Quản lý lợi nhuận

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tại Tổng Công ty cổ phần Hàm Rồng Thanh Hoá (Trang 99)

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TẠI TỔNG CÔNG TY CỔ PHẦN HÀM RỒNG THANH HOÁ

3.2.2.3.Quản lý lợi nhuận

Trong điều kiện năng lực máy móc thiết bị của Tổng Công ty đang còn chưa được sử dụng hết như hiện nay, Tổng Công ty cần xây dựng cơ chế khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng mạnh về doanh thu, chiếm lĩnh thị phần một cách rõ ràng. Trong đó, cần lưu ý đến công cụ giá và chính sách bán hàng linh hoạt, ưu đãi cho những khách hàng lớn, những vùng thị trường mới, những vùng thị trường có mức độ cạnh tranh lớn. Thậm chí với những khách hàng, vùng thị trường trong những giai đoạn mục tiêu chiếm thị phần là quan trọng nhất thì việc đặt giá bán chỉ cần đảm bảo bù các chi phí biến đổi và một phần chi phí cố định. Cơ chế này cũng cần sự kết hợp chặt chẽ với cơ chế huy động vốn, đảm bảo đủ vốn cho việc tăng trưởng mạnh về doanh thu.

Tổng Công ty cần có phân cấp, phân quyền rõ hơn nữa về việc quyết định các khoản chi. Để làm tốt vấn đề này thì công tác lập kế hoạch tài chính, trong đó có kế hoạch về ngân sách cho tháng, quý, năm cần được thực hiện nghiêm túc. Trên cơ sở kế hoạch về ngân sách đã được phê duyệt và phân quyền rõ ràng thì các cấp quản lý sẽ chủ động và nâng cao trách nhiệm hơn đối với các khoản chi, đồng thời giảm áp lực quản lý những công việc sự vụ cho Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng Tổng Công ty.

Cần cải tiến cơ chế về lương, thưởng trong Tổng Công ty. Có cơ chế khoán lương, thưởng thật sự hấp dẫn kèm với các chỉ tiêu, yêu cầu công việc rõ ràng cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt Tổng Công ty, đơn vị thành viên và nhân viên kinh doanh - những vị trí có quyết định chính đến sự tăng trưởng doanh thu và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Với mặt bằng lương, thưởng và các chế độ đãi ngộ khác đủ cao, tập trung vào những người có vai trò quyết định sẽ nâng cao hiệu quả làm việc, đồng thời mới có khả năng thu hút nhân lực có năng lực về làm việc tại Tổng Công ty, khắc phục cơ chế trả lương vẫn còn cào bằng, bình quân chủ nghĩa như hiện nay.

Rà soát lại toàn bộ hệ thống định mức trong Tổng Công ty, hoàn thiện cơ chế khoán theo định mức, có chính sách thưởng, phạt rõ ràng đối với việc hao phí thấp

hoặc cao hơn định mức quy định, đặc biệt là tiêu hao nguyên nhiên vật liệu. Có thể áp dụng mức thưởng cao từ 50%-70% giá trị nguyên nhiên vật liệu tiết kiệm được cho ka, tổ sản xuất để khuyến khích cán bộ công nhân nâng cao trách nhiệm, không ngừng sáng tạo tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm.

Cần xây dựng cơ chế xác định tồn kho nguyên liệu một cách hợp lý, hiệu quả. Đặc thù sản xuất phân bón có tính thời vụ rất cao, chính vì vậy việc xác định thời điểm, số lượng, cơ cấu, tỷ lệ các loại nguyên liệu dự trữ có tác động rất lớn đến hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm.

Phân phối lợi nhuận:

Cần có cơ chế rõ ràng về việc phân phối lại một phần lợi nhuận cho cán bộ chủ chốt các đơn vị thành viên có hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn kế hoạch mà kết quả đó không phải do yếu tố thuận lợi của thị trường hoặc thay đổi chính sách của Nhà nước mang lại nhằm kích thích tinh thần trách nhiệm cao, tính chủ động sáng tạo của các đơn vị thành viên trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tạo lập Quỹ cổ phần thưởng, để thưởng cho những cá nhân có thành tích công tác xuất sắc trong năm, thưởng cho các cá nhân liên tục hoàn thành tốt công việc và có thâm niên công tác tại doanh nghiệp lâu 5, 10, 15, 20 năm, ... và thưởng cho các cá nhân có năng lực được thu hút về Tổng Công ty làm việc nhằm tạo sự gắn bó và trách nhiệm cao trong công việc.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tại Tổng Công ty cổ phần Hàm Rồng Thanh Hoá (Trang 99)