trong đó có khoảng 3,4 triệu thuê bao trả sau và 35,4 triệu thuê bao trả trước, và đương nhiên trong số thuê bao trả trước này có không ít các thuê bao ảo. Để giải quyết tình trạng cạn kiệt kho số, Viettel cũng như các nhà cung cấp dịch vụ di động khác đã đưa ra các chính sách về việc thu hồi các thuê bao trả trước hết thời hạn sử dụng và có thời gian nhất định không phát sinh cước, tuy nhiên, tình trạng thuê bao ảo không vì thế mà giảm đi, ngược lại, vẫn có xu hướng tăng do các chính sách khuyến mại cho SIM mới không được gỡ bỏ.

Như đã nêu ở Chương 2, số thuê bao tại thị trường Campuchia đã đạt tới con số trên 10 triệu, trong khi tổng dân số Campuchia chỉ vào khoảng hơn 14 triệu. Do đó, ta có thể thấy tình trạng thuê bao ảo cũng đang diễn ra rất mạnh mẽ ở thị trường Campuchia và sớm muộn các nhà mạng cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề tiêu cực do hiện tượng này gây ra. Người dân đang sử dụng Metfone có thể sẵn sàng quay sang sử dụng SIM của nhà mạng khác khi có những đợt khuyến mãi với giá hấp dẫn hơn của Metfone. Tăng trưởng nhanh là một điều đáng mừng, nhưng Viettel Campuchia cũng phải tìm các biện pháp thu hút khách hàng thực tế hơn như phát triển ra các thị trường mới chưa được khai thác tại Campuchia, nâng cao chất lượng dịch vụ và các chính sách hậu mãi, ưu đãi đối với các thuê bao hiện tại. Làm được điều này thì mạng Metfone mới có thêm các khách hàng trung thành và có thể phát triển bền vững trên thị trường.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của công ty Viettel Campuchia - Những bài học kinh nghiệm (Trang 92)