T Chỉ tiêu Năm 2006 Năm 2007 Năm 2008 Năm 2009 Năm
2.3.2.3. Nguyên nhân khách quan
Hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý chưa đầy đủ, có nhiều điểm còn bất cập với thực tế quản lý SXKD: Hệ thống pháp luật của Việt Nam trong nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đang dần dần được bổ xung, hoàn thiện nên còn nhiều nội dung phát sinh từ thực tiễn sản xuất kinh doanh pháp luật chưa được đề cập để định hướng cho hoạt động quản lý của doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, có nhiều văn bản pháp luật không thống nhất với nhau, nhiều luật quy định chung chung, không rõ ràng gây ra nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ
quan quản lý và doanh nghiệp gây khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật và dễ phát sinh tiêu cực. Từ đó, pháp luật chính thống không còn là cơ sở duy nhất để doanh nghiệp xây dựng cơ chế quản lý, doanh nghiệp muốn hoạt động thuận lợi còn phải biết vận dụng khéo léo các luật lệ từ cuộc sống, mà những luật lệ này không thể thể hiện vào các văn bản chính thống quản lý doanh nghiệp được. Bên cạnh đó nhiều luật ban hành có nhiều điểm không hợp lý với tình hình thực tế SXKD của doanh nghiệp như các luật thuế, luật đất đai, luật về bảo hiểm, luật lao động gây khó khăn cho hoạt động quản lý cũng như thể chế hoá hoạt động quản lý vào các văn bản chính thống của doanh nghiệp.
Các chính sách kinh tế của Nhà nước thường không ổn định, hay thay đổi và chồng chéo nhau:
Các chính sách kinh tế của nhà nước liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như thuế, lãi suất, tín dụng, xuất nhập khẩu, tiền lương, ... thường rất hay thay đổi và nhiều lúc chồng chéo nhau làm cho doanh nghiệp rất khó khăn trong việc đưa ra các kế hoạch tài chính cũng như cơ chế quản lý tài chính chính xác và ổn định. Nền kinh tế vĩ mô cũng có những biến động rất lớn đặc biệt là vấn đề lạm phát, giá cả tác động rất nhạy đến những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, những kế hoạch kinh doanh sẽ nhanh chóng không còn phù hợp trước những biến động của các chỉ số kinh tế vĩ mô liên tục thay đổi. Vì vậy, thay vì điều hành theo kế hoạch, doanh nghiệp lựa chọn cách điều hành ngắn hạn, ứng biến theo môi trường bên ngoài.
Các thị trường phục vụ cho hoạt động của CTCP còn chưa đầy đủ và minh bạch:
Các thị trường phục vụ cho sự phát triển của CTCP như thị trường tín dụng, thị trường chứng khoán, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường giao dịch hàng hoá chuyên ngành, thị trường công nghệ, thị trường đấu thầu, ... còn đang ở giai đoạn đầu hình thành và còn rất thiếu minh bạch. CTCP có quy mô vừa và nhỏ rất khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường này để có thể huy động đủ nguồn lực một cách chính thống phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Mặc dù trong thời gian qua môi trường kinh doanh đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt được sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh
nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khả năng tiếp cận các nguồn lực. Có một thực tế là với một cơ chế quản lý tài chính mang tính chuẩn tắc chưa chắc đã phát huy được tác dụng khi mà doanh nghiệp đang hoạt động trong môi trường kinh doanh chưa thực sự minh bạch và bình đẳng như hiện nay.
Nhà nước chưa có hướng dẫn về xây dựng CCQLTC cho hình thức CTCP:
Nhà nước đã ban hành quy định về CCQLTC đối với doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên vẫn chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể nào về xây dựng CCQLTC đối với loại hình CTCP. Các CTCP vì vậy hoặc là dựa vào quy định về CCQLTC đối với doanh nghiệp nhà nước hoặc là tự nghiên cứu các luật liên quan để đưa ra các quy định quản lý tài chính cho doanh nghiệp mình. Với điều kiện hạn chế về khả năng nhân lực, khi chưa có những hướng dẫn cụ thể của nhà nước, các CTCP quy mô vừa và nhỏ rất khó tự xây dựng được một CCQLTC mang tính chất chuyên nghiệp và hiệu quả.
Môi trường kinh doanh tại địa phương còn có nhiều điểm không thuận lợi:
Với địa bàn hoạt động chính tại một tỉnh lẻ, không thuộc các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia nên doanh nghiệp gặp nhiều bất lợi trong việc tiếp cận các nguồn thông tin, kiến thức mới, cơ hội kinh doanh và khả năng thu hút các nguồn lực, làm hạn chế lớn trình độ của cán bộ nhân viên Tổng Công ty. Các nội dung quản lý tài chính của Tổng Công ty được đưa ra nhiều khi cũng bị hạn chế khi xem xét đến khả năng thực thi được trong điều kiện môi trường kinh doanh thực tế tại địa phương.
Tóm lại, sau khi nghiên cứu thực trạng CCQLTC tại Tổng Công ty cổ phần Hàm Rồng Thanh Hoá đã cho thấy CCQLTC hiện nay của Tổng Công ty còn nhiều điểm bất cập, hạn chế, chưa phù hợp với tình hình thực tế và quy mô sản xuất kinh doanh ngày càng mở rộng của Tổng Công ty. Đồng thời xác định rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ đó làm cơ sở để đưa ra các giải pháp thích hợp để hoàn thiện CCQLTC của Tổng Công ty theo hướng phù hợp với định hướng và quy mô phát triển của Tổng Công ty, để CCQLTC thực sự là động lực cho hoạt động SXKD của Tổng Công ty đạt hiệu quả cao.
CHƯƠNG 3