Đặc thù của ngành viễn thông là chất lượng, quy mô dịch vụ phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng hạ tầng kỹ thuật. Hạ tầng truyền dẫn, hạ tầng nhà trạm và các trung tâm điều hành là những nhân tố đóng vai trò quyết định đến khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp kinh doanh viễn thông. Vì vùng phủ sóng, dung lượng cho phép và chất lượng dịch vụ đều bị chi phối trực tiếp bởi hệ thống hạ tầng của doanh nghiệp viễn thông: bao gồm kiến trúc mạng lõi, hệ thống cáp quang, hệ thống nhà trạm v.v... do đó Viettel luôn có quan điểm “kinh doanh viễn thông là kinh doanh hạ tầng” và triết lý “hạ tầng đi trước, kinh doanh đi sau”. Quan điểm và triết lý này của Viettel đã được kiểm chứng từ thành công của Viettel trên thị trường
Việt Nam, khi doanh nghiệp này thời gian đầu tập trung phát triển hạ tầng mạng cáp quang và nhà trạm khắp trên toàn quốc, cho phép phủ sóng rộng hơn hẳn hai đối thủ cạnh tranh lúc bấy giờ là Vinaphone và Mobifone, nhờ đó chiếm được thị phần còn đang bỏ ngỏ là nông thôn, vùng sâu vùng xa của Việt Nam. Cũng với tư duy như vậy, Viettel Campuchia đã bỏ toàn bộ thời gian trước khi chính thức khai trương mạng Metfone (từ năm 2006 đến năm 2009) để tập trung phát triển trước hạ tầng mạng lưới để ngay khi bắt đầu cung cấp dịch vụ, họ đã có vùng phủ sóng di động đứng đầu Campuchia, hạ tầng cáp quang nhà trạm sẵn sàng triển khai cho các kết nối Internet ADSL cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên hạ tầng truyền dẫn.
Đây là một bài học vô cùng quan trọng cho bất cứ doanh nghiệp viễn thông nào bắt đầu xây dựng, phát triển hoạt động kinh doanh của mình tại thị trường mới. Việc sở hữu mạng lưới hạ tầng hoạt động hiệu quả sẽ cho phép doanh nghiệp cung ứng dịch vụ viễn thông với chất lượng tốt và khi bước chân vào cạnh tranh tại một thị trường mới, chất lượng dịch vụ tạo ấn tượng ban đầu với khách hàng càng tốt bao nhiêu thì càng có lợi cho việc phát triển thuê bao, cạnh tranh giành giật thị trường với các đối thủ khác bấy nhiêu. Hiện nay, Viettel cũng đang áp dụng chính sách lược này với các thị trường mới như Haiti, Mozambique và Peru, giành thời gian đầu để tập trung đầu tư phát triển hạ tầng và đặc biệt chú ý đến các khu vực vùng sâu vùng xa, những nơi mà các đối thủ cạnh tranh chưa với tới được. Đương nhiên, đây là một sách lược đúng đắn nhưng cũng rất khó thực hiện cả về mặt tài chính, do mất nhiều thời gian ban đầu để đầu tư hạ tầng mà chưa có được doanh thu, và khó khăn cả về mặt thực hiện trong thực tế vì đầu tư hạ tầng trên quy mô lớn, vươn đến các vùng sâu vùng xa bao giờ cũng sẽ vấp phải những khó khăn về điều kiện địa lý, điều kiện hạ tầng các ngành hỗ trợ như mạng lưới điện phục vụ nhà trạm v.v… Tuy nhiên, nếu thực hiện được điều này thì khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp tham gia thị trường mới sẽ được nâng cao và giúp cho doanh nghiệp dễ đạt được các thành công trong hoạt động kinh doanh sau này.