Các nhân tố thuộc môi trường vĩ mô

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của công ty Viettel Campuchia - Những bài học kinh nghiệm (Trang 31)

Điều kiện tự nhiên và kết cấu hạ tầng: Các điều kiện tự nhiên bao gồm diện tích đất đai, địa hình, khí hậu, tài nguyên,... và kết cấu hạ tầng (hạ tầng vật chất – kỹ thuật và hạ tầng xã hội) bao gồm hệ thống giao thông, mạng lưới điện, hệ thống thông tin, hệ thống giáo dục – đào tạo… Các nhân tố này có ảnh hưởng rất lớn đến các yếu tố đầu vào, ảnh hưởng đến chất lượng và giá cả của sản phẩm, tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và qua đó tác động đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Để bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động bình thường và nâng cao năng lực cạnh tranh, cần có hệ thống kết cấu hạ tầng đa dạng, có chất lượng tốt. Điều đó đòi hỏi có sự đầu tư đúng mức để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Kinh tế: GDP, tốc độ tăng trưởng và sự ổn định của nền kinh tế, sự ổn định của giá cả, tiền tệ, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ giá hối đoái... Tất cả các yếu tố này đều ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh và qua đó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Kỹ thuật-công nghệ: Đây là nhân tố ảnh hưởng mạnh và trực tiếp đến doanh nghiệp. Các yếu tố công nghệ bao gồm phương pháp sản xuất mới, kỹ thuật mới, vật liệu mới, thiết bị sản xuất, các bí quyết, các phát minh, phần mềm ứng dụng…Các doanh nghiệp có điều kiện ứng dụng các thành tựu của công nghệ để tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao hơn nhằm phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy vậy, nó cũng mang lại cho doanh nghiệp nguy cơ tụt hậu, giảm năng lực cạnh tranh nếu doanh nghiệp không đổi mới công nghệ kịp thời.

Chính trị - luật pháp - chính sách: gồm các yếu tố chính phủ, hệ thống luật pháp, xu hướng chính trị, thể chế, chính sách,… nghĩa là các yếu tố có ảnh hưởng và liên quan đến các biện pháp điều tiết cả đầu vào và đầu ra cũng như toàn bộ quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Đây là nhóm yếu tố rất quan trọng và bao quát rất nhiều vấn đề liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp nói chung và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng. Một đất nước có nền chính trị ổn định, hệ thống luật pháp phát triển hoàn thiện, các chủ trương chính sách, cơ chế điều tiết rõ ràng minh bạch sẽ là môi trường hấp dẫn đối với các nhà kinh doanh. Ổn

định, minh bạch, có thể dự đoán được là điều kiện đặc biệt quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Văn hóa – xã hội: Nhóm yếu tố này có ảnh hưởng khá mạnh tới hoạt động kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Quy mô, tốc độ tăng trưởng, cấu trúc dân số qua các tiêu chí (giới, độ tuổi, thành thị - nông thôn), thu nhập của dân cư,… tác động đến dung lượng thị trường, sức mua của thị trường. Bên cạnh đó, phong cách sống, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng,… ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi tiêu dùng của khách hàng và qua đó tác động trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hiểu biết về môi trường văn hóa và điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cho phù hợp với môi trường là hết sức quan trọng. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong môi trường xa lạ.

Cần lưu ý rằng, trong điều kiện kinh doanh hiện đại, doanh nghiệp muốn thành công và đứng vững trên thị trường thì không chỉ đơn thuần chạy theo lợi nhuận. Vấn đề trách nhiệm xã hội được coi là một tiêu chí quan trọng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải hướng tới đạt được lợi ích xã hội và giảm thiểu chi phí xã hội.

Trình độ nguồn nhân lực: Trong một số công trình nghiên cứu, nguồn nhân lực được tách riêng như một nhân tố bên ngoài quan trọng ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp [22, p.16]. Trong nền sản xuất hiện đại, đặc biệt là trong xu hướng chuyển sang nền kinh tế tri thức thì chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia hay của một vùng lãnh thổ là yếu tố được quan tâm nhất khi các doanh nghiệp lựa chọn đầu tư. Trình độ và các điều kiện về nguồn nhân lực thể hiện ở kỹ năng của nguồn nhân lực, mức lương, hệ thống lương, điều kiện làm việc, sức khỏe và an toàn, đầu tư cho đào tạo, vai trò của công đoàn.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của công ty Viettel Campuchia - Những bài học kinh nghiệm (Trang 31)