Bài học về cạnh tranh về giá cước

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của công ty Viettel Campuchia - Những bài học kinh nghiệm (Trang 94)

Cạnh tranh về giá cước không phải là chiến lược cạnh tranh mang tính bền vững và có những nguy cơ tiềm ẩn cho tất cả các doanh nghiệp tham gia thị trường viễn thông. Tại Việt Nam, các nhà cung cấp dịch vụ trong mấy năm vừa qua đã liên tục cạnh tranh khốc liệt bằng cách liên tục giảm giá cước dịch vụ viễn thông mà đi đầu trong phong trào này chính là Viettel. Thời điểm ban đầu khi mới tham gia thị trường, Viettel đã rất thành công khi đưa ra giá cước hấp dẫn hơn các đối thủ như Mobifone hay Vinaphone, tạo nên một cuộc chiến về giảm giá cước kéo dài đến tận thời điểm hiện nay. Phải ghi nhận rằng cuộc cạnh tranh về giá cước giữa các nhà cung cấp mạng đem lại lợi ích rất lớn cho người tiêu dùng, nhưng nhìn từ góc độ doanh nghiệp thì đây là một cuộc cạnh tranh tự sát. Khi một trong các nhà mạng giảm giá cước thì các nhà mạng khác cũng bắt buộc phải giảm giá theo và tình trạng này diễn ra liên tục trong nhiều năm qua, và đến thời điểm hiện nay thì mức giá cước đã ở mức quá thấp. Việc này cũng có ưu điểm là khiến việc gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới là cực kỳ khó khăn nhưng cũng là con dao hai lưỡi, làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp hiện tại đến mức không thể thấp hơn được nữa. Với tốc độ lạm phát từ 10-15% kéo dài trong nhiều năm vừa qua thì việc tiếp tục giảm cước là không thể kham nổi từ các nhà cung cấp mạng, và chỉ riêng việc duy trì mức cước thấp như hiện nay cũng đủ để gây khó khăn rất lớn về sản xuất kinh doanh đối với tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam cũng ý thức rõ vấn đề này và đã tìm các hướng tháo gỡ bằng các biện pháp như phát triển thêm các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền hạ tầng kỹ thuật đã đầu tư từ trước như cung cấp dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao sử dụng công nghệ 3G, 3,5G và thời gian tới sẽ nâng lên 4G. Các dịch vụ này sẽ giúp các nhà cung cấp mạng khai thác triệt để hơn hạ tầng kỹ thuật đã có sẵn, tăng doanh thu từ các lĩnh vực ngoài dịch vụ cơ bản.

Như đã trình bày ở trên, từ khi tham gia thị trường Campuchia, Viettel cũng đã tạo nên cuộc chiến giảm giá rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, tại thị trường này, Viettel phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh có tiềm lực rất lớn, là chi nhánh hoặc công ty con

của các doanh nghiệp viễn thông lớn tại nước ngoài. Họ sẵn sàng tham gia cuộc chiến giảm giá để tranh giành thị phần với Viettel Campuchia và thậm chí còn đi trước trong cuộc đua này. Để tạo nên sức phát triển bền vững, Viettel Campuchia cũng như các nhà cung cấp mạng khác không nên sa đà vào cuộc chiến giảm giá cước mà phải có những chiến lược cạnh tranh tích cực hơn, tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng mạng và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, kích thích người tiêu dùng sử dụng thêm nhiều dịch vụ giá trị gia tăng có lợi ích thiết thực cho đời sống xã hội.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của công ty Viettel Campuchia - Những bài học kinh nghiệm (Trang 94)